Đề nghị bồi thường tiền vật liệu để vẽ lại... tranh đã mất

02/02/2021 - 11:14

PNO - Cách xử lý của Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam khiến giới làm nghề không đồng tình.

Thời gian qua, Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã tìm phương án xử lý với những tác giả bị mất, xước tranh. Điều lạ là mỗi người được xử lý một kiểu.

Họa sĩ Quốc Huy cho biết giữa anh và Ban tổ chức đã giải quyết xong sự việc, bằng cách bồi thường giá trị tranh. Tuy nhiên, nam họa sĩ không tiết lộ con số cụ thể vì thỏa thuận giữa hai bên.

Trong khi đó, với trường hợp của họa sĩ Phạm Hùng Anh, anh cho biết Ban tổ chức triển lãm đề nghị trả cho tác giả một số tiền để mua vật liệu, vẽ lại tranh nhưng không đưa ra con số cụ thể. Nam họa sĩ đưa ra giá là 12.000 USD.

Tranh của hoạ sĩ Phạm Hùng Anh bị mất trong triển lãm
Tranh của họa sĩ Phạm Hùng Anh bị mất trong triển lãm

Chưa bàn đến những con số là nhiều hay ít nhưng cách xử lý thực sự đáng suy ngẫm. Việc làm trầy xước, mất tranh là việc khó thể chấp nhận vì bất kỳ lý do gì, nhưng Ban tổ chức vẫn để điều đó xảy ra. Việc giải quyết hậu quả lại khiến người thiệt hại cảm thấy không thỏa đáng, những ồn ào lại càng bị đẩy đi xa. 

Họa sĩ Hùng Anh cho biết anh cảm thấy không hài lòng với cách giải quyết này bởi "không họa sĩ nào copy lại sản phẩm của mình bao giờ". Đặc biệt, bức tranh này đã có người mua, sau đó họa sĩ Hùng Anh mượn lại để gửi đến triển lãm. Tranh mất, họa sĩ phải hoàn tiền đã nhận.

Họa sĩ Thành Chương, Phạm An Hải đều không đồng tình với cách giải quyết trên. “Sẽ ra sao nếu trên thị trường tồn tại hai bức tranh giống nhau? Người chơi tranh, đặc biệt là người làm nghề sẽ rất khó chấp nhận việc này”, họa sĩ Thành Chương nói. Còn họa sĩ Phạm An Hải cho rằng: “Nếu mất tranh, phương án tốt nhất là đền bù thiệt hại, chứ không thể đền bù tiền vật liệu được”.

Có thể thấy, đề nghị trên nếu được hiện thực hóa, đó không phải là cách giải quyết thỏa đáng và cũng sẽ biến thành tiền lệ xấu. 

Trong khi đó, các sản phẩm mỹ thuật thường phải tốn nhiều thời gian để thực hiện, và không thể sản xuất theo phương thức công nghiệp. Thị trường mỹ thuật Việt Nam trên đà phát triển, chuyên nghiệp hóa, liệu sai sót này có nên được xem nhẹ? Mất tranh - một hiện vật - đã là nỗi buồn lớn thì việc mất lòng tin từ họa sĩ với những sân chơi quy mô thế này lại là nỗi lo lớn hơn. 

Tác phẩm Bé Uyên Minh (tác giả Cao Nam Tiến) bị xướt khi được gửi đến triển lãm vừa qua
Tác phẩm Bé Uyên Minh (tác giả Cao Nam Tiến) bị xước khi được gửi đến triển lãm vừa qua

Ông Mã Thế Anh - Cục trưởng Cục Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cho biết trách nhiệm hiện được quy cho cá nhân, tổ chức - cụ thể là phía trung tâm triển lãm Vân Hồ. Trung tâm này sẽ làm việc với các nghệ sĩ để đưa ra mức bền bù, phương án thỏa đáng.

Ông Bùi Kỳ Đà - Phó giám đốc Trung tâm Triển lãm Vân Hồ - cho biết trung tâm sẽ nhận trách nhiệm bồi thường cho họa sĩ vì nhận lưu giữ tranh. Họ muốn tìm phương án tốt nhất để thỏa thuận với tác giả.   

Tuy nhiên, Trung tâm Triển lãm Vân Hồ cũng chỉ là đơn vị tiếp nhận tranh từ Cục Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (đơn vị phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức) sau khi Cục làm việc và nhận trực tiếp từ tác giả.   

Vì thế, trách nhiệm được giao hẳn cho Trung tâm Triển lãm Vân Hồ có thực sự hợp lý, thỏa đáng?

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI