Xem triển lãm khoả thân miễn phí của nghệ sĩ đến từ 20 quốc gia

23/12/2020 - 20:30

PNO - Trong triển lãm này có sự góp mặt của hai tác giả đến từ Việt Nam, với những tác phẩm khá ấn tượng.

Triển lãm nghệ thuật khỏa thân trực tuyến - Virtually Nude show do Nepalian Art tổ chức, diễn ra từ nay đến 30/12. Sự kiện quy tụ 57 tác giả đến từ 20 quốc gia như: Nepal, Singapore, Mỹ, Ecuador, Việt Nam, Brazil, Úc… Trong đó, hai tác giả đến từ Việt Nam là hoạ sĩ Mai Đại Lưu và Trần Việt Văn (phóng viên báo Lao Động).                     

Mai Đại Lưu mang đến bức tranh sơn dầu mang tên Chơi trong vườn hoa, với những gam màu rực rỡ, bắt mắt. Giải thích về ý nghĩa tác phẩm này, Mai Đại Lưu cho biết: “Tôi là chủ thể của tác phẩm, là nhân vật chính của trò chơi và muốn mọi thứ xoay quanh mình. Những ham muốn tình dục, thể xác của con người được đẩy lên cao nhất. Con người trở nên giống những loài động vật hoang dã. Tôi là chủ thể nhưng không gian không phải là nơi tôi sống, mà là trong rừng…”. Bức tranh được rao bán với giá 12.000 USD (khoảng 290 triệu VNĐ).

Tác phẩm Chơi trong vườn hoa của tác giả Mai Đại Lưu
Tác phẩm Chơi trong vườn hoa của tác giả Mai Đại Lưu

Tác giả Trần Việt Văn mang đến tác phẩm nhiếp ảnh Bản năng gốc số 3 thuộc chùm ảnh Bản năng gốc được tác giả thực hiện trong nhiều năm.

Tác giả cho rằng trong thời đại công nghệ hiện nay không khó để một ai đó bất kỳ có thể chụp một bức ảnh đẹp bằng điện thoại thông minh. Nhưng sức mạnh của nhiếp ảnh là mỗi bức ảnh sẽ có thể kể một câu chuyện. Bức ảnh có thể thô ráp, xấu xí nhưng cần tạo được cảm xúc, sự kết nối cho người xem.

Với Bản năng gốc số 3, Trần Việt Văn gửi đi thông điệp cuộc sống ngày càng nhanh, con người ngày càng muốn tận hưởng nhiều thứ cùng lúc. Bức ảnh được rao bán với giá 950 USD (khoảng 23 triệu VNĐ).

Bản năng gốc số 3 của Trần Việt Văn
Bản năng gốc số 3 của Trần Việt Văn

Trong triển lãm lần này có sự tham gia của nhiều tác giả nữ. Họ chiếm khoảng 1/4 trong tổng số 57 tác giả tham gia. Một số cái tên đến từ Nepal, Bangladesh, nơi mà nghệ thuật khoả thân vẫn còn chịu nhiều định kiến.

Tác giả Farzana Ahmed (Bangladesh) tham gia triển lãm với bức tranh vẽ chì Trở thành chiếc lá khô. Tranh thể hiện người phụ nữ bán khoả thân với chiếc lá khô che đi dung mạo. Farzana Ahmed cho biết trong những ngày ở nhà vì dịch COVID-19, cô đã nhìn thấy rất nhiều món quà đẹp đẽ từ thiên nhiên, như những chiếc lá khô, lông chim, hoa khô…

Những vật tưởng chừng như vô hình ấy mang lại cho cô nhiều cảm xúc để trò chuyện với bạn bè. Bất ngờ, những người bạn của cô cũng tìm thấy được niềm vui tương tự. Cô cho rằng mỗi việc trong đời đều có hai mặt tốt, xấu. Đi qua được cái xấu và những điều tồi tệ sẽ giúp bản thân mạnh mẽ hơn, chẳng còn sợ điều gì. Nữ tác giả hiện đang là thạc sĩ, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Tác phẩm Trở thành chiếc lá khô
Tác phẩm Trở thành chiếc lá khô

Sabita Dangol (Nepal) thể hiện tình yêu và lòng vị tha qua hình ảnh đôi nam nữ bán khoả thân đi kèm hình ảnh chiếc lược và những hoa văn, hoạ tiết bắt mắt với tên gọi Tình yêu vị tha.

Tranh được vẽ bằng màu acrylic trên nền canvas. Cô cho rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng đôi lúc phải chịu sự ràng buộc. Chiếc lược chính là hình ảnh ẩn dụ để cô nói về những giải pháp, lòng vị tha với con người, thế giới xung quanh.

Tác phẩm bắt mắt của Sabita Dangol
Tác phẩm bắt mắt của Sabita Dangol

Triển lãm kéo dài đến 30/12, trên trang www.nepalianart.com. Giám tuyển triển lãm (curaror) là Kapil Mani Dixit (một nghệ sĩ thị giác nổi tiếng người Nepal, có bằng Mỹ thuật tại Đại học Texas tại Arlington, Mỹ) và Roshan Mishra (Giám đốc tại Bảo tàng Taragaon và là một nghệ sĩ thị giác có trụ sở tại Kathmandu). 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI