Để lịch sử trở thành môn học được nhiều học sinh lựa chọn

16/05/2022 - 06:55

PNO - Sau buổi tham vấn ý kiến chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc các phương án dạy học môn lịch sử cấp trung học phổ thông. Trong khi đó, các nhà sư phạm cho rằng không cần lo lắng môn lịch sử là bắt buộc hay tự chọn. vấn đề quan trọng là dạy môn lịch sử như thế nào để cuốn hút học sinh.

Kết quả bất ngờ

Từ năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở chương trình THPT, học sinh (HS) sẽ học 12 môn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích thay vì 17 môn như trước.

Cụ thể, HS phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn năm môn gồm: khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Học sinh Trường phổ thông IVS đặt câu hỏi trong buổi giao lưu cùng anh hùng Phạm Tuân - ẢNH: ĐẠI MINH
Học sinh Trường phổ thông IVS đặt câu hỏi trong buổi giao lưu cùng anh hùng Phạm Tuân - Ảnh: Đại Minh

Với chương trình mới này, HS lớp 10 sẽ không phải học môn lịch sử hay hóa học, sinh học hay địa lý nếu không muốn và có thể chọn các môn như nghệ thuật hay giáo dục kinh tế và pháp luật… Điều này cũng được xem như đổi mới căn bản, HS được tự chọn nhiều môn học yêu thích để định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại nếu để lịch sử là môn tự chọn thì nhiều HS sẽ không chọn học môn này.

Tuy vậy, khảo sát tại một số trường lại cho kết quả bất ngờ. Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) - cho biết: “Trường đã khảo sát lựa chọn môn học tự chọn với HS lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10, kết quả có 47,6% HS chọn học môn lịch sử; môn địa lý có 37,3% HS chọn; môn vật lý 60,6% HS chọn; môn hóa học 44,5% HS chọn; môn sinh học 34% HS chọn; môn công nghệ 42% HS chọn học...”. Theo kết quả này, số HS lựa chọn học môn lịch sử còn cao hơn chọn môn hóa học, sinh học.

Trường THCS - THPT Marie Curie (TP.Hà Nội) cũng đã tiến hành khảo sát các môn tự chọn của HS. Kết quả có 52,4% HS lựa chọn môn lịch sử, trong khi môn vật lý chỉ có 44,4% lựa chọn, còn môn hóa học cũng chỉ có 27,2% HS chọn.

Dạy lịch sử theo cách tái hiện lịch sử

Theo cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường THPT IVS (TP.Hà Nội) - hai năm gần đây, trường có 100% HS chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp là các môn xã hội, không có HS nào thi tổ hợp khoa học tự nhiên nên không cần lo lắng việc HS không lựa chọn môn lịch sử, vấn đề là chúng ta dạy học như thế nào để tạo sự 
lôi cuốn. 

Cô Nguyệt Anh kể: “Để bồi đắp thêm tình yêu môn sử cho HS, nhà trường thường tổ chức các buổi giao lưu như mời nhà sử học Dương Trung Quốc… về nói chuyện với HS. Mới đây, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi mời anh hùng Phạm Tuân - người bắn hạ máy bay B-52 - về nói chuyện với các em. Từ những buổi giao lưu như thế, HS được gặp người anh hùng, những chứng nhân lịch sử, được nghe kể chuyện, được đặt câu hỏi nên rất hào hứng”. Nhà trường cũng đưa lịch sử đến gần HS hơn bằng cách không dạy đọc chép mà lồng ghép các video cho HS xem hay tiểu phẩm hóa, kịch hóa một đoạn ngắn trong sự kiện lịch sử ngay trên lớp. Vì thế, HS rất hứng thú với tiết học lịch sử.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng: “Hiện nay, HS không hứng thú môn lịch sử phần lớn là do nội dung cũng như cách truyền tải của giáo viên trong mỗi buổi học. Đồng thời, chúng ta chưa đổi mới trong cách ra đề thi đối với môn sử nên gây ra tâm lý chán nản, áp lực với HS. Nếu chúng ta thay đổi cách dạy, tạo được hứng thú cho HS thì sẽ không lo môn lịch sử bị “ghẻ lạnh”.

Các nhà sư phạm cho rằng, chúng ta không cần tranh cãi môn lịch sử phải là môn bắt buộc hay tự chọn mà điều quan tâm là phương pháp dạy môn sử trong nhà trường. Nếu vẫn giữ mãi cách dạy học truyền thống đọc chép, với các con số thì dù lịch sử thành môn học bắt buộc, với HS cũng là học đối phó. Còn nếu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tạo nên những tiết học cuốn hút, đề thi theo hướng mở, nhẹ nhàng thì dù là môn tự chọn nhưng lịch sử chắc chắn sẽ có nhiều HS chọn. 

Đại Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI