Mai này còn ai học sử?

15/04/2022 - 06:43

PNO - Để đảm bảo một “tương lai” phát triển với nhiều cơ hội việc làm, dễ học dễ đậu, bao nhiêu phụ huynh và học sinh sẽ chọn học lịch sử?

 

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022 - 2023, học sinh có thể không cần học môn Lịch sử
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022 - 2023, học sinh có thể không cần học môn Lịch sử

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10 và cuốn chiếu đến lớp 11, 12 ở những năm tiếp theo, học sinh sẽ có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ và nghệ thuật. Ngoài những rối rắm có thể thấy trước như có quá nhiều phương án chọn lựa từ các nhóm môn, thiếu hoặc thừa giáo viên dạy các môn được học sinh chọn nhiều hay ít thì nguy cơ lớn là có thể sẽ có một thế hệ tương lai không còn biết sử nước nhà.

Ở nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), học sinh cần chọn ít nhất một môn. Với thực tế hiện nay, có thể nói, người thực sự chọn môn học sẽ không phải là chính bản thân học sinh, dựa trên sự yêu thích hoặc đam mê mà là phụ huynh - những người có đầy đủ sự “khôn ngoan”, thực tế, thậm chí thực dụng để định hướng con em mình lựa chọn cho tương lai.

Hãy nhìn số thí sinh vào đại học các ngành khoa học xã hội teo tóp dần hằng năm để thấy sự “thất sủng” của nhóm ngành học này. Để đảm bảo một “tương lai” phát triển với nhiều cơ hội việc làm, dễ học dễ đậu, bao nhiêu phụ huynh và học sinh sẽ chọn học lịch sử trong tương quan với địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật?

Chưa kể, vẫn với sự “thực tế” của phụ huynh và học sinh hôm nay cùng áp lực thi cử, những môn học thuộc nhóm tự chọn sẽ trở thành “môn phụ” và “chỉ cần qua môn là được”. Không khó để hình dung về chất lẫn lượng kiến thức học sinh sẽ thu nạp và ghi nhớ. Xin được phép hỏi thẳng các vị chuyên gia đã đưa ra khái niệm môn học bắt buộc, môn học lựa chọn cùng những tổ hợp môn để chọn lựa; nếu quý vị trực tiếp hoặc tư vấn cho con em mình chọn môn, quý vị sẽ (khuyên) chọn môn nào trong số ba môn: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật? Riêng tôi đã thử hỏi bạn bè và hầu hết đều chọn giáo dục kinh tế và pháp luật, một số ít chọn địa lý, không có ai chọn sử.

Nếu từ lớp 10 học sinh không chọn sử, khả năng gần như chắc chắn là ở các năm sau, học sinh sẽ tiếp tục không chọn sử. Ba năm học phổ thông, học sinh sẽ có một khoảng trắng về lịch sử nước nhà và hẳn những chủ nhân tương lai của đất nước ấy cũng sẽ không quay lại tìm hiểu sử ta ở bậc đại học.

Những ngày qua, dư luận rộ lên câu chuyện một khu du lịch ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với chi tiết cưỡi ngựa lồng hai chân, tay cầm trường đao; dấy lên tranh cãi về việc Đức Thánh Trần cưỡi ngựa hay voi, dùng đao hay kiếm và vì sao ngài lại cưỡi ngựa lồng (tướng chết trận) trong khi Hưng Đạo Vương mất do tuổi cao sức yếu. Kỳ thực, nếu bất chợt hỏi “Đức Thánh Trần cưỡi ngựa hay cưỡi voi?”, “Vua Minh Mạng chết già hay chết trận?”, tin rằng sẽ không có nhiều học sinh, sinh viên, thậm chí người lớn trả lời được.

Nếu dân ta không biết sử ta, sẵn sàng bỏ sử khỏi chọn lựa học tập thì thật đáng lo ngại.

 Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI