Đề án "siêu phố đi bộ": Rối chuyện bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng

24/12/2020 - 15:29

PNO - Ngày 24/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM” - Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư, nghiên cứu thực hiện tại quận 1 bao gồm các đoạn trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, vòng xoay Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng, khu vực xung quanh nhà thời Đức Bà (với diện tích khoảng 300ha).

Việc mở rộng các tuyến phố đi bộ tại trung tâm TPHCM sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến môi trường và kinh tế TP.
Việc mở rộng các tuyến phố đi bộ tại trung tâm TPHCM sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến môi trường và kinh tế TP

Theo đó, Đề án hướng đến quy hoạch, cải tạo các tuyến đường theo hướng ưu tiên cho người đi bộ (mở rộng vỉa hè, bổ sung vạch sang đường tại các nút giao thông, các trạm dừng chân, hạn chế phương tiện cơ giới…) có thể triển khai theo 3 phương án: phố đi bộ vào cuối tuần cho khu vực quận 1; ưu tiên đi bộ trên 5 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách (vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại) vào các ngày trong tuần và hoàn toàn dành cho không gian đi bộ vào cuối tuần; phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết.

Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, việc triển khai các tuyến phố đi bộ này sẽ tác động tích cực đến vấn đề môi trường và tác động kinh tế. Trong đó, dự báo tổng chi tiêu của khách hàng đến khu vực “đi bộ hóa” cho các dịch vụ: mua sắm tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, giải khát - ăn uống, mua sắm lặt vặt trên đường phố… có xu hướng gia tăng. Dự toán kinh phí đầu tư khoảng 74 tỷ đồng cho 3 giai đoạn từ năm 2020 đến 2025.

Cần có sự liên kết giữa không gian đi bộ trên mặt đất và không gian ngầm.
Cần có sự liên kết giữa không gian đi bộ trên mặt đất và không gian ngầm

Góp ý cho Đề án, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho rằng khu vực triển khai Đề án có mối quan hệ mật thiết với không gian ngầm của TP khi tuyến metro hoàn thành. “Cần xem xét sự liên kết của 2 không gian này, đã có không gian đi bộ ngầm rồi thì có cần đi bộ trên mặt đất hay không hay chỉ cần một không gian đẹp mắt. Đầu tư cải tạo không gian là không nhỏ, cần cân nhắc để tránh lãng phí”, kỹ sư Hà Ngọc Trường nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề cập 6 điểm bất cập của Đề án. Đó là chưa bố trí được bãi giữ xe phù hợp và tránh hiện tượng chặt chém; nạn chặt chém du khách và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hàng quán mọc lên cùng không gian; các gánh hàng rong gây mất mỹ quan đô thị, chiếm không gian người đi bộ và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (có cần cấp phép hay không, có ảnh hưởng đến đời sống người dân hay không…); vấn đề an toàn và đảm bảo vệ sinh công cộng khi người dân dẫn theo thú nuôi; việc đảm bảo các không gian công cộng phục vụ khách đi bộ (nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng yêu cầu và thường rất mất vệ sinh, thiếu chỗ trú mưa, trạm dừng chân, không đủ thùng rác công cộng…).

“Ở đây cũng chưa tính đến các đối tượng yếu thế như: người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… Rồi việc phân bổ nguồn lực quản lý, nâng cao ý thức của người dân khi sinh hoạt trong không gian công cộng cũng cần được quan tâm. UBND TPHCM nhất thiết phải ban hành quy chế hoạt động trong không gian đi bộ với những quy định và chế tài cụ thể”, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.

Cần rút kinh nghiệm từ các mô hình trước như Phố đi bộ Bùi Viện.
Cần rút kinh nghiệm từ các mô hình trước như phố đi bộ Bùi Viện

“Cần phải xem xét hài hòa quyền lợi của người dân. Vẫn có những tác động gây thiệt hại chứ không chỉ thuận lợi, điển hình như những hộ kinh doanh lâu đời mà khách quen của họ thường tấp xe vào mua rồi mang đi. Hay như trường hợp người bị bệnh không lẽ phải đi bộ đến Bệnh viện Sài Gòn? Rồi các đoàn khách quốc tế đến chào xã giao hay làm việc tại UBND TPHCM có phải đi bộ không?...”, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM đặt vấn đề.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng cho rằng nếu Đề án chỉ tính phát huy các bãi đỗ xe hiện hữu hay lòng đường trong khu vực là không hợp lý vì đã là “đường đi bộ” thì các xe phải dừng ở rìa ngoài, đâu thể “cẩu xe” vào bãi đỗ bên trong. “Việc giao về cho UBND quận 1 vận hành cũng không hợp lý. Điển hình như lĩnh vực an ninh trật tự thì nhiều tuyến đường trong khu vực cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM phụ trách chứ không phải Công an quận 1.

Trong 10 năm qua, các vụ việc tụ tập đông người trái pháp luật hầu như đều xuất phát từ khu vực này, cũng cần phải tính tới các phương án quản lý đảm bảo an toàn, trật tự an ninh thật hiệu quả. Cần có sự quản lý đa ngành nghề theo chức năng nhiệm vụ hiện nay ở khu vực này!”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nêu ý kiến.

Cần có quy chế hoạt động trong không gian đi bộ với những quy định và chế tài cụ thể, như việc cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Cần có quy chế hoạt động trong không gian đi bộ với những quy định và chế tài cụ thể, như việc cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết Sở sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục mở rộng khảo sát để bổ sung, hoàn thiện Đề án. Trong đó, các vấn đề như: phương án bãi đỗ xe, phương thức quản lý vận hành và cả việc đảm bảo quyền lợi của người dân, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân luôn được đặc biệt quan tâm.

Tam Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI