ĐBQH lo lắng đồng tiền làm suy thoái đạo đức, đâm thủng cả pháp luật

09/06/2017 - 11:25

PNO - ĐBQH Đặng Thuần Phong chỉ ra đến 6 điểm “bất an” của nền kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó đáng lo ngại nhất là tham nhũng lãng phí, thương mại hóa các mối quan hệ xã hội, chạy chức chạy quyền…

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do nội dung này thu hút sự quan tâm rất lớn của các ĐBQH và nhân dân nên UBTVQH đã thống nhất sẽ kéo dài thời gian thảo luận đến tận 18h30 chứ không nghỉ từ 17h như mọi ngày.

DBQH lo lang dong tien lam suy thoai dao duc, dam thung ca phap luat
ĐBQH Đặng Thuần Phong phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Là một trong những ĐB đăng ký phát biểu đầu tiên, ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) bày tỏ hy vọng Chính phủ, Quốc hội chú trọng hơn đến những vấn đề bất an mà nhân dân luôn bức xúc. Nói kỹ hơn, ĐB này chỉ ra 6 điểm “bất an” của nền kinh tế xã hội mà người dân bức xúc.

Điều thứ nhất là tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị. Thứ hai, tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa chặn đứng được, là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Thứ ba, xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách. Bất an thứ 4 của ông Phong là thương mại hóa các quan hệ xã hội ngày càng lớn, đồng tiền đang chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền.

“Đáng lo hơn là đồng tiền làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng cả pháp luật. Minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng “chạy” ở Việt Nam. Thực tế rất đau lòng, trong lòng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã chạy trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; khi tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy được ra; truy tố chạy án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa kí kết về dẫn độ tội phạm để an tâm” – ĐB Đặng Thuần Phong phân tích.

Điều bất an thứ năm được vị ĐB đoàn Bến Tre dẫn ra là người dân không thể an tâm khi rừng hết, biển dần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cạn kiệt. Cuối cùng, theo an toàn sống đang bị đe dọa, từ bữa cơm lo ngại ATTP, ra đường sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ bị vạ lây…

Theo ĐB Đặng Thuần Phong, đó chỉ là 6 “bất an” trong rất nhiều vấn đề bức xúc khác của nhân dân, đồng thời đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc, chỉ đạo điều hành nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét.

DBQH lo lang dong tien lam suy thoai dao duc, dam thung ca phap luat
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tranh luận tại Quốc hội.

Bấm nút xin tranh luận lại phần phát biểu của ĐB Đặng Thuần Phong, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cho biết: “Tôi tôn trọng ý kiến của ĐB Đặng Thuần Phong nhưng chưa đồng thuận với câu hỏi của ĐB rằng tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính”.

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, cụ thể như Đảng bộ và chính quyền nhân dân TP.HCM đều đang quyết tâm hành động, nỗ lực chuyển mình trong mọi mặt công tác, kết quả có thể chưa được như mong muốn của nhân dân nhưng bước đầu cử tri đánh giá rất cao.

Trước đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề cập tới một vấn đề khác mà cử tri và nhân dân cũng hết sức quan tâm, đó là giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu kiện đông người.

ĐB này nói: “Trên phạm vi cả nước, tình hình tố cáo, khiếu kiện đông người đang diễn ra phức tạp, có lúc có nơi diễn ra gay gắt. Nhiều vụ việc người dân bị lôi kéo vào các nhóm tụ tập, khiếu kiện đông người mà không có lý do chính đáng, chỉ a dua làm theo…”.

Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này được ĐB Ngọ Duy Hiểu chỉ ra, đó là việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức không đúng, có hành vi quan liêu, sách nhiễu gây bức xúc cho người dân.

“Cử tri phản ánh có Chủ tịch huyện 6 tháng liền không tiếp dân lần nào. Có địa phương, một số phó chủ tịch quận, huyện bị kiểm điểm hàng chục lần do sai phạm trong tiếp công dân nhưng vẫn được tại vị. Nhiều nơi giải quyết đơn thư khiếu nại tìm cách đùn đẩy trách nhiệm”– ĐB đoàn Hà Nội dẫn chứng.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI