"Đầu tư cho văn hóa lãi gấp bảy lần sản xuất ô tô"

31/08/2015 - 15:34

PNO - Trong giai điệu mùa Thu 2015 với vở múa The roof (29/8) Biên đạo Bùi Ngọc Quân đã làm nên một trong những đêm diễn đặc sắc.

Mái nhà - The roof mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả
Là thành viên đoàn múa nổi tiếng Ballet c dela b (Bỉ), có công ty múa riêng, từng làm dự án múa tại hơn 100 quốc gia.

Khán giả ngồi kín khán phòng và lặng người theo dõi suốt hơn 60 phút lao động vất vả của các diễn viên (DV). Sự kết hợp khéo léo của ánh sáng, hình ảnh trình chiếu và giọng countertenor (nam hát giọng nữ) khiến màu sắc bi thương khắc khoải của vở diễn cùng biểu cảm của DV chạm đến khán giả ở tầng sâu cảm xúc.

Âm thanh thực của đạo cụ (gậy) và bảy con người trên sân khấu cũng được tận dụng triệt để tạo cảm giác trực quan mạnh mẽ với khán giả. Các DV Trang, Ly, Nhuận, Yến, Lùng, Bình, Thủy đều được biên đạo Bùi Ngọc Quân dành “đất” để biểu hiện hết những khả năng của mình.

Trên sân khấu là nhiều mảnh ghép cảm xúc liên tục, dồn dập từ đau đớn bi thương đến lãng mạn, tịch mịch, từ tiếng thét chói tai đến giọng hát phảng phất trong gió...

Sau đêm diễn, biên đạo Bùi Ngọc Quân cùng gia đình sẽ lên đường trở về châu Âu. Hai tháng ở Việt Nam của anh có thể coi là hoàn toàn xứng đáng khi vở diễn được ủng hộ nhiệt liệt.

* Nghe nói anh là nỗi “khiếp hãi” của các DV khi bắt họ tập liên tục hơn một tháng nay, thậm chí có DV đã bị chấn thương. Theo anh thì các DV này có đủ tiêu chuẩn làm việc tại môi trường chuyên nghiệp ở nước ngoài chưa?

Có lẽ chúng ta đừng chỉ chăm chăm nói về “trình độ”, mà hãy nhìn trên những gì họ muốn làm và chịu làm. Điều quan trọng nhất với một DV, theo tôi vẫn là đam mê.

Có đam mê mới chịu khó, hy sinh, vượt lên tất cả để làm cho bằng được. Có người bị thương tập tễnh suốt một tuần qua, giờ cũng đã quay trở lại nhịp cũ. Còn trình độ thì vô cùng, phải được rèn luyện qua thời gian.

Khi mới bắt đầu tập The Roof, tôi đã hỏi rõ DV rằng, có thể theo được nhịp độ tập luyện này không. Ai cũng phải đi diễn, đi học, kiếm tiền, nuôi con… nhưng ai cũng phải lựa chọn. Có khi cả ngày từ 8g sáng đến 5g chiều cả nhóm chỉ làm được một đoạn rất ngắn.

Sự vắng mặt của một cá nhân nào đó sẽ khiến mọi người phải làm lại từ đầu. Có nhiều thứ rất tiểu tiết, chỉ cần ra ngoài hai tiếng bước vào đã thấy khác, huống gì vắng mặt vài ngày rồi quay lại, sẽ khiến những DV còn lại rất mệt. Những ai qua được bốn tuần khắc nghiệt vừa rồi, theo tôi đã là rất khác biệt với mặt bằng chung còn lại.

* “Mặt bằng chung còn lại” cũng có yếu tố khách quan là do chưa được đầu tư đúng mức và thu nhập của múa rất thấp so với những ngành nghệ thuật khác…

- Tôi không nghĩ là do không có tiền. Tiền chúng ta có, mỗi năm vẫn “rót” đi một con số không hề nhỏ, quan trọng là tư duy và cách làm. DV múa của các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… nếu so về trình độ với Việt Nam thì không hơn, nhưng hãy nhìn cách họ “xài tiền” để tạo ra những chương trình biểu diễn đặc sắc, mang tầm quốc tế với các tên tuổi lớn và phục vụ cho du lịch, cho các khán giả có tiền.

Ở châu Âu, chương trình rất đa dạng với giá vé từ năm đến 100 euro, khán giả cũng rất đa dạng, từ sinh viên đến những người thất nghiệp. Tiền bán vé không bao giờ đủ trả cho chi phí một đêm diễn (khoảng 8.000 euro) mà phải có tài trợ của nhà nước.

Nhưng, theo thống kê thì mỗi đồng tiền đầu tư cho văn hóa vẫn sinh lãi đến bảy lần so với ngành sản xuất ô tô, vì thế mà các festival nghệ thuật vẫn diễn ra khắp nơi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI