Đau khổ vì bị coi là “gián điệp hai mang”

21/04/2025 - 08:00

PNO - Hiểu rằng mình đang làm đúng thì dù có nhiều người hùa vào phán xét, chúng ta vẫn phải có dũng khí và đủ niềm tin để không bị lay chuyển, phải không con?

Cô Hạnh Dung ơi,

Con năm nay học lớp Mười. Lên cấp III, con phải chuyển sang trường mới, quận mới. Theo lời ba mẹ thì đây là trường điểm, ba mẹ phải nhờ vả nhiều mới có thể xin cho con vào học. Nhưng học ở đây con không thấy vui, thậm chí rất cô đơn, không tìm thấy động lực học tập.

Các bạn trong lớp đa số quen thân nhau từ trước, chỉ có con mới chuyển về. Hồi đầu năm, con thân với một nhóm bạn nhưng giờ các bạn lại tung tin khắp lớp rằng con là “gián điệp hai mang” - đã được nhóm này kết nạp lại còn làm thân, đi ăn chè, nói chuyện với mấy đứa nhóm khác. Các bạn không chỉ nói bình thường mà còn lập nhóm trên Facebook, Zalo bêu xấu, đăng bài với lời lẽ cay độc, xem con là đứa không ra gì, miệt thị rất ghê gớm.

Con thật sự bị sốc, không nghĩ chỉ vì vui vẻ, hòa đồng với mọi người mà lại nhận hậu quả khủng khiếp như thế. Hiện con không muốn đi học, không còn niềm tin với bạn bè. Nghĩ tới cảnh phải học hết 3 năm trong môi trường thế này, con thật sự khủng hoảng.


Thu Tâm (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Thu Tâm thương,


Cô hiểu cảm giác tổn thương, hoang mang, cô đơn, mất niềm tin của con khi bị bạn bè hùa nhau cô lập, bắt nạt, bêu xấu trên mạng. Cô xin nói ngay để con yên lòng là con không làm gì sai, nên không cần băn khoăn tự trách. Mới chuyển trường, lạ thầy, lạ bạn, cảm giác đó đúng là không dễ chịu. Nhưng năm nay con 15 tuổi rồi - lứa tuổi đang dần trưởng thành, chuẩn bị thành người lớn. Vậy nên, hãy mạnh mẽ, đừng đắm chìm trong suy nghĩ tiêu cực rồi ảnh hưởng đến việc học, con nhé!

Việc các bạn gọi con là “gián điệp hai mang” thật ra chỉ là cách nghĩ lệch lạc, không chính xác. Con chỉ muốn hòa đồng, làm bạn với mọi người - đó là cách hành xử đúng. Chính cách chia phe, lập nhóm, nói xấu, cô lập, gây mất đoàn kết mới là hành vi chưa đúng, chưa đẹp. Hiểu rằng mình đang làm đúng thì dù có nhiều người hùa vào phán xét, chúng ta vẫn phải có dũng khí và đủ niềm tin để không bị lay chuyển, phải không con?

Để vượt qua tình huống này, con có thể chọn cách phớt lờ những hành động có tính chất “gây hấn”. Tập trung học tập tốt, lễ phép với thầy cô, hòa nhã với bạn bè. Chắc chắn trong tập thể sẽ có người hiểu con, chơi với con.
Con cũng có thể chọn cách nói chuyện này cho người đáng tin cậy, chẳng hạn thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ba mẹ, người thân, bạn bè (cùng lớp hay khác lớp). Nói ra hết những cảm xúc, suy nghĩ, những khó khăn đang gặp, con sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn đồng thời có thể nhận thêm lời khuyên bổ ích.

Nếu con cứ chăm chăm tìm Facebook của các bạn hay nói xấu con để xem họ nói gì về mình, băn khoăn không biết khi nào mình mới làm vừa lòng các bạn thì con sẽ mãi bị cuốn vào chuyện này. Hãy hướng sự chú ý vào những mục tiêu có ích, những điều thú vị khác trong cuộc sống. Hãy xin ba mẹ cho học một môn năng khiếu mà con yêu thích, tham gia đội nhóm phong trào của nhà trường, đăng ký làm tình nguyện viên… - nói chung là tìm kiếm niềm vui khác để phân tán sự chú ý vào chuyện không vui ấy.

Mọi việc trên đời đều có cách giải quyết, có khi con càng chú ý, càng quan tâm, càng thanh minh, càng phản kháng, các bạn càng có hứng gây tổn thương cho con nhiều hơn. Điều quan trọng là con hãy kiên nhẫn, chờ mọi thứ lắng dịu. Con có một gia đình yên ấm, có ba mẹ yêu thương lo cho con, có cơ hội học tập, xung quanh con vẫn còn nhiều người tốt. Hãy nhìn vào những mặt tích cực đó để lạc quan, rồi mọi thứ sẽ ổn. Chúc con vui, khỏe, học tốt.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI