Bắt nạt học đường gia tăng trong thời gian học trực tuyến

06/11/2021 - 11:27

PNO - Bắt nạt học đường đang có xu hướng dịch chuyển sang mạng xã hội trong thời gian học sinh học trực tuyến. Trên môi trường ẩn danh, học sinh trở nên “mạnh miệng” hơn, mâu thuẫn phát sinh chỉ từ một lời bông đùa, một cái click chuột.

Giáo viên, học sinh đều trở thành... nạn nhân

Là giáo viên tư vấn tâm lý một trường THPT, chuyên gia tâm lý Hoàng Sĩ Đăng thừa nhận, chính mình cũng là nạn nhân của bắt nạt học đường khi dạy trực tuyến.

“Trong một giờ dạy online, khi cả lớp đang say sưa nghe giảng bỗng có những tiếng chửi thề, những tin nhắn phản cảm. Khi biết đây không phải là học sinh lớp mình, tôi đã yêu cầu ra khỏi lớp nhưng những lời lẽ lại chuyển sang công kích thách thức giáo viên”, chuyên gia Sĩ Đăng kể.

Theo chuyên gia, các bạn trẻ cần xây dựng tình bạn đẹp bằng cách kết nối, hỗ trợ bạn bè từ chính mạng xã hội (Ảnh minh họa)
Các bạn trẻ nên xây dựng tình bạn đẹp bằng cách kết nối, hỗ trợ bạn bè từ chính mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Chuyên gia này cho rằng, do thông tin trên mạng là ẩn danh nên học sinh thường có xu hướng mạnh miệng hơn, thích làm gì thì làm. Nhiều em sẵn sàng vào group của trường bình phẩm, nhận xét hoặc phàn nàn nhưng khi trực tiếp trao đổi thì lại không nói gì. Điều này lý giải vì sao xu hướng bắt nạt, bạo lực học đường trực tuyến gia tăng khi học sinh học online. Thông thường chỉ phát sinh từ mâu thuẫn rất nhỏ do bình phẩm về ngoại hình, quan điểm do các em chưa có ý thức sử dụng ngôn từ, chưa biết cách bày tỏ quan điểm, cả sự khen chê trên mạng xã hội.

Môi trường xung quanh thiếu chỉn chu trong học trực tuyến cũng tác động gián tiếp, làm gia tăng bắt nạt học đường. “Nhiều tiết học, khi học sinh bật mic lên, xung quanh rất ồn ào, tiếng chó, mèo kêu, tiếng tivi, tệ hơn còn có tiếng văng tục chửi thề... Những ồn ào này dội vào lớp học gây tâm lý mệt mỏi cho học sinh, làm giảm hiệu quả giờ học trực tuyến, từ đó khiến các em có xu hướng “trút” lên trên mạng xã hội”, chuyên gia Sĩ Đăng phân tích. 

Cô N.T.H., giáo viên một trường THCS tại TP. Thủ Đức, vẫn chưa quên câu chuyện mới đây khi một nhóm học sinh của trường đã lập hẳn fanpage để tẩy chay một học sinh nữ lớp mình chủ nhiệm chỉ vì em... trót bình phẩm về ngoại hình của một học sinh trong nhóm này trên mạng xã hội.

Vì không thể gặp trực tiếp, nhóm đã lập một fanpage nói xấu về em học sinh này, lập nick ảo vào facebook cá nhân của em để công kích, thậm chí vào cả các group học sinh của trường bình phẩm... khiến em suy sụp, đòi nghỉ học. 

“Sau một thời gian cùng gia đình vừa động viên, khuyên nhủ, vừa nói chuyện với nhóm học sinh kia, tình trạng “bắt nạt” đã dừng lại. Tuy nhiên, hậu quả vẫn dai dẳng, âm ỉ. Từ một học sinh hoạt bát, hay xung phong phát biểu, xông xáo trong các hoạt động nhóm, nữ sinh trở nên sống khép kín, thậm chí không dám bật “cam” trong giờ học trực tuyến”, cô H. xót xa.

“Thuốc giải” đến từ đâu?

Khẳng định bắt nạt trực tuyến là một hình thức mới của bạo lực học đường, ThS. Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định, tình trạng này gia tăng trong thời gian học sinh học online do mức độ sử dụng, ứng dụng công nghệ, mạng xã hội tăng cao.

Bắt nạt học đường trực tuyến là các hành vi phán xét, phỉ báng, đe dọa, gây rắc rối, làm tổn thương cho người khác về thể chất, tinh thần, sức khỏe thông qua phương tiện internet. Các hành vi bắt nạt có thể kể đến như tẩy chay, cô lập một ai đó trên mạng xã hội; lăng mạ, sỉ nhục, xúc phạm bằng cách đăng tải các thông tin không chính xác, chế các hình ảnh mang tính bôi nhọ người khác; sử dụng tài khoản ảo để xúc phạm, đe dọa, hack nick chiếm lấy tài khoản để phục vụ mục đích không đúng...

ThS. Thành đánh giá, các hành vi bắt nạt trên mạng của học sinh thường xuất phát từ những mâu thuẫn trong đời thực do mâu thuẫn về tình bạn nhưng thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc. Khi là nạn nhân của bắt nạt học đường trực tuyến, học sinh cần phải đối diện, không nên né tránh, tìm hiểu nguyên nhân, tìm sự trợ giúp của gia đình, thầy cô, bạn bè.

“Để hạn chế tình trạng bắt nạt trên mạng, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức về ứng dụng công nghệ mà mình đang sử dụng, nhằm bảo mật thông tin cá nhân, tránh việc kẻ xấu đánh cắp, lợi dụng, nhất là phải có mục tiêu khi sử dụng mạng xã hội. Cốt lõi là các em cần xây dựng tình bạn đẹp bằng cách kết nối, hỗ trợ bạn bè từ chính mạng xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ thông tin tích cực để sống tích cực”, ThS. Võ Minh Thành lưu ý.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Sĩ Đăng cho hay, trước đây các mâu thuẫn trên mạng xã hội của học sinh sẽ... bước ra ngoài đời thực bằng các cuộc “hẹn gặp”, giáo viên, nhà trường có thể kịp thời can thiệp trước khi hành vi bạo lực học đường xảy ra. Hiện nay, khi dạy và học online, những mâu thuẫn, bắt nạt này trên môi trường mạng cứ âm ỉ, kéo dài dai dẳng, qua lại.

“Mâu thuẫn âm ỉ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, các em có thể thiếu chú tâm vào học tập. Xa hơn nữa là bị âm thầm tẩy chay, cô lập, từ đó hình thành sang chấn tâm lý. Trong giai đoạn các em đang định hình tính cách, sang chấn này có thể làm thay đổi hành vi, nhận thức”, theo chuyên gia Hoàng Sĩ Đăng.

“Liều thuốc giải” cho hành vi bắt nạt học đường trực tuyến, theo chuyên gia Sĩ Đăng không gì khác cần sự chung tay của nhà trường, gia đình. Trong đó, giáo viên thiết kế tiết học trực tuyến gia tăng sự tương tác giữa các học sinh; tạo môi trường học vui vẻ để giảm căng thẳng cho học sinh. Gia đình đảm bảo môi trường học yên tĩnh, không phó mặc con cho giáo viên, nhà trường. 

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI