Dẫu chân Phi không bao giờ “mọc” lại…

26/05/2021 - 06:47

PNO - Lương Phi được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen năm 2020 vì thành tích là một trong những thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt.

Với tôi chân không lành lặn, anh rong ruổi từ Quảng Bình đến tận miền Tây giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chuyến đi mỗi cảm xúc khác biệt nhưng đều cho anh thấy “mình còn may mắn”.

“Mẹ ơi, chân con có mọc lại được không?” 

Lương Phi sinh năm 1990, trong một gia đình có bốn người con tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm ba tuổi, khi đang ngủ trưa, Phi bị một người tâm thần dùng dao chém đứt chân trái. Cuộc đời đứa bé ngày đó rẽ sang một hướng khác, luôn mang nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. “Mẹ ơi, chân con có mọc lại được không?” trở thành câu hỏi gây ám ảnh mẹ anh đến tận bây giờ.

Thời niên thiếu, khi bao bạn bè bước vào đời cùng rất nhiều mơ mộng, với Lương Phi, đó lại là những ngày đau khổ nhất. Sự mặc cảm, tự ti ngày càng lớn khiến anh tự giam mình lại. “Tôi gần như không có bạn bè. Có những lần, tôi cũng cố thoát khỏi bế tắc nhưng không thành. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu”, anh nhớ lại.

Phi mê vận động, thích được di chuyển. Song với anh, ước mơ đó thật xa vời. Những giờ thể dục, nhìn bạn bè vui vẻ chơi đánh cầu, đá bóng, anh ứa nước mắt... Giờ giải lao, bạn bè xúm xít với nhau, thỏa sức nô đùa, bày đủ trò nghịch ngợm, Phi chỉ biết lặng lẽ theo dõi từ xa. 

Bao nhiêu từ “giá như” bủa vây lấy anh: “Giá như mình có đôi chân lành lặn”, “Giá như nỗi đau đó không xảy ra với mình”, “Giá như ông trời không đặt mình vào một vì sao kém may mắn”... Có lẽ, nếu không có những từ “giá như” đó, cuộc đời Phi đã khác đi rất nhiều.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phi tiếp tục theo học trung cấp ngành công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Với ngành học này, anh không cần di chuyển hay dùng sức quá nhiều mà vẫn có thể “chu du” thế giới trong những cú 
click chuột. 

Anh Lương Phi hỗ trợ bà cụ Thạnh không chồng con ở một mình (thôn Khánh Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)
Anh Lương Phi hỗ trợ bà cụ Thạnh không chồng con ở một mình (thôn Khánh Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)

Phi chính thức vào đời khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân. Anh mang hồ sơ xin việc gõ cửa nhiều nơi nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Niềm tin cũng theo đó trôi tuột. Anh nhớ lại: “Đó là những ngày thật sự kinh khủng. Tôi dằn vặt bản thân. Tôi thấy mình không có giá trị. Tôi nghĩ cánh cửa tương lai đã khép lại…”.

May mắn, nhờ người quen, Phi có được công việc chỉnh âm thanh tại một phòng thu ở Đà Nẵng. Sau đó, Phi được hỗ trợ để mở một studio riêng. Nguồn thu nhập đủ để anh nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ. Tuy nhiên, công việc cứ lặp đi lặp lại khiến Phi lúc nào cũng muốn mình phải thay đổi.

Năm 2018, YouTube phát triển mạnh tại Việt Nam. Phi nghĩ đây có thể là hướng đi cho tương lai. Anh quyết định đóng cửa studio sau khoảng năm năm hoạt động, trở về quê để trở thành một nhà sáng tạo nội dung dù trước đó, “Tương lai sẽ ra sao?” là câu hỏi khiến anh trằn trọc suốt một thời gian dài. 

Trái tim luôn thổn thức

Căn nhà nhỏ ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam một ngày đầu tháng Tư rộn rã tiếng cười trẻ con. Lương Phi ngồi cặm cụi bên chiếc máy tính tranh thủ chỉnh sửa để chuẩn bị chia sẻ những clip lên kênh YouTube “Phi một chân”. Công việc này đã diễn ra quen thuộc trong ba năm qua.

Thời điểm quyết định làm YouTube cũng là lúc anh muốn vẽ lại cuộc đời mình. Ý nghĩ đơn giản ban đầu chỉ là bước ra khỏi vùng tối bấy lâu bởi khi làm YouTube, với bản thân là nhân vật trung tâm, Phi sẽ phải lộ diện trước hàng triệu người xa lạ. 

Ban đầu, Phi sản xuất một số video về ẩm thực, cuộc sống thường ngày ở quê hương với chiếc điện thoại thông minh. Anh nhớ lại: “Thấy tôi cầm điện thoại quay suốt ngày, nhiều người thắc mắc. Có người còn bảo tôi vô công rỗi nghề. Nhưng, tôi hiểu điều mình muốn”. 

Một lần nữa, hy vọng nhận về sự thất vọng. YouTube dễ làm nhưng không “dễ ăn”. Chưa kể, với thời điểm thị trường còn tương đối sơ khai, thật khó nắm bắt được thị hiếu người xem. Suốt 7-8 tháng ròng, những video của Phi chỉ thu hút vài chục lượt xem. 

Chán nản, thêm phần gia đình khuyên anh trở lại với công việc cũ, có lúc, Phi đã muốn thuận theo. Nhưng, dường như con đường này mới là dành cho Phi. Cũng lúc ấy, thấy địa phương có nhiều cụ già neo đơn đáng thương, anh thầm nghĩ, sao mình không làm điều gì đó đăng lên YouTube để giúp các cụ. Phi rất hiểu ảnh hưởng mạnh mẽ từ mạng xã hội trong công tác thiện nguyện. Vậy là anh bắt đầu làm.

Ngay từ những video đầu tiên thực hiện nội dung này, kênh “Phi một chân” nhanh chóng được khán giả gần xa chú ý. Các video đạt hàng chục đến trăm ngàn lượt xem khiến anh ngỡ đây là một giấc mơ. Cách quay, dựng hết sức đơn giản, hình ảnh không cầu kỳ, bắt mắt nhưng các clip của anh lại chiếm được cảm tình nhờ sự chân thật và câu chuyện xúc động, chạm vào cảm xúc người xem. 

Anh không thể thống kê chính xác số trường hợp đã gặp và giúp đỡ. Hơn hai năm qua, đã có gần 700 video được Phi đăng tải, đồng nghĩa đã có vài trăm người có thêm cơ hội trong cuộc sống. Đó có thể là nam sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng tại TP.HCM bị suy thận tưởng không qua khỏi. Vậy mà sau một clip, Phi đã quyên góp được hơn 500 triệu đồng để sinh viên nọ có cơ hội sống thêm lần nữa. 

Đó có thể là một phụ nữ quê Quảng Bình, lấy chồng ở Quảng Nam, có với nhau bốn mặt con nhưng khi phát hiện vợ bị ung thư giai đoạn cuối, người chồng đã bỏ đi. Khi biết người phụ nữ này không thể qua khỏi, Phi nhờ sự hỗ trợ của người quen để đưa chị về Quảng Bình, đích thân Phi đi theo chăm sóc. Ngày chị ra đi, nỗi buồn thăm thẳm ở lại trong Phi về tình mẹ, tình người và tình đời.

Từ khi làm YouTube, Phi bước ra khỏi vỏ bọc an toàn bấy lâu. Nếu như trước đây, cuộc sống của anh chỉ gói gọn trong phạm vi Quảng Nam, Đà Nẵng thì giờ đây, với đôi chân không lành lặn ấy, Phi đi từ Quảng Bình vào tận miền Tây, rồi đổ ngược lên Tây Nguyên. Nơi nào có người cần giúp đỡ, Phi sẽ lên đường.

Có ngày, anh phải tự chạy xe, vượt quãng đường hơn 200km để tìm đến nơi cần giúp đỡ. Đường đèo dốc, mưa gió... kèm theo đó là nỗi lo phập phồng của gia đình nhưng Phi vẫn đi. Mùa bão lũ khủng khiếp năm ngoái tại miền Trung, Phi cũng nhanh chóng có mặt tại những địa phương đang oằn mình gánh bão.

“Tôi biết vợ con, người thân lo lắng nhiều. Nhưng biết sao được khi đời mình đã trót mang duyên mang nợ với công việc này. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu sự xuất hiện của mình có thể giúp cuộc đời một ai đó tốt hơn, là tôi đã mãn nguyện”, anh tâm sự bằng chất giọng đậm đà của người Quảng. 

Phi chọn cách để cuộc đời mình khác đi, đẹp hơn. Thế giới trong anh được mở rộng rất nhiều, và quan trọng nhất là: “Mỗi chuyến đi đều gieo cho tôi một mầm sống. Tôi luôn thấy mình may mắn hơn họ. Vì thế, mình cứ cho đi mà không ngần ngại điều gì”.

Phép mầu đã đến với cuộc đời của Phi nhưng không phải từ tiên, bụt hay một đấng siêu nhiên nào đó. Cuộc sống có thể khắc nghiệt, tạo hóa có thể trêu đùa, số phận có thể đặt con người vào những nỗi đau nhưng cuối cùng vẫn chính chúng ta chọn mình sẽ sống ra sao. 

Và Phi nói anh muốn tiếp tục công việc này đến khi nào sức mòn lực cạn. 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI