Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt

30/06/2020 - 23:37

PNO - Sáng 21/6, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM sẽ tổ chức buổi giao lưu ra mắt tác phẩm biên khảo Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc tại Đường sách TP.HCM.

Sau những cảm xúc reo vui hồn nhiên của người lần đầu được làm cha, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc lại tĩnh lặng với những trang viết biên khảo của mình. Một phong thái hoàn toàn khác khi anh trở lại với tác phẩm Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt (vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành). Cuốn sách này là cả quá trình làm việc có bề dày tích lũy, ý thức hệ thống, sắp xếp các tư liệu về danh nhân, văn hóa Việt từ khi Lê Minh Quốc thực hiện bộ sách Kể chuyện danh nhân (10 tập, năm 1998).

Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt đã hệ thống lại di sản danh nhân, văn hóa Việt của nhà báo Lê Minh Quốc
Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt đã hệ thống lại di sản danh nhân, văn hóa Việt của nhà báo Lê Minh Quốc

Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt dày gần 700 trang, được chia thành bốn chương. Bắt đầu bằng truyền tích Vua Hùng và “Tứ bất tử” (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh), mạch nguồn được “khơi dòng” về các vị tổ nghề Việt Nam.

“Đã đành các vị tổ là người có công dạy nghề cho dân, nhưng những người thợ tài hoa có công cải tiến nghề, đem lại lợi ích cho cộng đồng thì cũng được đời sau thờ phụng như tổ nghề” - bằng lập luận ấy, tác giả viết về những ông tổ nghề mộc, nghề trống ngô, gò đồng, nặn đất hóa nên vàng, khắc bản in, thêu, dệt chiếu; không bỏ qua tổ thuốc Nam, ca trù, hát xẩm lẫn tổ của nghề “ăn ong” phương Nam…

Nguồn tư liệu lẫn tri thức rộng được tìm thấy trong Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt, được trình bày theo cách tiếp cận trục không gian tiệm tiến từ xưa đến nay. Hàng loạt những ngành nghề mới được du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng được đề cập đến. Xung quanh nghề kéo xe, làm xe ngựa, làm kẹo mạch nha, tráng gương, làm diêm, hồ lơ quần áo… đều là những chuyện thú vị. Người đọc thẩm thấu và học hỏi được nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của cha ông. 

“Khi khảo sát về ngành nghề, các vị tổ của nghề, hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu các giá trị văn hóa của một dân tộc. Sự tiếp cận một giá trị vật chất có tính toàn cầu nhưng mỗi dân tộc đều có cách tiếp thu và biến hóa, tiếp cận khác nhau. Tại sao? Phẩm chất văn hóa, dân tộc tính của từng dân tộc đã làm nên sự khác biệt đó dù vẫn có chung mẫu số” - nhà báo Lê Minh Quốc bày tỏ. Bằng cách viết Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt, anh đã đóng góp vào tủ sách biên khảo, nghiên cứu văn hóa một tác phẩm có giá trị.

Trong tác phẩm này, anh cũng viết về những danh tài sáng tạo tiên phong trong các lĩnh vực y khoa, văn hóa, giáo dục. Riêng phần cuối Nước non nặng một lời thề viết về tác phẩm văn học nghệ thuật, tác giả chọn bình luận Truyện Kiều và truyện thơ Lục Vân Tiên. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI