Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Tình yêu thuần khiết với điện ảnh

29/05/2022 - 11:46

PNO - Trong suy nghĩ của không ít người, Linh đôi khi hơi trẻ con và có quá nhiều cảm xúc nếu có ai đó tranh luận với anh về phim ảnh.

Phan Gia Nhật Linh nói, anh có một quy tắc khi làm phim: “Truyền đến khán giả thông điệp muốn nói quan trọng hơn việc thông điệp đó có làm hài lòng khán giả hay không”. 

Điều này tựa như một nhà văn viết xong tác phẩm thì đưa lên thuyền và đẩy nó ra xa, còn anh ta đứng lại trên bờ, trở về vạch xuất phát. Bởi nếu anh ta nhảy lên con thuyền đó, đồng nghĩa anh ta sẽ bị chi phối bởi sự yêu/ghét của người đọc và anh ta sẽ chẳng thể có một tác phẩm nào nữa.

Tôi nghĩ một đạo diễn làm đến bộ phim thứ ba thì đã có thể phần nào định hình được phong cách làm phim của họ. Với Phan Gia Nhật Linh, các bộ phim anh thực hiện còn phần nào hé lộ được tính cách của anh. Trong suy nghĩ của không ít người, Linh đôi khi hơi trẻ con và có quá nhiều cảm xúc nếu có ai đó tranh luận với anh về phim ảnh.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những điều đó để chỉ nhìn vào những bộ phim Linh đã thực hiện, từ Em là bà nội của anh đến Cô gái đến từ hôm qua, tiếp đó là Trạng Tí và bây giờ là Em và Trịnh - cuốn phim điện ảnh có kinh phí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, ta lại thấy một chân dung khác về Linh: một đạo diễn thích thử thách và dám đương đầu, sẵn sàng đón nhận những cái mới. Linh luôn có những sáng tạo rất riêng khi kể lại những câu chuyện đã được nhiều người biết đến.

Cùng đoàn phim Em và Trịnh
Cùng đoàn phim Em và Trịnh

Các bộ phim của Linh luôn tràn đầy hơi thở của tuổi trẻ, do đó, đầy tính lãng mạn nhưng không ru ngủ người xem. Nó mang lại một thứ năng lượng kỳ lạ, như một đặc quyền của tuổi trẻ mà ai đó đã phát hiện và ví von rằng “Linh là đạo diễn thích… leo cây” (theo đúng nghĩa đen của từ này vì trong phim, Linh cho các diễn viên trèo lên cây ca hát). Càng đặc biệt hơn, khi trong tất cả các phim ấy đều có bóng dáng của âm nhạc. Linh không phải là nhạc sĩ cũng không chơi nhạc nhưng nhạc cảm của anh tốt đến mức dùng nhạc bộc lộ nỗi lòng nhân vật rất tài tình.

Làm một bộ phim đã khó, làm một bộ phim lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật càng khó hơn bội phần. Đằng này, Linh lại làm một cuốn phim có câu chuyện được lẩy ra từ một tượng đài âm nhạc quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là một thử thách không hề nhỏ. 65 ngày quay, bốn cơn bão, ba đợt giãn cách xã hội vì COVID-19, chừng đó đủ khiến bất kỳ nhà làm phim nào nản lòng nhưng Linh và ê-kíp đã vượt qua tất cả để đến đích cuối cùng. 

Phan Gia Nhật Linh đặt niềm tin tuyệt đối vào diễn viên của mình và cho họ thấy điều đó
Phan Gia Nhật Linh đặt niềm tin tuyệt đối vào diễn viên của mình và cho họ thấy điều đó

Bạn bè, người trong nghề đều biết Linh không chỉ làm phim. Anh còn có vô vàn ý tưởng và cũng đã hiện thực hóa ít nhiều trong số đó để góp một phần sức trong khả năng của anh cho nền điện ảnh Việt còn non trẻ, từ những dự án hỗ trợ cho các nhà làm phim còn đang loay hoay cho đến những công ty liên quan đến phim ảnh mới chập chững những bước đầu. Trong góc nhìn đó, tôi thấy Linh đến với điện ảnh và dành cho điện ảnh tình yêu thuần khiết như cách anh từng mân mê những cuộn phim nhựa khi còn là một cậu bé theo chân mẹ đến nơi làm việc.

Em và Trịnh không phải là một cuốn phim tư liệu 

* Phóng viên: Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Em và Trịnh ra mắt. Cảm xúc của anh lúc này như thế nào?

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Tôi vừa mong chờ vừa lo lắng vì vẫn còn một số giai đoạn hậu kỳ chưa hoàn chỉnh. Tất cả anh em trong ê-kíp đang miệt mài nỗ lực để kịp tiến độ.

* Sự lo lắng này ngoài tiến độ nước rút, phải chăng còn đến từ việc đây là một bộ phim về những nhân vật có thật mà rất nhiều trong số họ vẫn đang hiện diện?

- Đúng là có một phần như vậy. Tôi cũng không biết các cô (những nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - NV) khi xem phim sẽ có phản ứng như thế nào. Như cô Dao Ánh hôm xem trailer có bảo với chúng tôi rằng cô không nhí nhảnh như thế.

* Đó hẳn là một trong rất nhiều áp lực với anh và đoàn phim khi thực hiện bộ phim này?

- Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho kịch bản, tôi và đội ngũ biên kịch nhận ra, mỗi người chúng tôi gặp đều gắn bó thiết thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đôi khi, cùng một sự kiện nhưng những người khác nhau lại kể một câu chuyện khác nhau. Đâu mới là sự thật? Không có đúng hay sai, chính xác hay không chính xác ở đây. Bởi lẽ tất cả đều là những ký ức tươi đẹp qua những lăng kính khác nhau. 

* Giải pháp của anh là…

- Chọn những chi tiết đặc sắc và thú vị để đưa vào phim. Tôi nghĩ việc nhà biên kịch cũng như đạo diễn cần làm chính là chọn ra những chi tiết đắt giá nhất để có thể truyền tải câu chuyện, thông điệp mình mong muốn đến khán giả. Muốn vậy, cần phải có sự chắt lọc và cả sự nghiêm khắc với chính mình, đủ can đảm khoét đi hết những thứ rườm rà dù đôi lúc mình cũng tiếc lắm.

* Em và Trịnh là một bộ phim lãng mạn xoay quanh các nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đã có những bất ngờ nào từ cuộc gặp giữa anh với các nàng thơ ấy?

- Thoạt đầu, chúng tôi liên lạc với các nàng thơ nhưng đều nhận về những lời từ chối. Tuy nhiên, với hai nhân vật quan trọng nhất, cô Khánh Ly và cô Dao Ánh, may mắn đã mỉm cười với chúng tôi. Cô Khánh Ly có tự truyện và nhiều bài phỏng vấn trên truyền thông, đó là nguồn tư liệu quý giá và tuyệt vời.

Điều may mắn thứ hai là vào năm 2020, trong lần cô Dao Ánh về Việt Nam, nhờ sự kết nối của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng tôi nhận được sự đồng ý chia sẻ của cô. Cô bảo đây là lần đầu cô chia sẻ những kỷ niệm với nhạc sĩ và đây là thời điểm thích hợp vì nếu không kể thì sẽ không ai biết. Nhờ cuộc gặp đó mà Em và Trịnh đã có một kết thúc trọn vẹn, giải tỏa được nhiều dấu hỏi trong lòng chúng tôi thay vì biết một cách chung chung là cô Dao Ánh không viết thư nữa.

* Dòng phim tiểu sử hay phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển đã trở thành một dòng chính thức và luôn gợi nên sự tò mò cũng như tranh cãi khi biên độ sáng tạo đi quá xa. Anh làm thế nào để tránh được vế thứ hai?

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như tôi thấy, yêu ý niệm về sự lãng mạn của tình yêu chứ không yêu cụ thể một con người. Cho nên, Em và Trịnh là góc nhìn của tôi về nhạc sĩ. Nhân vật chính của bộ phim là chủ nghĩa lãng mạn mà thông qua đó, người xem có thể thấy được và hiểu hơn một phần đời của nhạc sĩ. Đây không phải là một bộ phim tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là bộ phim của tuổi trẻ, của thời thanh xuân tươi đẹp, nhiệt huyết và lý tưởng - những giá trị bất biến của bất kỳ người trẻ sống ở thời đại nào.

* Sự ủng hộ của gia đình nhạc sĩ hẳn là nguồn động viên lớn với anh?

- Đúng vậy. Trước khi tôi đến gặp gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiều người nói với tôi rằng gia đình ông rất khó bởi đã có nhiều kịch bản gởi đến trước đó đều bị từ chối. Thay vì tin vào lời đồn, tôi chọn cách thử gõ cửa và trải nghiệm. Trong quá trình xem kịch bản hay tham gia cùng đoàn phim trong một số cảnh quay, gia đình đã góp cho chúng tôi nhiều ý kiến xác đáng nhưng vẫn luôn tôn trọng sự sáng tạo của chúng tôi vì họ hiểu đây là một tác phẩm nghệ thuật.

Đặt niềm tin vào diễn viên 

* Quá trình chọn diễn viên cho Em và Trịnh khá dài và mất nhiều thời gian, sức lực. Tiêu chí của anh là gì? 

- Với tôi, việc chọn diễn viên có ngoại hình giống nhân vật chỉ chiếm 5%. Điều quan trọng nhất là tinh thần và khả năng diễn xuất của diễn viên. Tôi muốn chọn những diễn viên trẻ hoặc không có kinh nghiệm diễn xuất nhiều trước đó để họ diễn bằng bản năng. Tôi chọn họ bằng trực giác của đạo diễn - điều rất khó lý giải và thuyết phục nhà sản xuất tin vào sự lựa chọn của mình. Riêng với vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc trung niên, tôi lại muốn chọn một diễn viên có kinh nghiệm và anh Trần Lực là người phù hợp nhất tại thời điểm đó.

"Chúng tôi đã khóc vì xúc động khi được xem Em và Trịnh trong một buổi chiếu đặc biệt riêng tư dành cho gia đình. Hình ảnh về người anh kính mến của chúng tôi hiện lên vô cùng chân thật và dạt dào cảm xúc.

Để tái hiện được một phần đời của một nhạc sĩ được nhiều người biết đến, yêu mến và âm nhạc đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng là một thử thách, một áp lực rất lớn cho đạo diễn và nhà sản xuất. Mỗi người chúng ta có một góc nhìn, một kỷ niệm, một ký ức về anh Sơn khác nhau nên dĩ nhiên sẽ có một số khán giả không hài lòng, không chấp nhận.

Gia đình đã hỗ trợ, tư vấn với cả tấm lòng. Nhà sản xuất và đạo diễn đã làm bộ phim với cả tấm lòng. Vậy nên, chúng tôi hy vọng khán giả nhiều thế hệ trên khắp mọi miền đất nước sẽ đón nhận bộ phim này với tấm lòng rộng mở”. 

Bà Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

* Có khó để thuyết phục NSƯT Trần Lực tham gia bộ phim này?

-Cái khó ở đây là thuyết phục nhà sản xuất. Anh Trần Lực bay vào TP.HCM và chỉ có một tiếng đồng hồ đọc kịch bản, thử vai. Ngoại hình của anh khi đó không hợp với dáng cao gầy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên nhà sản xuất không yên tâm. Có thể nhân vật thời trẻ không cần quá giống nhưng hình ảnh nhạc sĩ lúc trung niên, mọi người đã quá quen thuộc. Nhà sản xuất cần một diễn viên có ngoại hình tương đương để khán giả tin đó chính là nhạc sĩ. Tôi vẫn muốn chọn anh Lực vì như tôi đã nói, ngoại hình chỉ chiếm 5% mà thôi.

* Anh đã thuyết phục nhà sản xuất như thế nào?

- Tôi chia sẻ thật lòng với anh Trần Lực rằng không hứa sẽ chọn anh cho đến khi quay anh diễn thử và đi test khán giả. Anh không do dự mà sẵn sàng chấp nhận giảm cân dù chẳng biết có được chọn hay không. Nhà sản xuất hỗ trợ, cử người chăm sóc sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng giúp anh giảm cân, đồng thời cung cấp tư liệu để anh tìm hiểu và tập nói giọng Huế.

Khi anh Trần Lực và Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn thời trẻ) đứng cạnh nhau, cảm giác của tôi lúc đó là muốn reo lên. Nhìn cậu Avin thì có thể tin rằng đến tuổi trung niên, chính là anh Trần Lực. Hai con người đó chính là một người. Gia đình nhạc sĩ cũng như khán giả đều có chung cảm giác đó.

* Dàn diễn viên trẻ trong phim đều là lần đầu đóng phim, hơn nữa, lại là phim có sử dụng nhiều âm nhạc và phải hóa thân thành những nhân vật tên tuổi. Anh làm thế nào để phát huy được năng lực của họ?

- Đối với tôi, 50% thành công diễn xuất của diễn viên xuất phát từ việc chọn đúng diễn viên. Khi đã chọn được rồi, tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào diễn viên của mình cũng như cho họ thấy điều đó. Tôi tin khi diễn viên nhận được niềm tin của đạo diễn, họ sẽ dồn hết tâm huyết vào vai diễn. Bên cạnh đó, tôi cũng chú ý tạo môi trường để diễn viên sống trong đó, để họ trở thành nhân vật chứ không chỉ là hóa thân. Chẳng hạn như với hội bạn Tuyệt tình cốc thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn trẻ, tôi đã yêu cầu các diễn viên kết nối với nhau, trở thành bạn thật sự của nhau để có được sự tương tác tự nhiên và mật thiết khi lên phim. Sự gắn kết đó không diễn được, nó chỉ có thể bộc phát khi diễn viên được sống trong đó.

Cánh cửa mới cho điện ảnh Việt 

* COVID-19 đã tác động không nhỏ đến quá trình quay, sản xuất bộ phim. Đây có phải là lý do khiến kinh phí của phim bị đội lên đến hai lần?

- Thú thật, tôi có một cái dở là được các nhà sản xuất nuông chiều nên hầu như phim nào cũng đội kinh phí sản xuất. Nhưng, Em và Trịnh là trường hợp đặc biệt khi kinh phí lên khá cao. Nguyên nhân do nhiều vấn đề chủ quan và khách quan. COVID-19 chỉ là một phần trong số đó. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau Em và Trịnh là một bộ phim “gây bão” vì từ lúc bắt đầu quay cho đến khi đóng máy, phim vướng bốn cơn bão và ba lần giãn cách xã hội.

Tiền đầu tư tăng lên, đòi hỏi nhà sản xuất phải tính toán bước đi cẩn thận hơn và buộc họ phải lựa chọn một trong hai phương thức: an toàn hay chấp nhận rủi ro. An toàn là thứ trước đây nhiều người đã làm, thành công cũng đến ngưỡng đã biết. Rủi ro thì theo kiểu năm ăn năm thua, chọn một con đường chưa ai thử, nếu thành công cũng sẽ vượt ngoài khuôn khổ.

* Theo anh, kinh phí có phải là một trong những lý do chính khiến dòng phim tiểu sử tại Việt Nam không được nhà đầu tư mặn mà?

- Đây là câu chuyện liên quan đến bài toán kinh doanh vì ai kinh doanh cũng muốn tiếp tục có vốn để đầu tư cho những sản phẩm tiếp theo. Quả thật, với Em và Trịnh, nếu nhà sản xuất Galaxy không can đảm rót vốn, tôi không biết khi nào mới có thể làm được bộ phim như thế. Cho nên, tôi rất mong Em và Trịnh thắng doanh thu phòng vé. Đó không chỉ là lời hứa của tôi với nhà sản xuất mà còn mở ra một cánh cửa mới cho dòng phim này, để các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn hơn. Có như vậy, điện ảnh Việt mới đa dạng và có thể phát triển.

Tất nhiên, bên cạnh kinh phí còn có nhiều áp lực khác. Chẳng hạn như việc làm phim từ nhân vật có thật. Sự tranh luận là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, tôi luôn tin, một câu chuyện được kể chân thành, xuất phát từ trái tim và khối óc làm nghề nghiêm túc, sáng tạo sẽ trở thành một bộ phim chất lượng cao đủ khả năng kéo khán giả đến rạp.

* Có vẻ anh thường dành sự quan tâm cho những câu chuyện chiếm được sự chú ý của công chúng. Vậy đến bao giờ anh sẽ kể câu chuyện của riêng anh?

- Với tôi, điều quan trọng nhất chính là bạn kể câu chuyện như thế nào. Nếu kể chuyện của bản thân mà không đủ hấp dẫn, không có cái riêng thì cũng không có ý nghĩa hay giá trị gì. Tuy nhiên, nếu bạn có thể kể một câu chuyện trước đó mọi người đều đã biết qua góc nhìn của mình với lăng kính mới mẻ và hấp dẫn hơn thì thú vị lắm chứ. Khi ấy, nó đã trở thành câu chuyện của riêng bạn. Tôi còn rất nhiều câu chuyện như thế muốn kể.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Thư Hiên (thực hiện)

 Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI