Đạo diễn Lý Hải: “Làm phim là chấp nhận rủi ro”

11/02/2021 - 06:57

PNO - Lần thứ 2 dời lịch phát hành phim vì dịch COVID-19, đạo diễn Lý Hải và “Lật mặt: 48h” chịu chung số phận với nhiều phim chiếu Tết khác, chấp nhận hẹn một thời điểm phát hành khác trong năm.

Lật mặt: 48 dời chiếu từ tháng 4/2020 sang dịp Tết Nguyên Đáng 2021 vì dịch COVID-19. Nhà sản xuất đã tốn khá nhiều chi phí cho công tác truyền thông, quảng bá để phim ra rạp. Trong tình huống bất khả kháng, Lật mặt: 48h buộc dời chiếu lần 2 cũng vì dịch và thời điểm tiếp theo chưa được công bố. Tạm rời câu chuyện hoãn phát hành vì dịch khi các phim Tết còn lại cũng đồng cảnh ngộ, đạo diễn Lý Hải đã có nhiều trăn trở, chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ TPHCM xung quanh chuyện làm phim và thị trường phim Việt.

Chất lượng phim quyết định tất cả

Phóng viên: Một năm vừa qua, với riêng đạo diễn Lý Hải và Lật mặt: 48h hẳn là một năm đáng quên khi dịch COVID-19 ảnh hưởng khá lớn?

Đạo diễn Lý Hải: Tôi nghĩ không chỉ với riêng tôi mà tất cả mọi người đã có một năm 2020 sống trong sự hoang mang, lo lắng và nặng nề hơn, là những mất mát, thất bại. Đây là một năm đáng quên với riêng tôi vì không chỉ Lật mặt: 48h bị hoãn mà nhiều công việc kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng. Chưa bao giờ, tôi mong những sự kiện trong năm qua không lặp lại. Một năm đáng nhớ nhưng đáng quên vô cùng.

* Ban đầu, Lật mặt: 48h không được sản xuất để chiếu tết và hiện tại, phim không thể ra mắt vì dịch. Nếu phát hành ở một thời điểm nào khác trong năm, liệu nội dung phim có đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả?

- Chất lượng sẽ quyết định lượng khán giả đến với phim nhiều hay ít trong tất cả mọi thời điểm. Người xem tại Việt Nam hiện nay đã khó tính hơn, không còn dễ dãi như trước bởi họ đã được thưởng thức những bộ phim ngoại chất lượng.

Do đó, vào mùa phim tết, ai cũng muốn xem phim có tình huống hài hước, vui vẻ nhưng không đồng nghĩa mang đến một bộ phim hài là đủ. Hiện tại, không chỉ riêng phim tết mà với tất cả các phim Việt ra rạp, nếu nội dung phim không tốt sẽ bị khán giả quay lưng.

Đạo diễn Lý Hải lao đao vì phim Lật mặt: 48h dời chiếu lần 2.
Đạo diễn Lý Hải lao đao vì phim Lật mặt: 48h dời chiếu lần 2.

* Theo anh, thị hiếu của khán giả Việt có dễ nắm bắt và làm sao để biết khán giả đang muốn xem gì?

- Các nhà làm phim trong nước rất khó biết vì người xem thay đổi sở thích rất nhanh, chưa kể, họ được xem phim nước ngoài nhiều nên yêu cầu chất lượng cũng cao hơn. Nếu cách đây 2 năm, phim hài – tình cảm ra rạp sẽ được ủng hộ thì hiện nay, khán giả muốn chất lượng kịch bản, cách thể hiện phải chỉn chu, sản xuất bài bản, truyền thông "sạch sẽ". Trong cuộc đua phim Việt hiện nay, dù có làm phim thêm bao lâu nữa, tôi cũng tự nhắc mình là người mới nên luôn muốn học hỏi từ tất cả mọi người. Mỗi lời nhận xét, góp ý tôi đều lắng nghe, sàng lọc nội dung phù hợp để hoàn thiện.

* Ở Lật mặt: 48h, đã là phần 5 trong series, anh tự tin phim có gì mới để hấp dẫn khán giả?

- Mỗi phần phim của tôi đều mang nội dung, câu chuyện khác biệt. Về diễn viên và con số đầu tư cũng hoàn toàn khác - phần sau luôn cao hơn trước. Lật mặt: 48h là phần phim chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất để làm sao có thể lột tả nhiều nhất văn hoá, cảnh đẹp của miền tây. Nếu bạn là người nước ngoài xem phim, bạn sẽ ngạc nhiên với cảnh trí trong phim. Chiếc xe đạp lôi hay xuồng ghe miền tây là một trong nhiều điểm nhấn nhỏ được đưa vào.

Đạo diễn Lý Hải, diễn viên Mạc Văn Khoa thể hiện bản Rap Say - nhạc phim Lật mặt: 48h:

 

 

* Sự xuất hiện của đạo diễn hành động người Hàn Kim Jung Min là lựa chọn để anh nâng tầm phần 5 của series phim hay tại Việt Nam đang thiếu đạo diễn hành động giỏi?

- Tôi chọn đạo diễn Kim Jung Min không vì Việt Nam thiếu đạo diễn hành động giỏi. Ở đây, tôi cần đổi mới để thử thách bản thân. Tôi muốn học hỏi, và cũng muốn mang lại cho khán giả những hình ảnh đẹp, chất lượng. Trong lúc làm việc, tôi luôn nói với đạo diễn Kim Jung Min rằng tôi muốn giữ tinh thần Việt Nam trong bộ phim nên hãy giúp tôi làm điều đó. Sự kết hợp giữa hành động của Hàn – Việt có thể sẽ mang tới những trải nghiệm mới cho khán giả nhưng tôi muốn chất Việt vẫn được đặt lên hàng đầu để khi ra quốc tế, Lật mặt: 48h không phải là bộ phim bị lai tạp nhiều phong cách khác nhau.

Mơ được đưa phim Việt ra quốc tế

* Anh nói nhiều về mơ ước được đưa Lật mặt: 48h ra quốc tế, nhưng liệu câu chuyện phim đã xứng tầm? Chúng ta thua xa Hollywood về khoảng hành động đó chứ...

- Ở phần mới của Lật mặt, nếu khán giả trong nước hay quốc tế xem, mọi người đều dễ cảm nhận được câu chuyện về tình cảm gia đình. Tôi tin, khi khán giả xem xong phim sẽ thấy đằng sau những cảnh rượt đuổi, hành động nguy hiểm là tình thương của ba mẹ dành cho con cái, của vợ chồng dành cho nhau. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, tôi nghĩ khán giả quốc tế sẽ không thấy quá xa lạ. Thông điệp của phim xoay quanh mệnh đề "Gia đình là số một, là nơi trở về, nơi phải bảo vệ, yêu thương".

Khi bắt đầu thực hiện Lật mặt, tôi chỉ mong làm sao phim tiếp cận được nhiều nhất khán giả trong nước. Cho tới phần 3, tôi quyết định sẽ mang phim đi quốc tế nhưng không muốn chỉ theo hình thức dự thi mà còn phải bán được vé. Đương nhiên, việc phát hành tại rạp ngoại không đơn giản thời điểm đầu nhưng chúng tôi nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ các cụm rạp cộng với quá trình tìm hiểu khá kỹ của bản thân nên tự tin khi tình hình dịch bệnh ổn định, phim sẽ tiếp cận khán giả quốc tế.

* Có thể khán giả quốc tế sẽ trầm trồ với cảnh rượt đuổi trên sông, với hình ảnh xe đạp lôi nhưng người xem Việt, họ đã quen nhìn các bối cảnh này. Anh đang chú trọng đến đối tượng khán giả nào?

- Tôi nhớ một người bạn quốc tế có nói với tôi rằng: "Hãy làm những gì bạn có thể làm tốt nhất, làm những gì chỉ riêng bạn có thì khi đó, khán giả sẽ thích thú". So với quốc tế, các cảnh hành động trong phim Việt Nam không thể so bì. Chúng ta chỉ có thể phá được vài xe hơi, dựng cảnh cháy nổ vài ngôi nhà. Còn Hollywood, họ cho đổ cả toà nhà, tạo cảnh cháy nổ cần phá đến vài chục chiếc xe là chuyện bình thường. So về kinh phí đầu tư, chúng ta không thể đuổi kịp nên tôi nghĩ nếu một bộ phim khai thác được cảnh sông nước, văn hoá bản địa sẽ gây ấn tượng mạnh hơn.

Đạo diễn Lý Hải đứng tại bối cảnh bến cảng miền Tây. Trong phần 5, anh đầu tư vào 8 đại cảnh với số tiền khủng.
Đạo diễn Lý Hải đứng tại bối cảnh bến cảng miền Tây. Trong phần 5, anh đầu tư vào 8 đại cảnh với số tiền "khủng".

Nhiều người cũng thắc mắc với tôi về việc sao bao năm qua, Lý Hải vẫn chuộng kiểu làm phim chất phát, từ câu chuyện cho tới bối cảnh. Họ bảo rằng tôi nên thêm “chất Hàn Quốc” hơn để khán giả thấy mới mẻ. Nhưng nếu làm vậy, phim Việt sẽ như thế nào khi lai Hàn, lai Nhật, lai Hollywood? Nhiều năm qua, phim Thái Lan khẳng định được vị thế của họ nhờ giữ được cách làm phim riêng. Có thể bây giờ, mọi người chưa công nhận nhưng theo thời gian, tôi cứ cố gắng khẳng định dòng phim Việt phải mang thuần chất Việt thì đến một ngày, mọi người sẽ thay đổi.

* Các nền tảng xem phim trực tuyến xuyên quốc gia cũng là một kênh phát hành tiếp cận khán giả quốc tế khá tốt, vì sao series Lật mặt chưa xuất hiện?

- Đúng là các nền tảng xem phim trực tuyến là kênh tiếp cận khán giả quốc tế, cũng như trong nước, tốt cho khâu quảng bá. Tuy nhiên, nếu xác định làm phim để chiếu mạng, không phát hành rạp, tôi sẽ đầu tư vào chất xám nhiều hơn đẩy mạnh tiền bạc. Chỉ như thế, việc sản xuất mới thu hồi vốn vì khi bán phim cho các nền tảng, số tiền kiếm được không là bao, thậm chí với Lật mặt: 48h, có khi không đủ tiền trả cho hậu cần.

* Quay lại câu chuyện tài chính, nếu trước đây, vài tỷ đồng đã làm được phim thì hiện nay, nhiều nhà sản xuất nói ít nhất phải tốn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) để thực hiện, vì đâu nên nỗi?

- Hiện tại, số vốn đầu tư bị nâng lên rất nhiều. Ví như cát-sê cho diễn viên đã tăng từ 2 – 3 lần so với trước đây. Trang thiết bị, khâu hậu cần cũng tiêu tốn nhiều khoản khá lớn. Nếu Lật mặt 1 chỉ cần 5 tỷ cho sản xuất thì hiện tại, con số đã tăng gấp nhiều lần, chưa kể tiền chi cho truyền thông, quảng bá phim. Do đó, thời điểm phát hành phim cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo đúng lúc để phim thu lời.

* Đầu tư "khủng" nhưng khâu phát hành phim hiện tại tại Việt Nam có khá nhiều vấn đề. Nhiều đạo diễn nói rằng thị trường điện ảnh Việt Nam không có sự công bằng, anh nghĩ sao?

- Bất cứ một hợp đồng nào với đơn vị phát hành đều không có điều khoản đảm bảo suất chiếu hay đảm bảo thu hồi vốn cho nhà sản xuất. Điều đầu tiên để họ quyết định phim được xếp nhiều hay ít suất chiếu phụ thuộc vào chất lượng sau khi họ xem. Nhà phát hành sẽ khảo sát thị trường và đưa ra những con số tương đối.

Trong 1 hoặc 3 ngày đầu tiên, họ tung ra số suất chiếu khá ổn định để dò thị trường và nếu thấy không ổn, họ sẽ rút dần suất chiếu, nhường cho các phim đang thắng tại phòng vé. Điều đó khá nguy hiểm cho nhà sản xuất vì khả năng lớn là chưa kịp thu hồi vốn, phim đã “out” (rời) rạp. Làm điện ảnh phải chấp nhận rủi ro cực kỳ lớn rằng có thể phim thắng giòn giã nhưng cũng có khi thua không kịp ngáp!

Nếu hỏi sự công bằng trong thị trường điện ảnh Việt, câu chuyện không quá khó hiểu vì chỉ xoay quanh vấn đề tài chính, thương mại. Nhà sản xuất muốn phim thắng, muốn được sắp suất chiếu nhiều nhưng về phía phát hành, họ cũng cần chiến lược phát hành phù hợp để thu lợi. Vậy thì khi làm phim tại Việt Nam, điều cần thiết đầu tiên là tập trung vào chất lượng, còn mọi việc tiếp theo đều ngoài tầm với, đòi hỏi đạo diễn, nhà sản xuất phải vững tâm lý, chấp nhận cuộc chơi đầy rủi ro này.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI