Dân sẽ phải gánh mức tăng giá điện lẫn chi phí sinh hoạt

25/03/2019 - 07:07

PNO - Giá điện vừa được Bộ Công thương điều chỉnh tăng thêm 8,36%, tương đương 144 đồng/kWh khiến nhiều người lo giá cả sinh hoạt sẽ tăng theo.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.864,44 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia theo sáu bậc với mức thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và cao nhất là 2.927 đồng/kWh. Cụ thể, bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh, bậc 2 được tính giá 1.734 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 51-100 kWh, bậc 3 là 2.014 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 101-200 kWh… Mức giá này chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). 

Dan se phai ganh muc tang gia dien lan chi phi sinh hoat
 

Với mức giá điện mới, Cục Điều tiết điện lực tính toán, mỗi tháng, khách hàng là hộ gia đình tiêu thụ dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; tiêu thụ từ 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; tiêu thụ từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; tiêu thụ từ  200-300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng. Đơn vị này cho rằng, phần đông khách hàng sử dụng điện ở mức thấp (khoảng 25 triệu khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt dưới 100 kWh/tháng), chỉ 7,9% khách hàng tiêu thụ trên 400 kWh/tháng. Với cách diễn giải này, Cục Điều tiết điện lực ngụ ý, việc điều chỉnh giá điện lần này không tác động nhiều đến đại bộ phận khách hàng.

Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng cho rằng, cứ sau mỗi đợt tăng giá điện thì hàng loạt chi phí sinh hoạt khác tăng theo, vì điện là chi phí đầu vào của hầu hết các mặt hàng. Người bán gạo sẽ tăng giá gạo vì phải dùng điện để xay xát lúa, người bán thực phẩm cũng sẽ lấy lý do giá điện tăng để tăng giá, vì phải dùng điện để cấp đông… Với những hộ có mức sống trung bình, giá điện chỉ tăng thêm từ 7.000-14.000 đồng/tháng, nhưng tác động gián tiếp từ giá cả sinh hoạt thì lớn hơn rất nhiều. 

Thường, khoảng vài tháng sau đợt tăng giá điện, giá các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường mới biến động theo, nhưng tác động tâm lý thì gần như tức thời. Không chỉ chủ các doanh nghiệp lớn mà những người sản xuất, buôn bán nhỏ cũng không khỏi bất an.

Dan se phai ganh muc tang gia dien lan chi phi sinh hoat
 

Chị Thanh Thùy - chủ một quán cà phê trên đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết, đại lý giao nước đá cho quán của chị vừa thông báo tăng giá thêm 1.000 đồng/bao do giá điện tăng. Lý do là, cơ sở sản xuất dựa vào nguồn nước và nguồn điện, hễ giá điện tăng thì cơ sở buộc phải tăng giá sản phẩm. Cộng dồn “mỗi thứ một tăng”, tổng chi phí tăng thêm cho hoạt động của quán là không hề nhỏ.

Ông Trần Cảnh - nông dân trồng hồ tiêu và cà phê tại H.Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông - cho hay, Tây Nguyên đang bước vào cao điểm nắng nóng, nông dân phải sử dụng máy để bơm nước tưới cây. Bình quân mỗi tháng, tiền điện phục vụ tưới tiêu của ông Cảnh khoảng 1,5 triệu đồng.

Nếu nông sản được mùa, việc tăng giá điện không đáng lo, nhưng liên tiếp trong hai năm nay, cà phê, hồ tiêu đều rớt giá trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng. Hồ tiêu nhà ông chín đầy vườn từ hơn một tháng nay nhưng ông chưa dám thuê người hái vì giá tiêu đang ở mức dưới giá thành. Giá điện tăng chắc chắn khiến chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến những người sản xuất nhỏ như ông.

Từ trước khi giá điện tăng, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo những tác động của nó đến đời sống, chỉ số giá tiêu dùng. Ngành điện lấy lý do giá thành cao hơn giá bán, nếu không điều chỉnh, chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động của ngành điện. Thế nhưng đến nay, cũng chưa có cơ quan độc lập nào đánh giá chi phí của ngành kinh doanh độc quyền này. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI