Dân lại kiệt quệ vì thủy điện xả lũ

17/12/2016 - 07:15

PNO - 15 nhà máy thủy điện ở miền trung đồng loạt xả lũ trong ngày 14 và 15/12 khiến dân chạy lũ trối chết…

Lũ chưa kịp rút, lại lên

Theo thông báo mới nhất về thiệt hại của đợt lũ từ 13-15/12, đến ngày 15/12, tại Quảng Nam, đã có 9 người chết và bị thương; 716 nhà bị ngập; 3.397ha hoa màu bị ngập úng. Mưa to khiến 5 nhà máy thủy điện phải xả lũ, làm vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia bị nhấn chìm trong nước. Tối 14/12, nước lũ ập vào nhiều ngôi làng vùng rốn lũ huyện Đại Lộc khiến hàng ngàn người mất ngủ canh mực nước để đưa tài sản lên cao.

Bà Nguyễn Thị Vinh (xã Đại An, huyện Đại Lộc) than thở: “Đây đã là đợt lũ thứ ba trong tháng nay rồi. Cứ thấy mưa to là tụi tui cứ phải lo chạy lũ vì thủy điện nó xả về là không kịp”. Nước từ hồ thủy điện nối nhau tràn về, người dân ở các huyện thị hai bên sông Thu Bồn như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP.Hội An hết đợt này đến đợt khác chạy lũ.

Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết, hai đợt mưa lũ gần đây đã gây thiệt hại nhiều đến đời sống của người dân. Tại thôn Đông Bình, bờ kè và cũng là con đường duy nhất vào thôn đã bị đợt lũ đầu tháng cuốn trôi. Chính quyền xã đã huy động lực lượng dùng bao cát đắp kè tạm và dựng cầu tre, nhưng chưa kịp hoàn thành thì cơn lũ vào sáng 14/12 đã cuốn phăng đi tất cả, đẩy 19 hộ dân với 61 khẩu ở thôn Đông Bình vào cảnh bị cô lập.

Dan lai kiet que vi thuy dien xa lu
Bà Bùi Thị Huệ ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thẫn thờ vì bao nhiêu công sức, của cải bị các đợt lũ cuốn đi sạch

Chị Huỳnh Thị Sương, một người dân ở thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh ngao ngán: “Nước lũ đợt này ngâm lâu. Tối 14/12, nước tràn vô nhà dân trong xóm, đến sáng hôm sau, tưởng đâu rút thì đến trưa lại lên. Cứ vậy nên việc buôn bán, làm ăn của người dân rất khổ sở, học sinh thì phải nghỉ học liên miên”. Ông Vũ Văn Cảnh, ngụ ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên nói: “Mưa có to mấy đâu, tại thủy điện xả lũ thôi, đêm nay lại thức trắng nữa rồi”.

Tại Thừa Thiên - Huế, trong ngày 15/12, các nhà máy thủy điện đồng loạt điều tiết lũ khiến vùng hạ du ngập cục bộ nhiều khu vực. Ở TP.Huế, thị xã Hương Trà và các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, nước các sông lên rất nhanh, nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,2m.

Chiều 15/12, tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền và xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, có đến hàng trăm hộ dân bị mắc kẹt trong lũ do nước sông Bồ lên nhanh làm ngập đường, người dân phải dùng ghe, xuồng để di chuyển đồ đạc và chạy lũ, học sinh phải nghỉ học.

Bà Phùng Thị Hưng, 78 tuổi, ở phố cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà lắc đầu: “Nước lên nhanh quá, mấy năm rồi mới có lụt lại như ri. Bữa qua nước mới ra khỏi nhà, chừ lại lên rồi, cả khu chợ ni không ai kịp trở tay”.

Theo thống kê, đã có hơn 7.000 ngôi nhà tại các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy bị ngập sâu trong lũ. Đặc biệt, do khu vực bờ sông Chợ Nọ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) bị sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 20 hộ dân đến nơi an toàn. Đến tối 15/12, nước đã tràn vô nhà dân ở nhiều vùng của TP.Huế.

Tại Quảng Ngãi, thủy điện xả lũ đã khiến hơn 50 hộ dân ở xã Sơn Ba, Sơn Nham của huyện Sơn Hà phải di dời khẩn cấp. Tại TP.Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, đường biến thành sông, nhiều khu dân cư bị chia cắt, trong đó ốc đảo Ân Phú của xã Nghĩa An thuộc TP.Quảng Ngãi đã bị cô lập hơn 10 ngày qua.

Ngày 15/12, Bình Định tiếp tục có mưa lớn, nhiều khu vực ở TP.Quy Nhơn chìm trong biển nước. Trong đó, nặng nhất là tuyến đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ ngã năm Đống Đa đến cầu Đôi (thuộc phường Đống Đa) và khu vực ngã ba Ông Thọ bị ngập sâu từ 0,3- 0,5m.

Đây là tuyến đường chính từ các huyện ngoại thành vào TP và xuống cảng Quy Nhơn nên có rất nhiều người và xe tải lớn lưu thông, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Nhà dân ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo gần Cầu Đôi đã bị nước tràn vào. Trong khi đó, nhiều khu vực ở các huyện Tuy Phước, TX.An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ vẫn bị ngập lũ từ nhiều ngày qua.

Nông dân trắng tay

Lũ càn quét trắng xóa ruộng đồng khiến nông dân trắng tay. Bà Bùi Thị Huệ ở thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rầu rĩ: “Trận lũ ngày 5/12 làm nhà tui mất trắng 5 sào rau quả, hết khoảng 20 triệu đồng tiền giống, phân bón. Lũ rút, tui xuống giống được mấy ngày thì lũ lại về, lại mất trắng”.

Cùng cảnh ngộ như bà Huệ, ông Lê Duy Minh tin rằng sau trận lũ đầu tháng cướp đi 6 sào rau sẽ không còn lũ nữa nên đã vay mượn tiền đầu tư vô 4 sào đậu phụng ven sông. Hạt chưa kịp nảy mầm thì lũ lại tràn về phá sạch. “Đậu phụng bị thúi hết rồi. Cứ mưa lũ như ri chắc gia đình tui chết đói”, ông Minh đau đớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một hộ trồng rau trên cánh đồng Bàu Tròn cho rằng, thủy điện có thông báo xả lũ đến người dân, thà như xe máy, ti vi thì còn kê lên cao chứ đây là nguyên cánh đồng, rau màu bao la, làm sao di chuyển. “Dân cứ vay mượn vốn đầu tư, thủy điện cứ xả lũ như ri thì dân hết đường sản xuất”, ông Hùng nói.

Lũ kèm mưa lớn gần như xóa sạch vựa hoa tết lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế ở vùng Phú Dương, Phú Thanh, Phú Mậu của huyện Phú Vang; gần 200ha hoa màu tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tình trạng ngập lụt kéo dài cũng khiến người dân ở nhiều huyện thị của tỉnh Bình Định cạn kiệt lương thực, thực phẩm, nước uống, hoa màu, giống má đều bị nhấn chìm theo lũ.

Thảm cảnh mắc lụt, chạy lụt do thủy điện xả lũ triền miên khiến người dân miền Trung cuối năm nào cũng trắng tay, kiệt quệ, nhưng họ chỉ biết kêu trời, bởi không ai chịu trách nhiệm.

Thanh Nhân - Thuận Hóa - Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI