Đại học thêm tiêu chí “lạ” để đánh giá năng lực thí sinh

04/05/2022 - 12:45

PNO - Năm 2022, nhiều trường đại học bổ sung những tiêu chí xét tuyển “lạ” hoặc kết hợp các tiêu chí phụ để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh. Qua đó lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành đào tạo hơn.

Ngành y lấy môn văn làm tiêu chí phụ

Trường đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó đáng chú ý, trường áp dụng tiêu chuẩn phụ xét điểm thi môn văn trong trường hợp thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau.

Theo đó, nhà trường quy định trường hợp các thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau, được xếp ưu tiên theo thứ tự sau: điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ theo quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; điểm trung bình chung lớp 12 THPT; điểm thi tốt nghiệp THPT môn văn. 

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để xét tuyển vào đại học - ẢNH: THANH THANH
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM để xét tuyển vào đại học - Ảnh: Thanh Thanh

Đại diện nhà trường cho biết: “Trường xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo các môn toán - hóa - sinh và dữ liệu tại hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Thí sinh đạt điểm chuẩn của các ngành sẽ trúng tuyển. Tiêu chí phụ chỉ áp dụng trong trường hợp có quá nhiều thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau theo thứ tự ưu tiên nêu trên để xác định thí sinh trúng tuyển. Các tiêu chí phụ này đưa ra cũng nhằm mục đích chọn được người học toàn diện hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế hơn”. 

Trong khi đó, năm nay, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng đa dạng các phương thức tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, trong đó trường cũng không quên “chú ý” đến các khả năng văn - thể - mỹ và hoạt động cộng đồng dù là tuyển người học cho khối ngành kỹ thuật.

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay: “Năm nay, trường chủ động đề xuất phương thức tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học tập và các thành tích văn - thể - mỹ, hoạt động đóng góp cộng đồng nên việc thay đổi này sẽ là lý tưởng trong việc thu thập dữ liệu thí sinh của nhà trường, đảm bảo minh bạch và chính xác trong tuyển sinh.

Dự kiến, phương thức này sẽ là chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022. Cụ thể, năng lực học tập bao gồm kết quả học THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế”.

Tìm kiếm thí sinh có năng lực chuyên biệt 

Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với hai đợt thi để tuyển sinh. Kỳ thi tổ chức thông qua sáu bài thi đánh giá năng lực: toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành có áp dụng phương thức xét tuyển.

Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Cụ thể, thí sinh dự kiến xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó. 

Theo thạc sĩ Phan Lê Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, với một số ngành học của trường, thí sinh cần có năng lực chuyên biệt phù hợp với tính chất ngành học. Chẳng hạn, thí sinh thi vào sư phạm toán thì cần được đánh giá năng lực toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học ở bậc ĐH. Tương tự với các ngành khác như hóa học, vật lý, sinh học, ngoại ngữ…

“Chính vì thế, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, đồng thời hướng đến việc tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt phù hợp với yêu cầu đầu vào của các ngành học nên trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt”, ông Quốc giải thích.

Còn Trường ĐH Luật TPHCM dự kiến tuyển sinh theo hai phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tổ hợp môn đăng ký xét tuyển). Ở phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng với ba đối tượng:

Đối tượng 1 (xét tuyển thẳng) thí sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đã tốt nghiệp năm 2022.

Đối tượng 2 (ưu tiên xét tuyển thẳng): thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, Nhật; thí sinh có kết quả thi SAT của Mỹ.

Đối tượng 3 (ưu tiên xét tuyển thẳng): thí sinh học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu; thí sinh học tại các trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất theo danh sách “Các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng năm 2022 của ĐH Quốc gia TPHCM”.

Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo nhà trường, các đối tượng được trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đều là những thí sinh giỏi nhiều mặt, đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và giỏi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, thí sinh phải đủ các điều kiện theo yêu cầu của nhà trường mới được xét trúng tuyển. 

Việc các trường đưa ra thêm những tiêu chí khác với thông lệ tuyển sinh trước đây khiến nhiều người bất ngờ nhưng đó là sự bổ sung hợp lý. Lâu nay, người ta hay nghĩ bác sĩ, kỹ sư thì không cần phải giỏi văn hay các kỹ năng xã hội nhưng quan niệm này không còn phù hợp bởi ngành nghề nào cũng cần những hiểu biết và có kỹ năng cơ bản ở các lĩnh vực khác. 

Thu Hằng 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc