Cứu sống nhiều ca thuyên tắc phổi nhờ quy trình mới

15/02/2022 - 04:43

PNO - Một quy trình mới lần đầu tiên được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Việt Nam đã cứu sống nhiều ca thuyên tắc phổi, giảm biến chứng cho bệnh nhân.

Cứu thành công ca thuyên tắc phổi biến chứng xuất huyết nặng

Mới đây, bệnh nhân 60 tuổi tên P.V.Đ., ngụ tỉnh An Giang, than khó thở, mệt nhiều, gia đình đưa tới bệnh viện địa phương thì được chẩn đoán thuyên tắc phổi có sốc. Để cứu sống bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc tiêu sợi huyết. Tình trạng của ông Đ. tiếp tục diễn tiến phức tạp, khó thở, suy hô hấp. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản rồi chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. 

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ ghi nhận ông Đ. bị thuyên tắc phổi diện rộng có rối loạn huyết động đã dùng thuốc tiêu sợi huyết. Ngoài ra, ông Đ. còn bị suy thất cấp, tăng huyết áp. Xét thấy tình huống cấp bách, bệnh viện đã kích hoạt đội điều trị thuyên tắc mạch phổi (ICU, tim mạch và phẫu thuật tim mạch).

Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thăm khám cho bệnh nhân thuyên tắc phổi
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thăm khám cho bệnh nhân thuyên tắc phổi

Sau đó, bệnh nhân tỉnh, thở êm qua nội khí quản, thở máy, dấu hiệu suy hô hấp đã cải thiện nên được rút nội khí quản. Tuy vậy, tình trạng ông Đ. còn rất nhiều vấn đề phức tạp, ông than đau vùng hông và lưng trái. Tại các vị trí này xuất hiện vết bầm, diễn tiến lớn dần. Mạch của bệnh nhân nhanh, khó bắt. Kết quả siêu âm mạch máu chi dưới cho thấy ông Đ. bị huyết khối bán cấp lấp hoàn toàn tĩnh mạch cơ bụng chân, khoeo phải. Ê-kíp điều trị thuyên tắc phổi đã hội chẩn tim mạch khẩn cấp, đưa ra quyết định ngưng thuốc kháng đông và đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới cho nam bệnh nhân. Nhờ vậy, khối máu tụ thuyên giảm dần. 

Sau hai tuần căng thẳng, đội điều trị thuyên tắc phổi của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã giành giật lại được tính mạng cho trường hợp thuyên tắc phổi cấp nguy cơ cao có rối loạn huyết động, suy thất, viêm phổi do Ecoli, huyết khối tĩnh mạch trong cơ bụng - chân khoeo, tăng huyết áp vô căn, trào ngược dạ dày thực quản… Khi tới bệnh viện, ai cũng nghĩ ca bệnh này lành ít dữ nhiều, nhưng ông Đ. đã hồi phục và được xuất viện về nhà.

Tỷ lệ tử vong và biến chứng giảm mạnh

Theo tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trường hợp của bệnh nhân Đ. là ca lâm sàng điển hình cho thấy tầm quan trọng của quy trình phối hợp nhóm trong chẩn đoán và xử trí thuyên tắc phổi. 

Thuyên tắc phổi là căn bệnh nguy hiểm, chia ra nhiều mức độ. Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi (do huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới). Huyết khối bị vỡ và trôi nổi tự do trong mạch máu, di chuyển đến một vùng khác của cơ thể và gây tắc nghẽn mạch máu tại đó.

Thuyên tắc mạch phổi gây nguy cơ tử vong rất cao. Ở các nước phát triển, quy trình liên chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân thuyên tắc phổi đã áp dụng từ lâu nhưng tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là đơn vị đầu tiên triển khai quy trình này.

Số liệu nghiên cứu trên những bệnh nhân thuyên tắc phổi trong 1,5 năm qua đã cho thấy kết quả đáng mừng. Tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân thuyên tắc phổi phải nhập viện kể từ khi được kích hoạt quy trình liên chuyên khoa này đã giảm đáng kể, bệnh nhân cũng ít bị biến chứng, nhiều ca được kịp thời can thiệp y tế kỹ thuật cao. 

Cụ thể, trước đó, bệnh viện đã nghiên cứu trên 51 bệnh nhân nhập viện bị thuyên tắc phổi và ghi nhận tỷ lệ tử vong là 21,6%; 3,9% được can thiệp y tế kỹ thuật cao; 31,4% bị xuất huyết nặng. Sau khi bệnh viện triển khai quy trình liên chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân thuyên tắc phổi, số liệu thống kê trên 77 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 9,1%; 16,5% được can thiệp y tế kỹ thuật cao, tỷ lệ bị biến chứng xuất huyết chỉ còn 14,3%. 

Thực tế, số bệnh nhân thuyên tắc phổi nhập Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có xu hướng tăng. Năm 2018, bệnh viện ghi nhận có 43 ca thì hiện nay trung bình một năm bệnh viện điều trị cho khoảng 100 ca thuyên tắc phổi. Chính vì những lợi ích đem lại cho người bệnh, bác sĩ Bùi Thế Dũng hy vọng rằng quy trình liên chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân thuyên tắc phổi không chỉ áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mà sẽ được triển khai rộng rãi ở các cơ sở có đủ điều kiện về y tế khác nữa. 

Thanh Huyền
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI