Cuồng... like: Thứ dịch bệnh lây lan của những người "sống ảo"

25/09/2016 - 07:50

PNO - Chỉ vì những lượt like ảo trên không gian mạng, nhiều bạn trẻ đã hủy hoại các mối quan hệ thực tế của mình, trở thành những kẻ cực đoan, thậm chí sẵn sàng xâm hại thân thể, tính mạng bản thân và người khác.

Chỉ vì những lượt like (thích) ảo trên không gian mạng, nhiều bạn trẻ đã hủy hoại các mối quan hệ thực tế của mình, trở thành những kẻ cực đoan, quá khích, thậm chí sẵn sàng xâm hại thân thể, tính mạng bản thân và người khác. Sự việc một nam thanh niên tự tưới xăng lên người, châm lửa đốt rồi nhảy xuống kênh tàu hủ (Q.6, TP.HCM) tối 20/9 như một hồi chuông báo động về tình trạng sống ảo.

Cả thế giới cùng sống ảo

Nam thanh niên tưới xăng lên người, châm lửa đốt rồi nhảy xuống kênh Tàu Hủ được xác định là N.T., sống ở Q.Tân Phú, hiện đang bị công an tạm giữ. Theo tìm hiểu, N.T. không có ý định quyên sinh, mà chỉ đơn giản vì một lời thách thức trên mạng xã hội - nếu tấm ảnh anh đăng nhận được 40.000 lượt like, N.T. sẽ tự tẩm xăng đốt mình.

T. đã toại nguyện khi anh nhận được hơn 100.000 lượt like từ cộng đồng để “đi chết”. Nhờ lớp áo dày và nhanh chóng nhảy xuống dòng kênh ngay khi lửa bén nên T. chỉ bị bỏng nhẹ.

Cuong... like: Thu dich benh lay lan cua nhung nguoi

Sự việc khiến người ta nhớ lại vụ hẹn hò thanh toán nhau của hai cô gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ hồi tháng Ba năm ngoái. Chỉ vì những comment (bình luận) mạt sát nhau, những lượt like ủng hộ, Thúy Vy và Thanh Vân đã tìm nhau “giải quyết nợ nần”, gây náo loạn cả một khu vực.

Thỉnh thoảng, trên các mạng xã hội, chúng ta dễ dàng đọc thấy những status (trạng thái) thách thức kiểu như đạt được số lượt like nhất định thì nhân vật chính sẽ cởi đồ nhảy nhót, sẽ uống nước mắm, sẽ tự rạch tay... Điều kinh khủng là lời thách thức càng quái, càng nguy hiểm thì càng nhanh chóng đạt chỉ tiêu like và càng được nhiều người chia sẻ để biến nó thành hiện thực.

Chẳng hạn khi cô người mẫu ảnh tự do Nguyễn M. tuyên bố “chơi lớn” - nếu tấm ảnh bikini của mình đạt 10.000 lượt like, cô sẽ khỏa thân chụp ảnh chiêu đãi cộng đồng. Chưa đầy một ngày, ảnh của cô nhận được hơn 70.000 lượt like.

Giữ cam kết, M. đăng một loạt ảnh khỏa thân và tiếp tục nhận được hàng chục ngàn lượt thích cho mỗi tấm ảnh - càng hở càng được thích.

Trên thế giới, đến nay cộng đồng vẫn chưa quên vụ một cô gái Trung Quốc hứa sẽ ăn bắp bằng máy khoan (cắm máy khoan vào lõi bắp và ăn khi máy đang quay). Nhận được đủ lượt like, cô thực hiện lời hứa với hậu quả là cả mái tóc bị cuốn vào máy khoan, suýt bay cả da đầu.

Cuong... like: Thu dich benh lay lan cua nhung nguoi
Cô gái bịa cháu ruột của mình là con tử tù để câu like

 Nhiều bạn trẻ khác sẵn sàng đập máy tính, xé áo quần, đội quần nhảy nhót, đeo xích chó vào cổ và sủa gâu gâu để được like, được share, để được nổi tiếng giữa một cộng đồng mà hầu như chẳng mấy ai biết nhau trong thực tế.

Nổi tiếng để kiếm tiền?

Trong thế giới mạng, việc bạn là người nổi tiếng hoàn toàn có thể sinh ra tiền như trong đời thực. Nếu trang cá nhân của bạn có số người theo dõi nhất định, những gì bạn đăng tải nhận được nhiều sự quan tâm, bạn có thể kiếm tiền từ đó.

Với bảy triệu người theo dõi, facebooker R. ra giá cho mỗi bài đăng về sản phẩm, doanh nghiệp, chương trình là 10 triệu đồng. Những người nổi tiếng khác như người mẫu, diễn viên, ca sĩ, nhà báo cũng có giá từ 2-20 triệu đồng cho mỗi bài đăng tùy theo độ "hot" của trang.

Tuy nhiên con số này không nhiều và hợp đồng cũng chẳng đến thường xuyên. Thậm chí, để hoàn tất hợp đồng với doanh nghiệp (status đạt đủ lượt like), nhiều người nổi tiếng đã phải chi tiền chạy quảng cáo, mua like ảo. Chuyện kiếm tiền qua mạng xã hội có những quy tắc của nó và chủ nhân của các trang này luôn phải kiểm soát thông tin, hình ảnh, áp dụng hàng loạt phương thức duy trì độ "hot" cho trang.

Chẳng hạn trên trang của các “hot-girl kem trộn”, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những hình ảnh thô mộc của họ mà tất cả đều được xử lý photoshop kỹ lưỡng đến từng chấm mụn, từng lỗ chân lông. Trên những trang bán hàng online, mọi comment chê sản phẩm đều lập tức bị xóa và người phát biểu sẽ bị “bịt miệng” - chặn không được truy cập.

Cuong... like: Thu dich benh lay lan cua nhung nguoi

Kiểu kinh doanh khác là dạng tạo trang với các thông tin gây sốc, bịa đặt để thu hút lượt like, sau đó xóa tất cả, đổi tên và bán lại trang đã có sẵn lượng truy cập lớn. Bất kể thế nào, những người thực sự kiếm tiền từ mạng luôn ý thức việc mình làm trong từng chi tiết nhỏ - khác hẳn những kiểu câu like chỉ để thỏa mãn cái tôi nhất thời hoặc những cơn bộc phát.

Vụ tẩm xăng tự đốt của N.T. không mang lại cho anh đồng nào mà chỉ có những lời chửi mắng từ cộng đồng. Thúy Vy lẫn Thanh Vân phải đóng tiền phạt vi phạm hành chính vì gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, trong hai sự việc này, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn.

Trong khi đó, Nguyễn M. không hề biết rằng hình ảnh, thông tin của mình đã bị sao chép sang các trang web sex để giờ đây hàng đêm cô phải chặn những cuộc gọi video từ những gã gọi cô để khoe thân và hẹn cô đi “tâm sự”. Sau một năm, khi đã có công việc ổn định tại một doanh nghiệp bất động sản, hot-girl Vy K. mới khóc ròng khi những đoạn clip khỏa thân uốn éo một thời của mình bị công bố, bị đưa lên web đen nước ngoài mà cô không cách nào xóa bỏ. Cô gái uống nước mắm phải chịu đựng cơn ói mửa suốt hơn ba ngày.

Những người được xem là “tỉnh táo” - không thực hiện các thách thức “điên khùng” thì bị cộng đồng xỉ vả vì thất hứa, đến mức phải bỏ trang hoặc biến mất khỏi mạng xã hội.

Trào lưu sống ảo hiện đã trở thành một dịch bệnh lây lan từ người bình thường đến người nổi tiếng. Mức độ say like trên mạng xã hội hiện đã tiến đến việc nếu không chịu like nhau, người ta sẵn sàng hủy bỏ quan hệ bạn bè. Để được like, người ta thay vì viết ra những điều tử tế, họ chọn cách chửi rủa, mạt sát nhau, chia sẻ những đoạn clip máu me, thậm chí bịa ra những vụ bắt cóc, tấn công không tưởng và cuối cùng là năn nỉ like, thách thức like bằng cách hủy hoại mình.

Như ca sĩ Phương Thanh thừa nhận: “Giờ muốn like phải sốc. Viết đàng hoàng được vài chục like là nhiều chứ chửi phứa lên là cả ngàn like ngay”. Giới trẻ (thậm chí không ít người lớn) chỉ cuồng like ảo thay vì bước vào đời làm những việc hữu ích, thì sẽ đi về đâu?

Nguyễn Diệu Cát Tường - Giám đốc thương hiệu mỹ phẩm Om Fountain

Tiêu chí đầu tiên để chọn người nổi tiếng phục vụ cho việc quảng bá qua mạng xã hội của công ty chúng tôi là phải “sạch”, tức không có kiểu khoe thân câu like, không hình ảnh rùng rợn, không giật gân, bịa đặt. Bởi những điều đó có thể tác động không tốt đến hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của chúng tôi - các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và thư giãn.

Trước khi chọn một người nổi tiếng, chúng tôi luôn xem kỹ các status họ đăng trong thời gian dài để hiểu về cá tính, gu thẩm mỹ của người đó, tìm hiểu về tầm ảnh hưởng của họ trong ngành... chứ không phải độ "hot" đơn thuần đối với đại chúng.

Ví dụ giữa một nhà báo luôn viết các status đáng đọc, đáng suy ngẫm về các vấn đề thời sự, xã hội, giáo dục... với một hot facebooker chuyên “cãi nhau với cả thế giới” thì chúng tôi sẽ chọn người thứ nhất vì nhà báo có độ tin cậy cao hơn. Chúng tôi cũng sẽ chọn một người thường có các bài viết tư vấn thẩm mỹ mang tính khoa học, thân thiện với môi trường thay vì chọn một người chỉ chăm chăm chuyện hậu trường showbiz.

Đương nhiên chúng tôi không bao giờ thuê một anh chàng nhảy sông câu like, càng không thuê một cô gái sẵn sàng đi đánh nhau vì bị thách thức hay một cô suốt ngày cởi đồ để có like. Nếu có bạn trẻ nào đang nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ tìm đến, trả tiền cho mình chỉ vì mình nổi tiếng (bằng tai tiếng) thì lời khuyên của tôi là hãy bỏ suy nghĩ ấy đi.

Thành Nhân (ghi)

ThS tâm lý Đào lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt)

Cần thông minh để trình diễn bản sắc cá nhân

Ở tuổi mới lớn, ai cũng có nhu cầu được khẳng định bản thân. Nhưng không phải ai cũng có đủ tài năng để sớm khẳng định mình. Bạn trẻ “câu like” bằng lời hứa tự đốt mình có thể đã trải qua một quá trình dài đối diện với mâu thuẫn muốn thể hiện sự khác biệt của bản thân nhưng năng lực không đáp ứng được. Mâu thuẫn đó tích tụ qua từng ngày, khiến bạn ấy thiếu tỉnh táo và đưa ra quyết định bồng bột.

Rõ ràng, tự đốt mình để “câu like” giúp cá nhân bạn ấy ngay lập tức đạt được nhu cầu “được mọi người biết đến”, nhưng để lại hậu quả lớn mà người trong cuộc chưa lường hết được.

Hành động “câu like” bằng cách cởi đồ của một bạn gái cũng vậy, thỏa mãn được nhu cầu thu hút của bản thân nhưng cực kỳ tai hại. Tuy mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng để lại hậu quả thực nếu người dùng không biết chọn cách chơi đúng và mất kiểm soát.

Cô gái cởi đồ để kiếm lượt like chắc chưa kịp nghĩ rằng mình đang sống với rất nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội. Người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp thấy những bức hình ấy sẽ thế nào? Biết đâu trong tương lai, mình đi xin việc mà gặp đúng người sếp từng thấy những bức hình nude đó?

Trang cá nhân trên mạng xã hội thể hiện sinh động tâm lý con người, qua đó cho thấy cá tính của người dùng. Trang cá nhân đó cũng là “bộ mặt” của người dùng, việc thể hiện “bộ mặt” đó ra sao là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.

Trần Triều (ghi) 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI