Cúm mùa tăng mạnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có hơn 1.000 ca trong nửa tháng

20/07/2022 - 13:19

PNO - Trước hình cúm mùa đang tăng mạnh, trong đó chủ yếu là cúm A, Hà Nội vừa có công văn khẩn để sẵn sàng phương án ứng phó.

 

Bệnh nhân cúm A gia tăng mạnh, Hà Nội lên kế hoạch ứng phó (ảnh minh họa)
Bệnh nhân cúm A gia tăng mạnh, Hà Nội lên kế hoạch ứng phó (ảnh minh họa)

Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có công văn về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh cúm mùa.

Theo đó, hiện nay tình hình bệnh cúm mùa trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng. Tính từ đầu năm nay cho đến ngày 18/7, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, số mắc tăng cao, đặc biệt trong tháng 6/2022 ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ghi nhận số người đến khám do mắc cúm có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo về tình hình khám, thu dung điều trị các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp nghi nhiễm cúm mùa đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện trong thời gian từ ngày 1/7 đến 15/7/2022 cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm (chiếm tới 52,8% số lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm là 1.068/2.020). Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%, cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca (chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm), trong đó có 2 trường hợp viêm phổi ARDS nhập viện.

Hầu hết 71 trường hợp chỉ định nhập viện (chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền, hầu hết khỏi sau 3 - 4 ngày điều trị) và ghi nhận 1 trường hợp viêm phổi nặng suy hô hấp. Hiện, bệnh viện còn khoảng 20 bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi (44,1%); nhóm tuổi 18-49 tuổi (39,7%); nhóm tuổi 6-18 tuổi (11,8%); nhóm tuổi trên 50 tuổi (4,4%).

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân L.T.Q (78 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân khởi phát với các biểu hiện sốt nóng người mệt mỏi, ăn ngủ kém. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm phổi ARDS do cúm. Sau đó bệnh nhân khó thở, viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở máy.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, trong thời gian tới, bệnh cúm vẫn đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. 

Để phòng bệnh, ngành y tế Thủ đô khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Cùng với đó, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa-đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI