Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, "chuyến bay giải cứu"

20/10/2022 - 12:13

PNO - Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm vụ đưa và nhận hối lộ khi tổ chức "chuyến bay giải cứu" trong dịch COVID-19, xử lý nghiêm sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

 

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Lo lắng về chính sách điều hành giá xăng dầu

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ học thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cử tri đánh giá cao các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện các đột phá chiến lược…

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả và đạt được kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Thực tế, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine. Áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau gây nhiều khó khăn, bất lợi. Ngoài ra, giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng.

“Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Đỗ Văn Chiến nói.

Cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu. Đơn cử, do mức chiết khấu thấp, người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất ở một số địa phương.

Trong khi đó, cử tri ở vùng nông thôn lo ngại giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu.

Về các vấn đề xã hội, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn về một số vấn đề như đời sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Diễn biến dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm còn khó lường, khó dự đoán, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vắc xin, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em ở nhiều nơi chưa đạt dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh.

An ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó có môi trường mạng. Các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn có xu hướng tăng và hậu quả rất nặng nề. Ngành giáo dục thiếu biên chế giáo viên, ngành y tế xảy ra tình trạng nhân lực ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc...

"Cuộc chiến thương mại" giữa các nhà sách khiến việc ra đề thi chung gặp khó khăn

Tuy đánh giá ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng, song nhiều cử tri cho rằng, hiện nay việc thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy…

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trên toàn quốc tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức.

Người dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp nhiều khó khăn.

Cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương phù hợp hơn sau khi Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp.

Cử tri mong Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan giải quyết những bất cập, vướng mắc giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội, nâng số tiền thuốc mà cơ sở y tế đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho bệnh nhân. Ngoài ra, quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, quan tâm hơn về chất lượng khám, điều trị bệnh, về trang thiết bị y tế, giường bệnh tại các trạm y tế - nhất là các trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Cần xử lý nghiêm sai phạm trong tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thật quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.

Cần xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án như: nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19, vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác.

M.Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI