COVID-19 tấn công hai nguồn cung thịt, cá lớn nhất Đà Nẵng

30/07/2021 - 07:00

PNO - Lò mổ Đà Sơn và cảng cá Thọ Quang bị COVID-19 xâm nhập, nhiều chợ nhỏ phải đóng cửa để phòng, chống sự lây lan từ hai ổ dịch này.

Đóng cửa cảng cá

Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm TP. Đà Nẵng (lò mổ Đà Sơn, ở Q. Liên Chiểu) và cảng cá Thọ Quang (ở Q. Sơn Trà) - hai nguồn cung cấp thịt và cá lớn nhất TP.Đà Nẵng - đã có tổng cộng 84 ca nhiễm COVID-19, đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho thành phố hơn 1 triệu dân này.

Nguồn cung cấp hải sản cho TP.Đà Nẵng đang gặp khó khăn do cảng cá Thọ Quang bị COVID-19 xâm nhập - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Nguồn cung cấp hải sản cho TP.Đà Nẵng đang gặp khó khăn do cảng cá Thọ Quang bị COVID-19 xâm nhập - Ảnh: Đình Dũng

Ngay khi xuất hiện các ca mắc COVID-19, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định đóng cửa 2/15 dây chuyền tại lò mổ Đà Sơn và đóng cửa hoàn toàn cảng cá Thọ Quang trong bảy ngày kể từ ngày 26/7 để khống chế dịch và truy vết các ca mắc (F0), ca tiếp xúc gần với ca mắc (F1). Thuyền đánh cá của TP. Đà Nẵng và các tỉnh bị cấm vào cảng Thọ Quang khiến nguồn cung hải sản lớn nhất thành phố bị ách tắc.

Đến nay, virus SARS-CoV-2 từ hai nguồn cung cấp thực phẩm này đã lây lan về nhiều chợ của TP. Đà Nẵng. UBND TP. Đà Nẵng buộc phải ra lệnh đóng cửa hoặc phong tỏa những chợ này, như chợ Nam Ô, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Quang Thành, chợ Non Nước, chợ Cẩm Lệ, chợ Phước Mỹ, chợ Mân Thái, chợ Lệ Trạch…

Hằng ngày, cảng cá Thọ Quang có 450 phương tiện, khoảng 3.000 người vào ra buôn bán, cung cấp 300 tấn hải sản để tiêu dùng, chế biến xuất khẩu. Mỗi đêm, lò mổ Đà Sơn giết mổ hơn 800 con heo, 30 con bò và 450 con gà để cung ứng cho thị trường. Trước khi đóng cửa, cảng cá Thọ Quang vẫn còn khoảng 250 tấn hải sản dự trữ. UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với Sở Công thương đề ra phương án chuyển cá và các loại hải sản từ cảng cá này về các chợ. 

Theo khảo sát của chúng tôi, việc bùng dịch ở hai nguồn cung thực phẩm trên khiến người dân mua thực phẩm khó khăn hơn vì phải di chuyển xa do nhiều chợ phải đóng cửa. Ở các chợ còn mở cửa, số sạp bán hải sản và lượng hải sản ở mỗi sạp đều giảm. Tại chợ Cồn, có gần 100 tiểu thương kinh doanh hải sản nhưng trong sáng 26/7, chỉ có 15 tiểu thương và sáng 27/7, có dưới 30 tiểu thương bán tôm, cá. Theo Ban quản lý chợ Cồn, các quầy cá mở bán được là do tiểu thương lấy cá trực tiếp từ ngư dân hoặc cá cấp đông từ công ty. Tuy vậy, các loại cá cũng không phong phú.

Giá hải sản ở các chợ cũng tăng hơn so với thường ngày. Cụ thể, giá cá nục nhỏ 80.000 đồng/kg, cao hơn giá cũ 30.000 đồng/kg; giá cá ngừ 80.000 đồng/kg, cao hơn giá cũ 10.000 đồng/kg; cá chim trắng 150.000 đồng/kg, cao hơn giá cũ 20.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Hiền - ở P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ - cho biết: “Sáng nay, tôi đi chợ Hòa Cầm nhưng cả dãy bán đồ biển nghỉ hết, mấy chị bán hàng tôi quen cũng nghỉ bán. Còn hàng bán online thì kêu giá đắt, cá nục ngày thường 40.000 đồng/kg thì nay 60.000 đồng/kg nhưng hàng không có sẵn. Chợ Cẩm Lệ thì đóng cửa vì dịch rồi”. Chị Hiền cho biết, giá gà bình thường 70.000 đồng/nửa con, nay tăng lên 100.000 đồng. Giá thịt heo cũng cao hơn trước 20.000 đồng/kg.

Ở hệ thống bán lẻ hiện đại, số lượng lẫn chủng loại cá đều hạn chế, có nơi không bán hải sản. Tại cửa hàng VinMart trên đường Nguyễn Hữu Tiến, nhân viên cho biết, do cảng cá Thọ Quang đóng cửa nên hải sản không có. Siêu thị VinMart trên đường Trần Quý Hai chỉ có một ít cá nục hoặc cá phèn.

Đà Nẵng quyết định đóng cửa cảng cá Thọ Quang 7 ngày để truy vết
Đà Nẵng quyết định đóng cửa cảng cá Thọ Quang 7 ngày để truy vết

Cố gắng duy trì hoạt động lò mổ 

Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Đà Nẵng - cho rằng, thị trường vẫn ổn định: “Thiếu cá thì có thể ăn thứ khác chứ đang dịch, phải ưu tiên chống dịch. Sở Công thương sẽ lo nguồn cung hải sản, còn chúng tôi phải tập trung bảo vệ mùa màng, vì đang có áp thấp nhiệt đới”.

Để ổn định nguồn cung hải sản, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tạm dừng hoạt động của cảng cá Thọ Quang, khẩn trương xây dựng phương án lưu trữ, lưu thông thủy hải sản và lấy ý kiến của lãnh đạo các địa phương, đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. UBND TP. Đà Nẵng cũng giao các ngành liên quan “phải kiểm soát, duy trì hoạt động cung ứng thực phẩm tại lò mổ Đà Sơn bằng mọi biện pháp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Kiểm tra thực tế tại lò mổ Đà Sơn chiều 26/7, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng - yêu cầu, ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm ba ngày/lần, UBND Q.Liên Chiểu nghiên cứu, triển khai test nhanh số người vào, ra lò mổ.

Ông cũng đề nghị chỉ cho tài xế và phương tiện vận chuyển động vật từ các địa phương khác đến lò mổ Đà Sơn vào ban ngày. Ông yêu cầu UBND Q. Liên Chiểu phối hợp với lò mổ Đà Sơn thành lập tổ kiểm soát người ra vào trong khoảng thời gian từ 0g đến 6g; lò mổ Đà Sơn chủ động thông báo để các tài xế biết và đến theo khung giờ quy định; yêu cầu các chủ hàng sỉ nghiên cứu phương án cung cấp thịt đến từng chợ truyền thống theo yêu cầu của tiểu thương nhằm giảm số người đến lò mổ. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI