COP26 đạt thỏa thuận cuối cùng sau thay đổi lớn vào phút chót

14/11/2021 - 11:02

PNO - Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Scotland đã kết thúc với một thỏa thuận nhằm duy trì giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Chủ tịch hội nghị COP26 Alok Sharma đã tỏ ra rất xúc động trước khi báo hiệu rằng không có tín hiệu phủ quyết nào từ gần 200 phái đoàn quốc gia có mặt tại Glasgow - từ các siêu cường sử dụng nhiên liệu than, khí đốt đến các nhà sản xuất dầu mỏ và các đảo quốc ở Thái Bình Dương đối mặt nguy cơ nước biển dâng.

Hội nghị hai tuần ở Glasgow - và kéo dài thêm một ngày đàm phán gay cấn - là lần thứ 26 sự kiện được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên LHQ kêu gọi cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, thứ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới mà còn là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại Phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại Phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 - Ảnh: Getty Images

Có một kịch tính vào phút cuối khi Ấn Độ đưa ra phản đối đối với một phần của thỏa thuận và yêu cầu viết lại từ ngữ. Điều khoản cuối cùng đã được sửa đổi một cách vội vàng để yêu cầu các nước đẩy nhanh nỗ lực hướng tới "cắt giảm" thay vì "chấm dứt" khai thác điện than.

Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Ấn Độ, Bhupender Yadav, cho biết việc sửa đổi là cần thiết để phản ánh "hoàn cảnh quốc gia của các nền kinh tế mới nổi".

Sự thay đổi trong thỏa thuận vấp phải sự thất vọng và phản đối của các nền kinh tế giàu có thuộc Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, cũng như một nhóm lớn các quốc đảo nhỏ, những quốc gia đang bị đe dọa do mực nước biển dâng cao.

Nhưng tất cả đều nói rằng họ sẽ chấp nhận “lùi một bước” vì lợi ích của thỏa thuận chung.

Ông Sharma đã có một nhiệm vụ nặng nề là cân bằng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, các cường quốc công nghiệp lớn, và những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc - nơi mà mức tiêu thụ hoặc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.

Ông Sharma nói: "Tôi hiểu sự thất vọng sâu sắc nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là chúng ta bảo vệ được thỏa thuận này".

Mục tiêu tổng quát mà ông Sharma đặt ra trước hội nghị bị các nhà vận động khí hậu và những quốc gia dễ bị tổn thương chỉ trích là quá khiêm tốn - cụ thể là "duy trì" mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015, giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thỏa thuận thừa nhận rằng các cam kết được thực hiện cho đến nay nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng hành tinh là chưa đủ và yêu cầu các quốc gia đưa ra các cam kết khắc nghiệt hơn về khí hậu vào năm 2022, thay vì 5 năm một lần, như họ đang phải làm hiện nay.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi