"Cống nhân": Tiểu thuyết cuối cùng của Văn Lê

13/09/2020 - 20:13

PNO - “Nếu có ai về Đại Việt, cho tôi theo về với” - hàng đại tự trên nấm mộ của Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang khiến người đọc rung động. Ông là cống nhân, nhận lệnh sang phương Bắc, đằng đẵng bao năm vẫn đau đáu ước mong được một lần trở về quê nhà, đất Hồng Châu, Đại Việt.

Cống nhân (tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Văn Lê, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành) lấy ý tưởng từ tục cống người ở nước ta sang Trung Quốc, đời nhà Minh. Tác phẩm là tiếng kêu của nhân quyền, những nỗi niềm ai oán tha hương của những thân phận nhỏ nhoi trước thời cuộc.

Nhà văn Văn Lê từng bày tỏ rằng cảm hứng lịch sử luôn thôi thúc ông cầm bút. Và lịch sử dưới triều đại nhà Trần được ông dựng lại sinh động, thấm đẫm giá trị nhân văn qua câu chuyện của những “cống nhân” Đại Việt.

Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang là một danh y nổi tiếng đất Hồng Châu. Ông từ chối làm quan, chỉ xin triều đình cho về sống ở chùa Cẩm ngày ngày chữa bệnh cứu người. Nhưng chính tài danh đức độ ấy khiến ông không thể sống yên ổn ở quê nhà. Vì mật tấu của bọn phản trắc, nhà Minh triệu đích danh ông trong danh sách cống nhân sang phương Bắc. Một chuyến đi không hẹn ngày về…

Nếu như Thần thuyết của người Chim là một cuộc tái dựng tuyệt vời của nhà văn Văn Lê về giai đoạn Văn Lang - Âu Lạc, thì với Cống nhân, thời đại nhà Trần với những giá trị văn hóa (phong tục tập quán, trang phục, nghi lễ…) đã được miêu tả rất dụng công, tỉ mỉ. Đặc biệt là kiến thức đông dược uyên bác, thâm sâu của tác giả đã mang đến cho độc giả những trang viết đầy chất liệu, thuyết phục.

Hành trình làm cống nhân sang đất Bắc của Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang cũng là cuộc dẫn lối độc giả về với những điển tích, cổ sử. Khác với những tiểu thuyết lịch sử chọn khắc họa các nhân vật danh tướng triều Trần, Cống nhân tiếp cận ở góc độ những thân phận người mà tiếng nói yếu ớt, lời kêu cứu ai oán cũng không vang nổi qua khúc sông biệt ly.

Giấc mộng được sống ở nơi “không thù không hận, mọi người sống với nhau trong tình bằng hữu thân ái” trong tác phẩm được chuyển tải bằng thông điệp của nhà Phật - giác ngộ, hướng thiện, thường xuyên làm điều lành… Song, thế giới đẹp đẽ ấy chỉ hiện hữu trong đức tin, hiện thực của thời đại vẫn là thảm cảnh mà những thân phận nhỏ nhoi phải đương đầu. 

“Người Đại Việt tôi có câu: phận hèn nhưng chí khí không thể hèn được. Sống bên cạnh một nước lớn sài lang, để tồn tại, chúng tôi phải giữ trong mình luôn có được một sức mạnh nội tâm. Sức mạnh nội tâm càng lớn thì dù ở cạnh bùn nhơ vẫn không bị vấy bẩn” - câu nói của Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang với người đất Bắc như một tuyên ngôn muôn đời của người dân nước Việt. Sức mạnh tinh thần, sự nhẫn nại quả cảm, tâm thế đối diện và vượt qua mọi nghịch cảnh của vị danh y được thể hiện trong tác phẩm như một hình tượng bất biến về hào khí Đại Việt một thời. 

Giữa thực và hư, kết hợp sử liệu và dã sử, nhà văn Văn Lê đã kể với người đọc một câu chuyện nối dài qua thế hệ. Những phận người thấp cổ bé họng chịu cảnh lưu vong. Đó còn là câu chuyện của Duyên - con gái nuôi của Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang - kế nghiệp cha nhưng rồi cũng không thoát khỏi số phận bất hạnh của một “cống nhân”.

Cùng những nhân vật Thi Mây, La Phúc, Nguyễn Bản, Quảng Nguyên, Cốc Hạ… xuất hiện trong trang viết của nhà văn để dựng lại những giá trị nhân sinh tưởng chừng đã chìm sâu trong bụi mờ của lịch sử. Tiểu thuyết Cống nhân - “khúc ca sử Việt vàng son vừa ngậm ngùi vừa lộng lẫy” về thân phận con người - cũng là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Văn Lê. Sách vừa phát hành cũng là lúc ông về cõi vĩnh hằng. Bài viết này, như lời vĩnh biệt kính gửi hương hồn ông…

Bùi Tiểu Quyên 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI