Công nghiệp vật liệu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

10/04/2021 - 12:20

PNO - Công nghiệp vật liệu có quy mô nhỏ, năng suất và chất lượng còn hạn chế dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với trường Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 10/4/2021. 

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Việc phụ thuộc nhập khẩu về công nghiệp vật liệu khiến doanh nghiệp trong nước mất lợi thế cạnh tranh
Việc phụ thuộc nhập khẩu về công nghiệp vật liệu khiến doanh nghiệp trong nước mất lợi thế cạnh tranh. Ảnh minh hoạ. 

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Research Nester Pvt.Ltd (Mỹ) thì thị trường vật liệu đạt 1.370 tỷ USD trong năm 2016 và dự kiến tăng trưởng khoảng 5,1% mỗi năm, cán mốc 1.978 tỷ USD vào năm 2024. Nhu cầu về vật liệu tăng do quá trình công nghiệp hiện đại hoá mạnh mẽ trên toàn thế giới. Châu Á được xem là thị trường lớn nhất, chiếm 58% toàn cầu vào năm 2024.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương cho biết, thực tế trên thế giới không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Nhưng phải thừa nhận thực tế ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) dẫn chứng, trong ngành công nghiệp vật liệu, ngành thép Việt Nam được hình thành tương đối sớm. Những năm qua ngành này đã có những bước tiến, lọt vào top 20 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Nhưng nguyên vật liệu để sản xuất thép lại nhập chủ yếu từ nước ngoài.

Tương tự với ngành giày dép, dự báo năm 2025, Việt Nam có thể đạt sản lượng giày dép trên 2 tỷ đôi, gấp hai lần sản lượng năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu đạt 28 - 30 tỷ USD. Tuy vậy, hiện gần 60% nguyên phụ liệu cho ngành vẫn phải nhập khẩu. 

Cũng chính vì còn phụ thuộc về công nghiệp vật liệu nên giá thành cao, luôn bị biến động theo giá hàng hoá nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh. PGS.TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng đợt dịch COVID-19 vừa qua bộc lộ rõ nhất hạn chế này. Không ít doanh nghiệp dệt may mất ăn mất ngủ vì nhận thông tin đối tác cung cấp nguyên phụ liệu tại Trung Quốc và Hàn Quốc không thể giao hàng xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến 20-30% năng lực sản xuất toàn ngành. Các lĩnh vực giày da, công nghiệp điện tử, ô tô… cũng đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng lớn bởi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào. “Trong dài hạn, phải có giải pháp lâu dài phát triển ngành công nghiệp vật liệu để khắc phụ sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu” – TS Đoàn Đình Phương nói.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

TS Kon Yohichi – Viện trưởng Viện nghiên cứu, Công ty Cổ phần Hoá học Kim loại Tokyo, Nhật Bản đề xuất, để phát triển và chủ động được nền công nghiệp vật liệu, Việt Nam nên tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các Hiệp định thương mại tự do FTA. Đồng thời cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cao, công nghệ từ các nước phát triển. Nên tìm kiếm những người nghỉ hưu, họ là những người có trình độ cao nhưng không còn liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài, nếu có đãi ngộ tốt thì họ sẽ giúp đỡ Việt Nam. Kết nối thêm các doanh nghiệp có công nghệ cao để hợp tác mang tính chiến lược, cử chuyên gia từ Việt Nam sang nước ngoài học hỏi. Điều quan trọng là phải xây dựng được môi trường khoa học công nghệ trẻ cho các thế hệ còn ngồi trên ghế nhà trường. Xây dựng môi trường chưa đủ mà cần phải trang bị đầy đủ các các công cụ, máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc phát triển lĩnh vực này.

Đề xuất cho giai đoạn năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vật liệu một cách đồng bộ, hiệu quả. Gắn phát triển công nghiệp vật liệu với chiến lược phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tài chính, đất đai, khoa học và công nghệ, thương mại hoá, phát triển thị trường… thúc đẩy phát triển công nghiệp vật liệu theo hướng bền vững, hiệu quả.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI