Công nghiệp văn hóa bỏ sót mỏ vàng truyện tranh

04/07/2020 - 07:35

PNO - Với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, truyện tranh là ngành hái ra tiền. Còn tại Việt Nam, mỏ vàng ấy vẫn còn bỏ ngỏ.

Cơ hội của truyện tranh Việt

Sáu tháng đầu năm, Comicola - đơn vị sản xuất truyện tranh tại Việt Nam, nhận được nhiều lời mời về việc chuyển thể nội dung truyện tranh thành các sản phẩm webdrama, sitcom. Trong đó, Bad Luck - Số nhọ của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, hay Long thần tướng của nhóm Phong Dương Comics đang trong quá trình bàn bạc để thực hiện. 

Mới đây, POPS - nền tảng giải trí trực tuyến, ra mắt ứng dụng POPS Comic, tạo sân chơi kết nối giữa các tác giả truyện tranh và bạn đọc. Độc giả có thể theo dõi nhiều bộ truyện gây chú ý trong thời gian qua, hay một số bộ truyện được mua bản quyền từ nước ngoài. Hai bộ truyện mới ra mắt gồm Nhật ký sống sót của nữ phụ phản diện (tác giả Vân MC) và Anh trai tôi là khủng long (tác giả Châu Chặt Chém) cũng nhận được nhiều quan tâm của độc giả. 

Truyện tranh Việt hoàn toàn đủ tiềm năng để trở thành một trong những lĩnh vực hái ra tiền cho ngành công nghiệp văn hóa
Truyện tranh Việt hoàn toàn đủ tiềm năng để trở thành một trong những lĩnh vực hái ra tiền cho ngành công nghiệp văn hóa

Trong đợt dịch COVID-19, lượng bạn đọc Comi webtoon (nền tảng hoạt hình trực tuyến của Comicola) tăng hơn 50% so với trước. Theo Giám đốc Comicola Nguyễn Khánh Dương, thị trường truyện tranh nước ta đang là thị trường lý tưởng. Ngoài việc chưa có nhiều đơn vị trong nước cạnh tranh, lượng bạn đọc hiện tại khá tiềm năng. Trừ Comi webtoon, POPS Comic, nước ta vẫn thiếu các đơn vị truyện tranh trực tuyến hoạt động chuyên nghiệp, chính thống, khai thác các bộ truyện có bản quyền.

Trong khi đó, nhìn sang các nước, truyện tranh được phát triển thành kịch bản cho phim ảnh, hoạt hình, các trò giải trí, thậm chí thời trang. Tại Việt Nam, đang có dự án Thần đồng đất Việt được chuyển thể thành phim điện ảnh Trạng Tí - sẽ được ra mắt trong thời gian tới; song nhìn chung, truyện tranh vẫn đang tìm đường. 

Ta có đội ngũ họa sĩ truyện tranh có năng lực, được công nhận qua nhiều giải thưởng quốc tế, cũng không thiếu độc giả qua lượng truy cập liên tục mỗi khi bộ truyện mới ra mắt. Nhưng, nhiều năm qua, truyện tranh Việt vẫn chưa tìm được hướng đi để biến truyện tranh thành ngành công nghiệp tiềm năng, là vì thiếu hỗ trợ, phương pháp, hay chưa nhìn ra mỏ vàng lồ lộ ấy?

Mộng có còn xa?

Trang Vox có một bài phân tích về truyện tranh Nhật - ngành công nghiệp mang về hơn 19 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2002 đến 2017. Hành trình đưa truyện tranh Nhật Bản thống trị thế giới khá gian nan, nhưng nhờ chính sách đầu tư tổng lực về mọi mặt từ đào tạo, tài chính cho đến các điều luật nhằm bảo vệ sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, đã giúp Nhật thành công. 

“Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đề ra các hạn ngạch nhập khẩu sản phẩm truyện tranh, điện ảnh gắt gao. Tại Việt Nam, tôi không trông đợi sự đầu tư về mặt tài chính, chỉ mong nhận được sự hỗ trợ trong việc tránh tình trạng xâm lăng văn hóa từ các quốc gia khác” - Giám đốc Comicola cho hay.

Thời gian qua, hình thức gây quỹ cộng đồng để thực hiện các bộ truyện tranh thành công ngoài mong đợi. Chẳng hạn bộ truyện Long thần tướng, Bad Luck hay dự án Mật ngọt chết mèo, Tuyệt đỉnh sinh vật… Nếu dự án nào gây dựng được lòng tin về chất lượng, bạn đọc sẵn sàng chi tiền để dự án ra mắt. Do đó, bảo vệ thị trường truyện tranh trong nước trước sự “xâm lăng” của truyện tranh Hàn, Nhật, Trung Quốc quan trọng hơn cả yếu tố tài chính. 

 “Chúng ta phải thấy sự đầu tư cho truyện tranh là hướng đi hợp lý và chính xác. Từ truyện tranh, chúng ta có thể xem đây là nền tảng để sản xuất các sản phẩm giải trí khác như hoạt hình, phim ảnh, trò chơi… Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ đi theo hướng đó đã 30, 40 năm nay, và thành công. Còn chúng ta, lựa chọn nào cho truyện tranh Việt?”, anh Khánh Dương nói. 

Băn khoăn nét vẽ thuần Việt?

Khi tiếp xúc với các đơn vị truyện tranh nước ngoài, Hàn Quốc hay Trung Quốc, tôi thấy họ không cố gắng để tạo ra nét vẽ thuần Hàn hay Trung. Những tác phẩm xuất sắc nhất của Hàn lấy bối cảnh phương Tây, chuộng đề tài giả tưởng, quân chủ lập hiến, chuộng công chúa và hoàng tử… Nếu không nhìn tên tác giả, chúng tôi hoàn toàn không nhận ra đó là truyện tranh Hàn Quốc. Từ đó, tôi nghĩ để khẳng định sản phẩm này là của Việt Nam một cách trọn vẹn và tự hào, không hẳn phải vẽ nét vẽ thuần Việt, chỉ cần tên tác giả, đơn vị sản xuất là Việt Nam, thì ắt đó là truyện tranh của người Việt và cho độc giả Việt.

Nguyễn Khánh Dương - Giám đốc Comicola

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI