Cộng đồng người Hồi giáo tại TP.HCM: cuộc sống đã khởi sắc

13/06/2015 - 09:55

PNO - PN - Ôm phần quà trên tay, chị Saly Mah (dân tộc Chăm, tổ trưởng tổ phụ nữ KP.2, P.7, Q.6) vui vẻ cho biết: “Cộng đồng người Hồi giáo ở TP.HCM rất cần sân chơi và cơ hội giao lưu rộng rãi hơn. Vì vậy, khi được tham gia sinh hoạt ở...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Saly Mah cùng 29 chị em người đạo Hồi ở địa bàn Q.6 vừa nhận quà từ Hội LHPN TP.HCM vào sáng 10/6, nhân tháng Ramadan năm 2015 (năm 1436 Hồi lịch)…

Cong dong nguoi Hoi giao tai TP.HCM: cuoc song da khoi sac

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM trao quà cho hội viên phụ nữ người Chăm tại P.7 Q.6

VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH, THU NHẬP KHÁ

Tiếp đoàn Thường trực Hội LHPN TP.HCM đến thăm và tặng quà tại thánh đường Hồi giáo Jamiyah Islamic (52 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận), ông Mách Dares Samael - Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM chia sẻ: “Cộng đồng người Hồi giáo tại TP.HCM hiện có gần 8.000 người, trong đó, người Chăm chiếm 70%. Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống người Chăm theo đạo Hồi tại TP.HCM dần khấm khá lên do được tiếp cận nhiều mô hình kinh tế mới. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sự tươi mới trong đời sống cộng đồng Hồi giáo khi tham gia tích cực vào phong trào Hội LHPN. Nhiều chị em được vay vốn của Hội để làm ăn, ổn định kinh tế”.

Gần đây, người Hồi giáo trên địa bàn TP đã nắm bắt được cơ hội để tổ chức kinh doanh, sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho người Hồi giáo trong nước và xuất khẩu. Họ gia công trang phục, quần áo; sản xuất, mở các nhà hàng ăn uống phù hợp với các quy định của đạo Hồi, phục vụ du khách và các thương gia đến từ các quốc gia Hồi giáo. Qua đó, tạo được nhiều việc làm ổn định, thu nhập khá.

Dẫn đoàn đến thăm và chúc mừng cộng đồng người Hồi giáo nhân tháng Ramadan, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP phấn khởi chia sẻ: “Đáng mừng là cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi tham gia hoạt động Hội rất sôi nổi và tích cực, khiến Hội thêm đa sắc và thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Hiện tổng số hội viên phụ nữ dân tộc Chăm của TP.HCM là 977 người”.

TỰ TIN, HÒA ĐỒNG HƠN

Tại trụ sở UBND P.7, Q.6 sáng 10/6, 30 chị em với trang phục Chăm rôm rả trò chuyện. Các chị vui vẻ, tay bắt mặt mừng các cán bộ chính quyền.

Chị Y Thị Hoa (ngụ 1570/22b Võ Văn Kiệt, P.7, Q.6) bộc bạch: “Khi mới chuyển về đây ở, tôi khá rụt rè, ngại giao tiếp vì nghĩ rằng văn hóa dân tộc Chăm có nhiều khác biệt với dân tộc Kinh. Nhưng từ khi được tham gia sinh hoạt Hội, tôi nhận ra mình đã nghĩ chưa đúng. Vào Hội, mọi người đều bình đẳng, thân thiện, cởi mở, vui vẻ kết bạn. Các cán bộ Hội dễ mến, tích cực giúp đỡ người khác. Cũng nhờ vào Hội, thường xuyên đi hội họp ở ủy ban phường mà giờ chúng tôi quen biết và trở nên thân tình với các cán bộ chính quyền ở đây. Từ đó, gặp khó khăn gì chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất để chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ…”.

Chị Y Thị Hoa là một trong những hội viên Hội LHPN người Hồi giáo được Hội tạo điều kiện làm kinh tế. Chị kể: “Tôi độc thân, trước đây thường xuyên rơi vào cảnh thất nghiệp. Khi tham gia công tác Hội, tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng để mở sạp bán quần áo ở chợ Nhị Thiên Đường. Việc buôn bán dần hanh thông, giờ mỗi ngày doanh thu của sạp trên năm triệu đồng, mang lại thu nhập ổn định. Ngoài lo cho mình, tôi còn giúp được người thân”.

Ở P.7, Q.6, người có sự thay đổi rõ rệt nhất phải kể đến chị Saly Mah. Từ một người rụt rè, khi tham gia Hội, chị đã tự tin, hoạt bát thấy rõ. Đặc biệt, khi giữ vai trò tổ trưởng tổ phụ nữ KP.2, P.7, chị dần thể hiện được khả năng lãnh đạo và sức thu hút đối với quần chúng người Chăm. Chị cho biết: “Cộng đồng người Chăm có một số tập tục, thói quen sinh hoạt còn lạc hậu, cần thay đổi. Tôi đã vận động hầu hết chị em người Chăm tham gia các chương trình tập huấn, sinh hoạt văn hóa mà Hội tổ chức. Vì những chương trình này hấp dẫn, bổ ích nên hầu như chị em nào đã tham gia phong trào đều luôn có mặt trong những lần sau”.

Năm nay, tháng Ramadan diễn ra từ 18/6 đến 18/7. Thường trực Hội LHPN TP.HCM tổ chức hai đoàn thăm và tặng quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ Chăm theo đạo Hồi có hoàn cảnh khó khăn gồm 60 phần, mỗi phần quà trị giá 500.000đ (quà trị giá 300.000đ, tiền mặt 200.000đ). Đoàn cũng tặng một phần quà cho Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM.

Tại buổi trao quà cho phụ nữ người Chăm ở P.7, Q.6, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ: “Trong các hoạt động, Hội LHPN TP.HCM luôn quan tâm đến cộng đồng các dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, các tổ Hội người Chăm đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ đời sống hội viên, tạo được sự sôi nổi trong phong trào. Hội thành công là nhờ vào sự góp sức tích cực của các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ Hội. Nhân tháng Ramadan, xin được gửi lời chúc sức khỏe, an lành đến cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi”.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI