Con trả nghĩa cha mẹ như nước dưới đất văng lên

20/08/2021 - 15:20

PNO - Cha mẹ dốc cạn tiền của nuôi con. Mấy khi con hiếm hoi ngoái lại, báo đáp cha mẹ chút ít đã thấy công mình to tát.

Dì Hai bệnh, tôi vào bệnh viện thăm dì vừa đúng lúc anh Dũng - con trai lớn của dì - cũng vừa từ thành phố về.

Vừa bước vào phòng, anh Dũng đã lớn tiếng: “Má bệnh gì mà bệnh hoài vậy. Công chuyện lút đầu, mà con phải bỏ đó để đi hơn 100 cây số về đây”.

Dì Hai bối rối như người có lỗi: “Thì má cũng đâu có muốn. Tại già nó vậy mà con. Bận quá thì con điện hỏi thăm được rồi, về chi”. Anh Dũng vẫn chưa nguôi bực dọc: “Không về để thiên hạ chửi con bất hiếu à”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi bực thay dì Hai vì thái độ của anh Dũng nhưng không muốn cãi cọ với anh trước mặt dì, tôi đành im lặng.

Anh Dũng lấy ra xấp tiền, giọng kẻ cả: “Tiền đây, má lấy đóng viện phí. Xài vừa thôi, con không phải cái thùng ATM rút hoài không hết”.

Tôi cảm giác dì Hai cầm cục tiền như cục đá, trĩu nặng. Dì rưng rưng. Chắc không phải cảm động vì được anh Dũng cho tiền, mà vì nỗi tủi nhục không thể thốt thành lời…

Tôi đuổi theo anh Dũng ngoài hành lang, cố nhỏ giọng rằng anh nhớ hồi đi học, dì dượng phải bán mấy công ruộng để anh đóng học phí. Lúc anh cưới vợ, để anh nở mặt nở mài với nhà gái, dì Hai bấm bụng vay 5 cây vàng. Nợ đó gần chục năm dì mới trả hết. Dượng Hai đau ốm, nếu có tiền chữa trị tới chốn, có lẽ dượng đã không mất sớm. Anh Út vì không có tiền đi học xa, chấp nhận học cao đẳng gần nhà… Những chuyện đó, sao anh Dũng chóng quên. Giờ lo dì Hai có chút xíu, anh nỡ kể công?

Anh Dũng hơi sựng lại khi nghe tôi kể tội. Ngập ngừng một lát, anh chống chế: “Anh học giỏi, ba má lo cho anh là phải, chẳng lẽ lo cho thằng Út? Nó học dở thì vô cao đẳng là phải rồi. Cha mẹ người ta giàu, mua nhà sắm xe cho con. Số anh không ra gì, phải tự thân tích góp, còn gánh món nợ vô thời hạn ở quê…”.

Nói tới đó, anh Dũng bỏ đi. Tôi uất ức nhìn anh hối hả ra cổng bệnh viện. Lúc quay lại, dì Hai đứng sau lưng tôi hồi nào không hay. Nước mắt dì lã chã rơi.

Dì phân trần với tôi, anh Dũng bực vì cho rằng anh gửi về bao nhiêu tiền dì cũng cho thằng Út. Cảnh nhà thiếu hụt, dượng Hai ra đi trong nghèo khó khiến anh Út nổi loạn. Năm lớp 10, anh tụ tập với bạn xấu, cúp học, đánh lộn nên phải học đúp một năm. May, anh Út biết sửa sai, thi đậu vào cao đẳng.

Với anh Dũng, gia đình là gánh nặng. Anh Út là đứa em ngỗ ngược không đáng quan tâm… Nhưng cảnh nhà ra nông nổi này, anh Dũng cũng có phần trách nhiệm.

Dì Hai vuốt vuốt xấp tiền khi nãy anh Dũng cho, để vào túi áo, gài kim băng cẩn thận. Dì thở dài: “Giờ dì không làm gì ra tiền, nên nó muốn nói gì thì nói, dì không dám cãi, sợ nó giận. Thằng Út còn một năm nữa mới ra trường…”. Nỗi niềm của dì Hai khiến tôi nhói lòng.

Cha mẹ dốc cạn tiền của nuôi con. Con đủ lông đủ cánh bay đi, quên sạch công lao cha mẹ. Mấy khi hiếm hoi ngoái lại, báo đáp cho cha mẹ chút ít đã thấy công mình to tát. Tôi nghĩ hoài câu nói “cha mẹ nuôi con như mưa trên trời rơi xuống. Con trả nghĩa cha mẹ như nước dưới đất văng lên”. Mà, giọt nước văng lên thường nhẹ hều, đôi khi lại lấm bẩn. Thật xót xa.

Nguyễn Minh Trang

 

  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI