Con gái giàu không sắm vàng cho mẹ

30/09/2020 - 12:08

PNO - Dì út lôi tuột tôi vào buồng, cố kìm nhỏ giọng: “Mày hay quá ha, để bà già trụi lủi không có miếng vàng đeo. Người ta cười thúi đầu”.

Dì út cưới dâu, tôi về quê cùng má đi dự đám cưới. Má mặc chiếc áo dài thêu 3D tôi mới sắm. Bóp cầm tay, cả đôi giày má mang cũng thuộc loại… sang chảnh do tôi chọn lựa.

Họ hàng lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi han rối rít. Không hiểu sao tôi nhận ra má ngượng ngập, không được tự nhiên. Dì út lôi tuột tôi vào buồng, cố kìm nhỏ giọng: “Mày hay quá ha, để bà già trụi lủi không có miếng vàng đeo. Người ta cười thúi đầu”.

Tôi ngơ ngác, phân bua: “Hằng tháng con cho má bảy triệu đồng, má đâu có xài gì, sao má không tự mua?”. Dì út bực: “Mày biết tính bả, cả đời chỉ biết dành dụm. Tiền đó để bả trăm tuổi, cũng cho lại chị em bây chớ đâu. Làm gì bả dám bỏ ra sắm vàng hả con?”. Nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, dì út giảng giải: “Ở quê ai nhà cao cửa rộng gì không biết, ra đường là phải có vàng đeo coi mới được con ơi”…

Tôi nhớ có lần má rụt rè nói muốn sắm sợi dây chuyền. Tôi gạt phắt. Thời buổi này đeo vàng quê một cục, còn làm mồi cho tụi cướp. Vừa mất của vừa bị thương. Giờ người ta chỉ đeo đồ giả, vừa sang vừa đẹp.

Tôi mua cho má một lô mấy sợi dây đeo cổ bằng đá, có thứ bằng ngọc trai. Có đủ bộ từ vòng tay tới đôi bông, dây chuyền. Má ngại ngần: “Ở quê chẳng thấy ai đeo mấy thứ này”. Tôi cười xòa: “Tại người ta không biết. Má đeo đi, thiên hạ thấy đẹp là bắt chước liền”.

Con cái biếu cha mẹ tiền bạc nhưng chưa chắc đã biết điều mẹ mong mỏi. Ảnh minh họa.
Con cái biếu cha mẹ tiền bạc nhưng chưa chắc đã biết điều mẹ mong mỏi. Ảnh minh họa.

Cả đời má làm lụng không sắm nổi phân vàng nào. Từ ngày ba mất, má chật vật nuôi mấy chị em tôi lớn khôn. Năm tôi vào đại học, má cắn răng mang đôi bông cưới đi bán để tôi có tiền đóng học phí. Cầm tiền má đưa, tôi quay đi giấu hai hàng nước mắt. Tự nhủ với lòng, đi làm có tiền, tôi sẽ sắm đôi bông mới cho má, sắm dây chuyền, vòng tay cho má được mãn nguyện tuổi già…

Đi làm hơn chục năm, tôi và thằng út mới dành dụm đủ tiền xây lại căn nhà khang trang cho má. Sữa và thuốc bổ má uống do tôi mua. Má đau, tôi đưa về Sài Gòn khám bệnh. Tôi đinh ninh má chẳng thiếu thứ gì. Giờ mới biết, thứ má tha thiết muốn có, tôi lại không cho. Nghĩ câu dì út nói: “Có chút vàng phòng thân, với người già, không phải khoe của, chỉ là cho mình cảm giác an toàn”, bỗng rưng rưng thương má.

Bạn tôi kể rằng, lúc chị mua được nhà mới, má chị ở quê bán ruộng vườn lên ở cùng. Cả ngày mẹ già ra vào, thở dài buồn bã. Má chị nhớ lối xóm, nhớ mảnh vườn, bờ ao, chuồng gà. Chị gạt phắt, có mấy ai tuổi già thong dong như má. Dì năm, cô bảy còn đi phụ quán, giữ cháu lu bù. Bữa, má chị mua về hòn non bộ nhỏ xíu, có mấy con cá bảy màu bơi tung tăng. Cả ngày má chị lọ mọ thay nước, cho cá ăn. Chị càu nhàu, má làm chuyện ruồi bu. Loay hoay xách nước rồi té, rồi cụp lưng…

Chị vừa về tới, má lẹ lẹ rời khỏi góc quê, ngồi yên ổn trước ti vi cho chị yên lòng. Chị vừa bực vừa thương. Bữa, chị bắt gặp má cho cá ăn, ánh mắt da diết thương yêu, mặt giãn hẳn ra.

Chị rưng rưng nước mắt. Chị kết rằng, điều cha mẹ cần, đối với tụi mình luôn vớ vẩn. Nhưng với cha mẹ ý muốn luôn gắn liền với mong mỏi thiết tha, hay ký ức ngọt ngào nào đó mà lớp trẻ không thể hiểu. Làm con, không phải chỉ cho cha mẹ thứ mình có, mà phải là thứ cha mẹ cần.

Tôi lại không biết má mình cần gì, thật tệ. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI