Có phải chị dâu “thay lòng đổi dạ” sau khi chồng mất?

11/03/2023 - 19:00

PNO - Với chị dâu, em nên xác định rằng mình không có quyền bắt chị ở vậy suốt đời. Chị dâu có thể bước tiếp, việc nuôi dạy 2 con là trách nhiệm của chị

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Gia đình em chỉ có 2 anh em, anh trai em đã lấy vợ, em 36 tuổi vẫn độc thân. Em sống chung với gia đình anh chị. Ba má em lớn tuổi đã về quê dưỡng già, để nhà cho 2 anh em ở.

Vì sống chung nên em biết anh trai và chị dâu vốn không hạnh phúc. Chị dâu thường chê chồng chỉ là nhân viên làng nhàng, không có thu nhập cao.

Năm ngoái, anh trai em mất do bệnh, để lại 2 đứa con đang đi học và vợ không có việc làm. Cuộc sống khó khăn, nhà chỉ toàn đàn bà con nít, em cố gắng lắm mới xin được cho chị dâu vô làm nhân viên tạp vụ ở siêu thị em làm việc. Công việc tạp vụ vất vả, đối với người trước nay quen ở nhà chồng nuôi như chị dâu em, rất khó chấp nhận.

Sau 2 tháng đi làm, chị xin nghỉ, nói là đã tìm được việc bán hàng ở nơi khác. Đi làm ở chỗ mới chưa được mấy bữa, em đã thấy chị thay đổi, chưng diện hơn, khoe quen biết người này người khác trong chỗ làm và nhiều người hứa hẹn giúp đỡ. Em có nói với chị rằng ở đời, đâu ai cho không ai cái gì. Chị giận, nói em sao nghi ngờ; chị chỉ muốn đi làm kiếm tiền nuôi con, lo cho con ăn học.

Em không biết chị lo cho con kiểu gì mà 2 đứa cháu em đi học, bữa thì xe ôm đón, bữa thì em đón, lâu lâu chị mới đón. Mấy mẹ con thường xuyên ăn cơm hộp.

Thật lòng em thấy chị dâu dù đã 2 con nhưng vẫn đẹp, em phải kêu bằng chị do vai vế chứ chị ít tuổi hơn em; nhất là khi chị đi làm, ăn mặc chải chuốt, nhìn chị rất trẻ, chắc chắn nhiều người để ý.

Em không ghen hay ngăn cản, nhưng thương 2 cháu mình đã mất cha, nay có khi sắp mất cả mẹ. Em chưa dám nói chuyện này với ba má em vì ba má em vẫn đang rất đau lòng vì cái chết của con trai, nhưng nhìn chị dâu mỗi ngày đi làm, em đều lo lắng. Em phải nói chuyện sao đây?

Hồ Hoa (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Hồ Hoa thân mến, 

Chuyện nhà em là chuyện phải có giải pháp lâu dài, không chỉ là khó khăn trong một lúc. Em nghĩ kỹ xem trong nhà, ngoài em, còn ai có thể chia sẻ, đảm đương cùng, ví dụ ba má em.

2 con của anh trai em còn nhỏ, còn phải lo cho các cháu ăn học khôn lớn. Ông bà nội chắc chắn nghĩ rất nhiều về 2 cháu. Em cứ nói chuyện với ba má. Có việc để quán xuyến, chăm lo, có mục tiêu để cố gắng, ba má có thể khuây khỏa bớt chuyện đau buồn. Ba má giàu kinh nghiệm sống sẽ biết cách thu xếp tương lai cho con cháu mình. 

Với chị dâu, em nên xác định rằng mình không có quyền bắt chị ở vậy suốt đời. Chị dâu có thể bước tiếp, việc nuôi dạy 2 con là trách nhiệm của chị, nhưng nếu dồn trách nhiệm đó lên một mình chị trong khi chị không đủ khả năng thì 2 cháu của em chịu khổ. Thành thử, giúp đỡ chị hay chia sẻ bớt việc nuôi dạy 2 cháu là việc gia đình em nên làm.

Nếu em nghĩ thông suốt được chỗ này, hãy trò chuyện với chị dâu theo cách đó. Chị ấy hiểu tấm lòng, suy nghĩ của em thì sẽ bớt đề phòng, sẽ học hỏi em kinh nghiệm đi làm, có chuyện gì cũng sẽ tâm sự cùng em.

Lúc này, chị mới có việc làm, có thể có những thay đổi khiến em không bằng lòng nhưng đừng phê phán, chỉ trích nặng lời. Chị ấy tìm được việc làm đã là một sự cố gắng, nên thông cảm và trân trọng cố gắng đó. 

Việc nhà, việc đưa đón 2 cháu, em và chị cần cùng nhau thỏa thuận, lên lịch rõ ràng. Đó cũng là cách giúp chị dâu của em quen với việc quản lý thời gian, sắp xếp công việc.

Những chuyện bất hòa của anh và chị trong quá khứ, nếu có, em cũng nên để chúng trôi qua. Em nên quan tâm đến 2 cháu nhiều hơn. 2 đứa trẻ chính là sợi dây thắt chặt tình thân trong gia đình hiện tại, là chiếc neo đối với cuộc đời của chị dâu. Mong em khéo thu xếp việc nhà để mọi người đều vượt qua được thử thách này.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Thu Phương (Quận Tân Phú, TPHCM): Bạn thực sự không có quyền trong việc này

Ban đầu, tôi cứ tưởng mọi sự rắc rối nhưng nghĩ lại thì thấy rất bình thường. Có lẽ bạn nghĩ ngợi quá nhiều, lại thêm một chút ích kỷ. Thực ra, chị dâu bạn có toàn quyền quyết định với gia đình nhỏ của chị ấy. Có lẽ bạn đang quá lo lắng cho tương lai các cháu của bạn.

Cứ hình dung thế này, bạn sẽ thông cảm với chị dâu hơn. Nếu như bạn ở riêng, chỉ có 3 mẹ con chị ấy sống với nhau, việc một người mẹ đơn thân phải nuôi 2 con nhỏ là vô cùng vất vả nên xe ôm đón cháu hay chị dâu về muộn cũng là điều rất bình thường. Có thể bạn chưa làm mẹ nên chưa thấu được hết sự khó khăn của việc đón đưa con. Rất khó để chu toàn tất cả trong hoàn cảnh này.

Nếu bạn thương cháu, hãy cố gắng thu xếp cùng chị dâu lúc này. Bạn có thể chia sẻ cùng chị ấy việc đón đưa 1 cháu bé, hỗ trợ tài chính trong khả năng. Riêng chuyện tình cảm của chị ấy, bạn và cả cha mẹ bạn chỉ có thể góp ý chứ không thể can thiệp. 

Thanh Mến (Quận 10, TPHCM): Nên giúp đỡ thay vì xét nét 

Nhà bạn cũng neo người như nhà tôi nên khi có việc gì xảy ra, rất khó tìm kiếm sự trợ giúp. Thế nên, hơn ai hết, cả nhà bạn cần cùng nhau cố gắng hỗ trợ chị dâu bạn vượt qua những ngày tháng này. Giữa Sài Gòn, một mình nuôi con thực sự nhọc nhằn, đặc biệt với những người từ trước giờ chưa từng đi làm như chị dâu bạn. 

Bạn tôi vừa trải qua những ngày như thế: cũng mất chồng đột ngột, loay hoay một thời gian dài. Vậy nhưng bạn tôi còn vất vả hơn bạn bởi đang ở nhà thuê. Sau khi cân nhắc, bạn tôi đem con về nhà cha mẹ chồng gửi. Ở quê, chi phí rẻ hơn ở thành phố nhiều, chưa kể ông bà nội còn trẻ có thể phụ giúp được.

Bạn rất thương con nhưng vì tương lai các con, bạn đành cố gắng. Quay lại Sài Gòn, bạn dọn về nhà cô em họ ở chung để giảm bớt chi phí. Tiếp đến, bạn tìm việc. Ngoài ra, sau giờ làm việc, bạn còn tranh thủ bán hàng online… Sau hơn 2 năm, mọi thứ tạm ổn, bạn về quê đón con vào Sài Gòn…

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI