Chuyện sinh tử ở xã Sơn Lôi trong 20 ngày cách ly

06/03/2020 - 08:10

PNO - “Nửa đêm, một sản phụ trở dạ, đã mở mấy phân, tình hình rất gấp. Yêu cầu nghiêm ngặt thời kỳ cách ly là phải có giấy xác nhận của ủy ban xã, xác nhận của trạm y tế cấp cơ sở. Trong lúc cấp bách đó, chúng tôi phải xử lý thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy trình” - bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, kể.

Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Lôi
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Lôi

Đi đẻ thời COVID-19

Gần một ngày sau lệnh xóa cách ly tạm thời tại xã Sơn Lôi, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm phó Trạm Y tế xã Sơn Lôi vẫn trực cơ quan. Cứ nghĩ, đã “xóa cách ly” thì mọi việc sẽ trở lại như những ngày bình thường, nhưng ở đây, công việc còn bộn bề hơn những ngày chống dịch COVID-19.

Sáng sớm 4/3, một đoàn gồm 20 công nhân đến cùng lúc để xin giấy xác nhận tình trạng sức khỏe. Đây là yêu cầu bắt buộc của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Phúc, cũng là yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Đối tượng đến khám vẫn phải thực hiện các quy định bắt buộc: đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng… Bác sĩ của trạm y tế xã, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên vẫn túc trực, khám, đo thân nhiệt, hơi thở… của người dân. Khi đã hoàn tất, các thông số được ghi vào mẫu xác nhận do Trung tâm Y tế huyện ban hành. Hết đoàn 20 người, lại đến một đoàn khác chừng hơn chục công nhân, chủ yếu là người dân xã Sơn Lôi.

Chị Nguyễn Thị Hương - phụ trách nhân sự của một công ty Hàn Quốc đóng ở huyện Bình Xuyên - thông tin: theo yêu cầu của công ty, công nhân trở lại làm việc phải có giấy xác nhận tình trạng sức khỏe. Công ty của chị có hơn 200 công nhân thì có 20 người - phần đông là nữ - là người dân xã Sơn Lôi.

“Cẩn trọng không bao giờ thừa. Dù đã được xóa lệnh cách ly tạm thời, nhưng vẫn phải thường xuyên giám sát. Người lao động ai cũng muốn sớm trở lại đi làm, nhưng việc phòng chống dịch bệnh quan trọng hơn” - chị Hương nói. Khoảng 10g sáng, trời đổ mưa to. Lượt người đến xin giấy xác nhận tình trạng sức khỏe thưa hơn. Đến lúc đó, bác sĩ Hương mới có khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho riêng mình.

 “Nhà em ở ngoài thị trấn Hương Canh, bình thường vẫn sáng đi tối về. Nhưng kể từ khi Sơn Lôi nhận lệnh cách ly, em cũng thuộc diện phải cách ly từ đó đến nay. Đến bây giờ là 21 ngày, em chưa về nhà với chồng, với con” - nữ bác sĩ 12 năm làm nghề, trong đó 7 năm trở lại đây gắn bó với Trạm Y tế xã Sơn Lôi, tâm sự.

Trạm Y tế xã Sơn Lôi có tám cán bộ, nhân viên, trong đó có một người nghỉ thai sản, còn lại bảy người, cùng với lực lượng y bác sĩ được điều động về trong chiến dịch chống dịch, đã gồng mình phụ trách việc theo dõi tình hình sức khỏe của hơn 11.000 dân. Trong thời gian cách ly, chị Hương nghỉ tại trạm xá. Có những đêm, dù không phải ca trực, chị vẫn phải thức dậy năm lần vì những trường hợp “bất khả kháng”.

Trong 20 ngày xã Sơn Lôi bị cách ly, có hơn 10 trường hợp sản phụ đến xin thủ tục để đi đẻ hoặc đi khám thai định kỳ. Theo quy định nghiêm ngặt của Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh Vĩnh Phúc, người dân vùng dịch không được phép ra bên ngoài nếu không có việc tối quan trọng và người bên ngoài cũng không được vào xã. Để được ra ngoài, UBND xã phải xác nhận nhân thân, đưa thẻ có đánh số để theo dõi; trạm xá xác nhận không có dấu hiệu thân nhiệt cao, sau đó báo cáo lên ban chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh, bên trên chỉ đạo xuống, lực lượng chốt giữ các lối ra vào xã mới cho phép ra ngoài sau khi khử khuẩn, đo thân nhiệt.

Bác sĩ Hương nhớ lại, một đêm khoảng cuối tháng Hai, một người đàn ông chạy vào trạm xá, nói không ra hơi, báo vợ sắp sinh. “Khi sản phụ đến, tử cung đã mở khoảng 3 phân rồi. Chúng em vội liên hệ với bệnh viện tuyến huyện, người lo thủ tục giấy tờ, người lo khám, kiểm tra thân nhiệt… Tại xã, cấp trên bố trí hai chiếc xe cứu thương, gồm một xe chuyên dụng chở những người có dấu hiệu nghi dương tính với vi-rút, một xe khác dành cho các trường hợp đi cấp cứu, trở dạ. Sản phụ này được đưa lên xe cứu thương, nhanh chóng tới bệnh viện. Sau đó, chúng em hồi hộp cho đến lúc nhận tin gia đình báo về, rằng chị ấy đã mẹ tròn con vuông” - bác sĩ Hương kể, mắt ánh lên đầy hạnh phúc.

Ngoài những trường hợp đi đẻ, Trạm Y tế xã Sơn Lôi cũng thực hiện các thủ tục để chuyển gần 50 trường hợp cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên, là những trường hợp mà trạm không đủ chuyên môn, dụng cụ, thiết bị y tế để xử lý. “Nhiều kỷ niệm lắm, chắc em sẽ nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề của mình” - nụ cười của chị làm sáng bừng gương mặt bị thâm quầng ở hai mắt.

Đám tang ở vùng dịch

Ông Nguyễn Như Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lôi - thông tin, khi có lệnh cách ly, yêu cầu chung là hạn chế tối đa việc tụ tập đông người để hạn chế cơ hội lây nhiễm của vi-rút. Mọi hoạt động hội làng, giỗ tổ dòng họ cũng phải dừng lại. Trong xã có bốn đám cưới đã lên lịch từ trước tết, xã cũng đến từng nhà vận động lùi ngày tổ chức, đợi cho đợt dịch chấm dứt.

Chuyện cưới xin thì có thể dừng được, nhưng chuyện ma chay thì không thể dừng. Từ ngày 12/2 - lúc bắt đầu cách ly - đến 0g ngày 4/3, tại xã Sơn Lôi có năm đám tang. Trước khi có lệnh xóa cách ly, có ngày, xã có ba người mất. “Chúng tôi lo lắm. Nhưng kiểm tra thì người mất đều cao tuổi hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, bị “bệnh viện trả về”, không có biểu hiện nghi ngờ liên quan tới dịch bệnh. Thế nhưng, vẫn phải đảm bảo đúng quy định phòng dịch” - ông Tâm nói.

Ông Tâm kể, khi đó, ban chỉ đạo chống dịch của xã tới các gia đình, hướng dẫn vệ sinh nơi tổ chức đám tang, cung cấp khẩu trang, thuốc diệt khuẩn cho những người đến viếng. Một điều nữa là vận động bà con không tổ chức cỗ bàn. Bà con đều tuân thủ, chỉ sắp vài mâm cơm để mời họ hàng thân thích. Hơn nữa, tinh thần tự giác của người dân cũng cao, dù gia chủ có sắp cỗ giữ lại ăn, cũng không ai ở lại.

Đối với những đám tang trong mùa dịch, tỉnh chủ trương hỗ trợ kinh phí để gia đình đưa người thân đi hỏa táng. Đơn vị y tế lo thủ tục, giấy tờ cho những người đi theo đám tang, nhưng cũng chỉ cho vài người đến nơi hỏa táng và mặc đồ bảo hộ phòng dịch kín mít như cán bộ đi chống dịch. 

Liên quan đến đám tang mùa dịch, nữ bác sĩ Thu Hương kể, lúc đó, bệnh viện tuyến trên điện thoại, đề nghị xác nhận ông A. có phải là người dân xã Sơn Lôi hay không, nhà ở xóm nào, là con của ai… Lúc đó, người thân của họ đang hấp hối ở bệnh viện, nhưng mọi việc vẫn phải tuân thủ theo đúng quy trình.
***
Chị Hương có hai con, một cháu 4 tuổi, một cháu 8 tuổi. Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), cô con gái viết thư cho mẹ, nhờ bố chụp điện thoại gửi qua Facebook để chúc mừng mẹ mình. “Em xúc động lắm. Ngày của mình, nhưng đúng trong giai đoạn cả tỉnh căng mình chống dịch, mình là một phần nhỏ bé trong đó, thấy hạnh phúc, thiêng liêng vô cùng”.

Chị Hương bảo, chiều nay, chị sẽ về nhà sau 21 ngày xa nhà. Nhưng dù nhớ con lắm, chị vẫn chưa gặp con ngay được mà phải vệ sinh nhà cửa, vệ sinh khử trùng cho mình rồi mới nhờ chồng đón con từ nhà bà ngoại về. “Chồng em bảo muốn làm mâm cơm thịnh soạn đón vợ trở về, mời bố mẹ tới dự nhưng em bảo để lùi đến cuối tuần, cũng là ngày 8/3, để có thêm thời gian đảm bảo an toàn cho mọi người” - chị kể. 

Thu Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI