Chuyện những người đi khắp nơi truyền cảm hứng về kỹ năng sống an toàn

03/09/2022 - 06:09

PNO - Đó là thông điệp đang được nhiều người hùng thầm lặng truyền đến cộng đồng thông qua những hành động thiết thực. Họ đã làm việc không mệt mỏi để giúp cộng đồng cách chuẩn bị ứng phó, vượt qua động đất, bão tố, sóng thần, tai nạn…

Những người hùng thầm lặng 

Cơ hội sống sót qua các thảm họa luôn tỷ lệ thuận với sự chuẩn bị phù hợp. Giáo dục về sự an toàn là chủ đề quan trọng đối với mọi quốc gia. Song song đó, có những tấm gương đang cố gắng giúp mọi người ý thức rằng an toàn chỉ được bảo đảm thông qua sự tuyên truyền, giáo dục.

Thôi thúc từ những gì đã chứng kiến do các cơn bão, trận lũ cùng những thảm họa môi trường khác gây ra trên quê hương Thái Lan, ông Boonpeng In-Kaew dành cả cuộc đời cho nhiệm vụ bảo vệ người xung quanh. Bây giờ đã ở tuổi 70, Boonpeng vẫn miệt mài trang bị cho mọi người kiến thức để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ông có niềm tin mạnh mẽ rằng ai cũng xứng đáng có cơ hội sống sót sau thảm họa, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương nhất là trẻ em và người già. Bằng cách tập trung hết tâm sức cho công việc này, Boonpeng đã trở thành trụ cột của cộng đồng và là nguồn cảm hứng cho đất nước.

Ông Boonpeng In-Kaew (áo vàng) tập trung cả đời vào công cuộc giáo dục mọi người về giảm thiểu rủi ro trước thiên tai như mưa bão và lũ lụt tại Thái Lan - ẢNH: NATIONAL GEOGRAPHIC
Ông Boonpeng In-Kaew (áo vàng) tập trung cả đời vào công cuộc giáo dục mọi người về giảm thiểu rủi ro trước thiên tai như mưa bão và lũ lụt tại Thái Lan - Ảnh: National Geographic 

Bão Haiyan năm 2013 là thảm họa thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của Jesyl và Danica, hai chị em sống ở hòn đảo Zumaragga, thuộc tỉnh Samar (Philippines). Ở thời điểm đó, họ đang là những đứa trẻ và đã chứng kiến mất mát xảy ra trên một khu vực dân cư không được phòng bị trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Từ đây, hai chị em bắt đầu sáng lập và lãnh đạo Nhóm ứng cứu khẩn cấp và giám sát học đường (SWERT) trong thời gian còn đi học. Hiện SWERT đang đào tạo kỹ năng và khả năng lập kế hoạch cần thiết để sống sót sau thảm họa cho các sinh viên trên toàn quốc.

Hotlin Ompusunggu là một nha sĩ người Indonesia. Năm 2005, cô tổ chức một đội y tế hỗ trợ các nạn nhân sóng thần ở Aceh. Cách tiếp cận của Hotlin là tạo mối quan hệ thân thiết với những người đã mất tất cả và giúp họ biết được những ích lợi của giáo dục phòng bị. Sứ mệnh của cô là truyền bá nhận thức về an toàn cho những đồng bào Indonesia của mình.

Cô còn tiến thêm một bước trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe con người và môi trường thông qua Tổ chức Alam Sehat Lestari (ASRI) của mình tại vùng Tây Kalimantan. Không chỉ con người, ASRI bảo vệ cả đười ươi. Cô thực hiện điều đó bằng cách cung cấp cho các làng mạc biện pháp chăm sóc sức khỏe để đổi lấy việc chấm dứt các hoạt động khai thác gỗ có hại cho môi trường.

Sẵn sàng hành động khi cần

Từ một nhà thám hiểm đại dương, núi, hang động và sa mạc, những chuyến đi của Albert Lin (người Mỹ) đã khiến anh nhận thức sâu sắc về sức mạnh tuyệt đối của thiên nhiên. Đồng thời anh hiểu rằng con người sẽ bất lực như thế nào nếu không đủ hiểu biết để bảo vệ mình khỏi thiên tai. Anh đã sử dụng nền tảng của một nhà thám hiểm cho mục tiêu truyền cảm hứng cho mọi người để biến thế giới thành nơi ngày càng an toàn hơn.

Prasenjeet Yadav là nhà sinh thái học phân tử và nhiếp ảnh gia người Ấn Độ. Anh dùng khả năng kể chuyện bằng hình ảnh giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai cộng đồng khoa học và phi khoa học. Lớn lên trong một trang trại, Prasenjeet luôn tìm cách giúp người khác hiểu rõ hơn về thiên nhiên và khám phá niềm đam mê bảo tồn và sinh thái.

Theo Prasenjeet, thảm họa ập đến không bao giờ báo trước và đó chính là lý do sự phòng bị và giáo dục an toàn có giá trị to lớn. Nhận ra kiến ​​thức về đào tạo sơ cấp cứu có thể giúp mọi người sống sót sau tai nạn và các rủi ro khác, Prasenjeet đã làm việc ngày đêm để huấn luyện cộng đồng về sơ cứu.

Theo anh, không chỉ là biết cách sử dụng các dụng cụ y tế, sơ cứu là chuẩn bị tư duy để ứng phó với mọi thứ sẽ diễn ra không như ý muốn. Do đó, điều quan trọng nhất trong sơ cấp cứu là không hoảng sợ mà phải giải quyết các vấn đề trong tầm tay. 

Những con người được đề cập trên đều có chung một niềm tin rằng nhiều sinh mạng đã mất đi một cách rất vô lý do bất cẩn. Bằng hành động và suy nghĩ độc đáo, họ nhắc nhở những người còn lại rằng an toàn không phải chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn là trách nhiệm làm cho thế giới an toàn hơn. Trong đó, không thể thiếu việc giáo dục tất cả các cộng đồng dân cư nhận thức rõ hơn về thảm họa, ý thức đúng đắn hơn về môi trường và chuẩn bị để có thể hành động ngay lập tức khi cần.

Nhà báo Carlo Coloma - người đã phỏng vấn các nhân vật trên - nói rằng càng có nhiều người trong xã hội cùng hành động, đồng nghĩa với nhiều mạng sống có thể được bảo toàn. Tất cả chúng ta cần nhớ rằng tự giáo dục về những phương cách bảo vệ bản thân là điều hết sức cần thiết. Nếu dành thời gian để làm điều này cho chính mình thôi, chúng ta đã có thể trở thành anh hùng cho cộng đồng. 

Nam Anh (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI