Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Kinh tế tư nhân đang đi chệch hướng

13/05/2017 - 19:12

PNO - Xét về vai trò, xuyên suốt từ thời mở cửa tới giờ này, doanh nghiệp (DN) nhà nước vẫn chiếm các vị trí cốt yếu và có tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế về khối lượng.

Nhưng nếu xét về giá trị gia tăng, số việc làm mới tạo ra và hiệu quả trên đồng vốn, trừ một số DN nhà nước có vị thế độc quyền như viễn thông, dầu khí… thì rõ ràng kinh tế tư nhân càng ngày càng thể hiện sự hiệu quả hơn. Nó góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế hiện nay, cũng như tạo ra được nhiều việc làm.

Chuyen gia kinh te Dinh The Hien: Kinh te tu nhan dang di chech huong
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển. Ảnh: FLC.

Đang có nhận định chưa ổn khi cho rằng thành công của kinh tế tư nhân là các tập đoàn lớn. Không có cách nào khác, nếu đã gọi là kinh tế thị trường, thì kinh tế tư nhân là chính yếu. Kinh tế tư nhân được hiểu là những DN năng động, sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh dựa trên một hệ thống pháp luật hoàn thiện.

Hệ thống pháp luật đó phải đủ sức bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, chống lại nạn hàng gian, hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với một môi trường như vậy, các công ty tư nhân mới có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Và, DN nhà nước chỉ còn nên tồn tại nhằm phục vụ công ích chung cho nền kinh tế.

Khó khăn của kinh tế tư nhân hiện nay là phát triển chưa đúng hướng. Kinh tế tư nhân chưa được định hướng đúng từ Chính phủ. Cụ thể, trong 10 năm vừa qua, đang có xu thế thay dần những DN nhà nước lớn thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Điều này chẳng khác nào tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Đừng ảo tưởng sẽ thành công theo cách này như Hàn Quốc. Chúng ta đang sai. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế lớn mà thành công như Hàn Quốc rất ít.

Theo xu thế hiện nay trên thế giới, DN hội đủ sự năng động, sáng tạo chính là DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới, vai trò của DN vừa và nhỏ sẽ quyết định các giá trị, điển hình như tại Đài Loan, Singapore.

Ưu điểm của DN vừa và nhỏ so với tập đoàn kinh tế lớn là không đòi hỏi vốn quá lớn, ứng dụng tốt công nghệ và thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu phát triển sản phẩm. Ngoài ra, DN vừa và nhỏ hiệu quả hơn tập đoàn kinh tế lớn khi xét giữa yếu tố tài nguyên và vốn.

Cứ thử đặt vấn đề, DN lớn với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm? Trong khi đó, DN vừa và nhỏ chỉ cần 5-7 tỷ đồng, có thể tạo thu hút một lượng lao động lớn. Đó là chưa kể giá trị hàng hóa, sản phẩm tạo ra. Chúng ta đang cần phát huy những ưu điểm này.

Trong lúc đất nước còn nghèo, các DN vừa và nhỏ sẽ phát huy ưu thế tạo ra nhiều việc làm, người dân có thu nhập và tiêu dùng hợp lý. Điều đó dẫn đến hiệu ứng quan trọng là tăng nhu cầu nội địa và phát triển kinh tế nội địa. Hơn nữa, với sự kết nối toàn cầu về công nghệ, dịch vụ như hiện nay, DN vừa và nhỏ sẽ không cần đầu tư từ A đến Z như DN lớn.

Điều quan trọng là Nhà nước tạo ra chính sách, hành lang pháp lý và tín dụng phù hợp để giúp cho DN vừa và nhỏ trở thành trụ cột nền kinh tế. Muốn vậy, chính quyền phải quản lý thật tốt tình trạng bán hàng gian, hàng giả, phải xem đó là trách nhiệm của địa phương tương tự như chống tham nhũng, phòng chóng ma túy… Đây là điều kiện quyết định để DN vừa và nhỏ đóng vai trụ cột. Có như vậy, kinh tế tư nhân mới có thể bổ sung, thay thế được vai trò của DN nhà nước để gánh vác nền kinh tế.

Nam Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI