Chuyên gia cảnh báo virus cúm gia cầm biến đổi nhanh thành ổ dịch lớn

03/06/2023 - 21:52

PNO - Các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, loại virus gây ra các trường hợp cúm gia cầm kỷ lục ở các loài chim trên khắp thế giới đang thay đổi nhanh chóng. WHO kêu gọi các quốc gia nên tăng cường tiêm vắc xin cho gia cầm.

 

Trong một số ít trường hợp, con người đã nhiễm loại virus đôi khi gây chết người, thường là sau khi tiếp xúc gần với những con chim bị nhiễm bệnh
Trong một số ít trường hợp, con người đã nhiễm loại virus đôi khi gây chết người, thường là sau khi tiếp xúc gần với những con chim bị nhiễm bệnh

Mặc dù virus cúm gia cầm gây rủi ro thấp đối với con người, nhưng các chuyên gia cho biết, số ca mắc cúm gia cầm đang gia tăng là nguyên nhân gây lo ngại. Tiến sĩ Richard Webby cho biết: "Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sau đó virus cúm gia cầm H5N1 đã được giới hạn trong các đợt bùng phát chủ yếu theo mùa. Nhưng “điều gì đó đã xảy ra” vào giữa năm 2021 khiến nhóm virus này có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều. Kể từ đó, các đợt bùng phát kéo dài quanh năm, lan sang các khu vực mới và dẫn đến chim hoang dã chết hàng loạt, hàng chục triệu con gia cầm bị tiêu hủy".

Ông Webby nói thêm, đây chắc chắn là đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất thế giới. Nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nghiên cứu trẻ em St Jude ở Memphis, Hoa Kỳ đã dẫn đầu nghiên cứu, được công bố vào tuần trước trên tạp chí Nature Communications, cho thấy virus đã phát triển nhanh chóng khi lây lan từ châu Âu sang Bắc Mỹ. Nghiên cứu cho biết, loại virus này đã gia tăng độc lực, nghĩa là nó gây ra những căn bệnh nguy hiểm hơn khi đến Bắc Mỹ. "Virus này không tĩnh, nó đang thay đổi, thay đổi rất nhanh chóng và đáng lo ngại, virus này có thể nhận được các đặc điểm di truyền cho phép nó giống một loại virus ở người hơn”.

Thực tế cho thấy, trong một số ít trường hợp, con người đã nhiễm loại virus đôi khi gây chết người, thường là sau khi tiếp xúc gần với những con chim bị nhiễm bệnh. "Thậm chí virus này cũng đã được phát hiện ở một số lượng lớn động vật có vú. Đây là dấu hiệu thực sự, thực sự đáng lo ngại” - tiến sĩ Webby cho biết.

Tuần trước, Chile cho biết gần 9.000 con sư tử biển, chim cánh cụt, rái cá, cá heo và cá heo đã chết dọc theo bờ biển phía bắc nước này vì cúm gia cầm. Hầu hết các động vật có vú được cho là đã nhiễm virus khi ăn phải con chim bị nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Webby cho biết, chỉ có cách duy nhất để giảm tổng số ca mắc cúm gia cầm và giảm rủi ro cho con người là tiêm phòng cho gia cầm.

Một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam, đã tổ chức các chiến dịch tiêm phòng cho gia cầm. Nhưng nhiều quốc gia khác đã miễn cưỡng do hạn chế nhập khẩu ở một số khu vực và lo ngại rằng những con gia cầm đã được tiêm phòng nhưng vẫn bị nhiễm bệnh có thể lọt lưới.

Tháng 4 vừa qua, Hoa Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm một số loại vắc xin để sử dụng trên chim. Gần đây, Pháp cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu tiêm phòng cho gia cầm sớm nhất là vào mùa thu năm nay.

Tổng giám đốc Tổ chức Thú y thế giới Monique Eloit cho biết, vấn đề tiêm phòng cho gia cầm nên được triển khai nhanh chóng. “Bây giờ mọi người đều biết rằng đại dịch không chỉ là tưởng tượng, nó có thể là hiện thực” - cô nói thêm. 

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI