Chương trình truyền hình về quân đội: Khán giả thêm yêu hình ảnh bộ đội cụ Hồ

09/05/2022 - 06:41

PNO - Vừa mang đến những giây phút thư giãn, vừa khắc họa phần nào đời sống quân ngũ, những chương trình truyền hình liên quan đến hình ảnh người chiến sĩ như "Chúng tôi là chiến sĩ", "Sao nhập ngũ", "Quân khu số 1", "Kỳ tài quân đội"… khiến người xem thêm yêu hình ảnh bộ đội cụ Hồ.

Gần hơn với môi trường quân đội 

Ngày 30/4 vừa qua, tập đầu tiên của chương trình Quân khu số 1 đã lên sóng. Lần đầu tiên trên truyền hình, người xem chứng kiến những thao tác đẹp mắt của các chiến sĩ thuộc quân khu 1 và 2. Dưới hình thức một trò chơi, 12 chiến sĩ thực hiện những nội dung huấn luyện cơ bản của chiến sĩ như lắp ráp súng AK, leo dây ngang, leo dây đứng, chạy lượn qua các hàng cọc, nhảy hào, chui hào, bắn súng, ném lựu đạn…

Xem những chiến sĩ thoăn thoắt lắp ráp súng chỉ trong 15-20 giây; vác trên người súng, đạn, xẻng nặng trịch vượt qua hàng loạt chướng ngại vật như tường cao 2,1m, đu dây dài 11m, nhảy qua hào rộng 2m, đi trên cầu độc mộc… khán giả không khỏi nể phục về thể lực, tốc độ của các chiến sĩ. Những thử thách như ném lựu đạn vào hào ở cự ly xa 30m, bắn ở cự ly 150 - 200m khi đang đeo mặt nạ… thật sự làm khó các chiến sĩ, dù họ đều thuộc thành phần tinh nhuệ nhất của quân khu. 

Các chương trình truyền hình về người lính đang rất thu hút khán giả bởi sự mới lạ, sinh động (ảnh: Chương trình Sao nhập ngũ)
Các chương trình truyền hình về người lính đang rất thu hút khán giả bởi sự mới lạ, sinh động (ảnh: Chương trình Sao nhập ngũ)

Quân khu số 1 (phát sóng lúc 10 giờ thứ Bảy hằng tuần trên VTV3) là phiên bản mới của trò chơi truyền hình  Chúng tôi là chiến sĩ, được Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất. Bảy quân khu và Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội cùng tham gia thi đấu để tìm ra quân khu tinh nhuệ nhất. Càng vào sâu, các thử thách sẽ ngày càng nâng cao, với các khí tài như xe tăng, pháo... được tăng cường. Các chiến sĩ sẽ phải đối mặt với phần chơi xây dựng dựa trên các trận đánh đi vào lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, trên những địa hình đa dạng được thiết kế mô phỏng theo các khu vực tác chiến trong thực tế.

Với quy mô và định dạng của chương trình, Quân khu số 1 là tín hiệu mới nhất cho thấy môi trường quân đội ngày càng “mở cửa” hơn với công chúng. Lần đầu tiên, người xem thấy được những bài tập khắc nghiệt dành cho người lính diễn ra trên thao trường có quy mô lớn (rộng 133m, dài 400m). Cuộc so tài giữa các chiến sĩ giỏi nhất thuộc các binh chủng: hóa học, thông tin, pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công và công binh của bảy quân khu được trình diễn trước khán giả.

Những chương trình truyền hình về lực lượng bộ đội, công an trước đó như Mỹ nhân hành động, Sao nhập ngũ, Kỳ tài quân đội chỉ tập trung vào người chơi là các nghệ sĩ, phục vụ mục đích giải trí là chính. Chương trình Chúng tôi là chiến sĩ tuy người chơi là chiến sĩ thực sự, nhưng diễn ra trên sân khấu nên chủ yếu chỉ mang tính giao lưu. 

Trailer Sao nhập ngũ 2022, tập 10:

 

Tự hào quân đội Việt Nam

Từ trước đến nay, với tính chất của quân đội, những gì thuộc về môi trường này thường khá xa lạ với công chúng, thậm chí còn được xem là “vùng cấm” với lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, sự xuất hiện liên tục những chương trình truyền hình thực tế, game show có sự góp mặt của lực lượng công an, bộ đội đã thay đổi điều đó.

Đáng chú ý nhất là chương trình truyền hình thực tế Sao nhập ngũ ra đời năm 2017 đã thổi bùng sự chú ý của người xem về đời sống quân ngũ. Thông qua các buổi huấn luyện dành cho các nghệ sĩ “nhập vai” quân nhân, cuộc sống của những người lính bộ đội cụ Hồ lần đầu tiên được phác họa sinh động, rõ nét. Ở đó, mọi hoạt động từ việc tập luyện cho đến sinh hoạt đời thường đều diễn ra trong khuôn khổ kỷ luật, đôi lúc đến mức khắc nghiệt. Sau Sao nhập ngũ, chương trình Mỹ nhân hành động ra đời năm 2019 khắc họa đời sống và công việc hằng ngày của những chiến sĩ công an nhân dân, thông qua các thử thách dành cho nghệ sĩ liên quan tới phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm, thực chiến... 

15 mùa của Chúng tôi là chiến sĩ không chỉ tạo sân chơi bổ ích dành cho lực lượng chiến sĩ, mà còn góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ trương để khán giả - người dân nắm bắt và tin tưởng vào lực lượng quân đội. Với chương trình Quân khu số 1, khán giả có được những góc nhìn chân thực của hoạt động huấn luyện bộ đội với các kỹ thuật lắp súng, mang đeo trang bị và khí tài vượt chướng ngại vật, khả năng lắp ghép bản đồ quân sự; sử dụng thuốc nổ phá hàng rào; chiếm lĩnh trận địa; đánh chiếm mục tiêu.

Chúng tôi là chiến sĩ, tiền thân' của Quân khu số 1
Chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, "tiền thân' của Quân khu số 1

Thiếu tướng Lê Xuân Sang - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị - cho biết: “Quân khu số 1 vừa kế thừa được những nét đặc sắc, tiêu biểu của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ trong 15 năm qua, đồng thời, có sự đổi mới, bổ sung đầy đủ hơn và phát triển lên một tầm cao mới. Những phẩm chất cao đẹp của bộ đội cụ Hồ như tận tụy, kỷ luật, kiên cường, dũng cảm... thông qua các hoạt động huấn luyện, đặc biệt là các hoạt động thực tiễn trên thao trường, hơi thở người lính được thể hiện rất đa dạng, sinh động”.

Có thể thấy dù ở định dạng game show, truyền hình thực tế hay một cuộc thi tài, dù người chơi là nghệ sĩ hay chiến sĩ, thì các chương trình giải trí này vẫn đem đến luồng gió mới cho màn ảnh nhỏ, phổ cập những kiến thức cơ bản về lực lượng vũ trang một cách nhẹ nhàng, không khiên cưỡng. Xem chương trình, khán giả nhận ra đời sống chiến sĩ vừa có sự khắc nghiệt, nhưng cũng có những nét rất đáng yêu. Điều này truyền thêm cảm hứng cho giới trẻ hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ. Người xem cũng cảm nhận được phẩm chất cao đẹp của bộ đội cụ Hồ, từ đó thêm yêu mến lực lượng quân đội nhân dân. 

Hương Nhu

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI