Chung tay đưa trẻ nghèo đến với ước mơ

30/01/2015 - 07:44

PNO - PN - Quán cơm xã hội Nụ Cười 3 và Lớp học tình thương bà Mười hoạt động cùng một mục đích: chăm lo trẻ em nghèo ở Q.7, TP.HCM được “ăn, học” đúng nghĩa. nhưng, hiện hai dự án này rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chung tay dua tre ngheo den voi uoc mo

Giờ học kỹ thuật

LỚP HỌC BA KHÔNG

Khi chúng tôi đến Lớp học tình thương Bà Mười (đặt tại Trung tâm Học tập cộng đồng, đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7), hàng chục đứa trẻ đang trong giờ học. Lớp của cô Thúy Nga có 13 học sinh, cô đang đọc chính tả cho ba em chép bài, hai em khác làm toán, những em còn lại loay hoay gò từng nét chữ tập viết... Do thời điểm vào lớp khác nhau, tuy cùng lớp 1 nhưng có đến mấy “trình độ”. Bé Kim Yến, đã ngồi lớp này đến ba năm, vì ba mẹ nay đây mai đó làm ăn. Một cậu bé tên Hoàng 11 tuổi, bé choắt như mới lên sáu, đang cong lưng, vắt chân lên ghế viết chính tả. Cô giáo nhắc, Hoàng đáp tỉnh bơ: “Hồi tối ngủ trên ghe, "thằng" anh nằm ép con quá, con mỏi cẳng”.

Ngay cạnh lớp cô Nga là lớp “ba trong một” (ba lớp chung một phòng). Đầu này, cô sinh viên trường Luật Nguyễn Thị Thu Hương dạy sáu em lớp 5. Phía đối diện, Đức Lợi, sinh viên ĐH Tài chính Makerting xoay vòng với các em lớp 2 và lớp 4.

Huỳnh Thị Mỹ Phượng (sinh viên năm 3 ĐH Luật TP.HCM), quản lý lớp, kể: “Em đến lớp này khi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tháng 8/2013. Người sáng lập ra lớp học tình thương hơn 10 năm trước là bà Mười (tên thật là Lữ Thị Lệ Nương) khi đó tuổi đã ngoài 80. Em dạy buổi chiều, sáng có một cô giáo lớn tuổi đứng lớp. Nhưng được hai tuần thì cô ấy nói phải nghỉ, vì bận việc. Lớp học lúc đó đúng tên gọi ba không: học trò không hộ khẩu, không khai sinh, không học bạ…”.

Để "được" làm “quản lý”, Mỹ Phượng đã phải chứng minh với bà Mười về khả năng và sự dấn thân của mình. Dù chưa có gì trong tay, Phượng vẫn phải hứa chắc sẽ hoàn tất việc điều phối các giáo viên tình nguyện, đảm bảo năm khối lớp được học đúng giáo trình.

Hứa là làm, Phượng liên hệ ngành giáo dục cập nhật chương trình, xin ý kiến về chuyên môn; xoay xở tìm nguồn cho các cô giáo và các bạn sinh viên tình nguyện được một khoản lương vừa đủ chi phí xăng xe. Cô còn lên mạng tìm các tổ chức từ thiện xin trợ giúp sách vở, bút mực, bánh kẹo quần áo… cho học trò. Từ tháng 12/2014, thông qua tổ chức sinh viên toàn cầu, Phượng đã mời được một tình nguyện viên người Malaysia đến dạy tiếng Anh cho học sinh và luyện nói tiếng Anh cho các thầy cô. Phượng còn vận động được một số sinh viên tình nguyện khác tham gia dạy mỹ thuật và âm nhạc luân phiên vào các buổi chiều thứ Tư hàng tuần...

Bằng hết tâm sức, Phượng đã giúp lớp học “ba không” thành một lớp học tình thương tương đối hoàn chỉnh. Trẻ hết lớp 5 ở đây có thể xin vào trường bình thường khi chuyển cấp.

Chung tay dua tre ngheo den voi uoc mo

Chia nhau suất cơm từ thiện

CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Tháng 5/2013, quán cơm xã hội Nụ Cười 3 (ở số 1276 đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7) khai trương với giá mỗi suất cơm 2.000đ, giúp người lao động nghèo được ăn giá rẻ những bữa cơm tươm tất. Ngay ngày khai trương, quán đã phải luýnh quýnh vì tốp khách hơn 30 cô cậu học sinh ở Lớp học tình thương bà Mười ào vào quán.

Hôm đó, Phượng đã mạnh dạn vào gặp nhà báo Trần Trọng Thức, là người khai sinh quán Nụ Cười 3, “đặt vấn đề” được làm “khách ruột”. Từ đó, “khách ruột” thì tới quán ăn, còn chủ quán thì thường xuyên đến thăm lớp học, để rồi cả hai phía đều nhận ra họ có chung quá nhiều trăn trở.

Trăn trở về một dự án, một quỹ học bổng từ lâu đã sẵn có trong lòng vợ chồng nhà báo Trần Trọng Thức. Đến khi gặp và nghe hoàn cảnh thương tâm của chị Lê Thị Lài, một phụ nữ bán vé số 29 tuổi, quê ở Đồng Tháp, khách quen của quán Nụ cười 3 thì dự án ấy dần định hình rõ nét.

Chồng chị Lài làm phụ hồ, con trai nhỏ ba tuổi bị dị tật bẩm sinh, con trai lớn sáu tuổi không được tới trường. Để mưu sinh, ngày ngày chị Lài tay bế đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn lang thang khắp các nẻo đường ở Q.7 bán từng tờ vé số. Lài kể với ông Thức: “Bác sĩ chỉ định mổ cho thằng bé từ lúc mới sinh, nhưng vì không có tiền, cháu bé lại suy dinh dưỡng nên con trốn viện”…

Xót xa, ông Thức giới thiệu chị Lài đến chương trình trợ giúp y tế của Quỹ từ thiện tình thương. Sau đó không lâu, con trai chị Lài được mổ. Trong khi đứa em đang được tẩm bổ để phục hồi sau phẫu thuật thì đứa anh đã được ông Thức mang gửi sang lớp học tình thương bà Mười nhờ cô Phượng cho vào lớp 1.

Tại đây, nhìn những đứa trẻ nhếch nhác ở lớp học tình thương với nỗi khao khát được đi học tiếp, được “chính danh” làm học trò…, nhà báo Trần Trọng Thức bàn tính cùng các thành viên và nhà hảo tâm đang đóng góp cho quán cơm xã hội Nụ Cười 3 tổ chức một diễn đàn mang tên: Nụ Cười 3- Em đến trường, để giúp ước mơ được làm học trò của những đứa trẻ sống trên xuồng ghe hay lang thang dọc đoạn kênh Trần Xuân Soạn thành hiện thực…

Chỉ sau vài tháng phối hợp, chương trình Nụ Cười 3- em đến trường đã làm nên được nhiều điều kỳ diệu: nhiều đứa trẻ được chuyển cấp vào các trường THCS công lập. Những đứa trẻ bệnh tật được gửi đi điều trị. Hơn phân nửa lớp, nhờ được giáo viên vận động và nhà báo hướng dẫn thủ tục, các phụ huynh đã khai sinh hoặc làm lại giấy khai sinh cho con. Cũng từng ấy trẻ được cấp thẻ học sinh để được giảm giá khi đi xe buýt tới trường. Hồ sơ học bạ các trẻ dần hoàn chỉnh…

Nhưng, đây cũng là thời điểm cả hai dự án đều vướng khó khăn. Số trẻ sắp đến trường học hòa nhập từ lớp học tình thương lẫn danh sách các em do các thành viên của diễn đàn giới thiệu, có hoàn cảnh mồ côi, bất hạnh, bệnh tật mà khao khát được học hành… ngày một nhiều, mà quỹ của diễn đàn Nụ Cười 3 - Em đến trường thì lại gần cạn. Nhà báo Trần Trọng Thức lo lắng: “Nếu không có người giúp sức, chúng tôi đuối mất và những đứa trẻ chắc là phải dang dở những ước mơ...”.

Ngay lúc này, cả hai chương trình thiện nguyện này cần lắm sự tiếp sức của cả cộng đồng!

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI