Chưa cưới, nhưng bạn gái con vẫn dọn đến ở chung nhà bố mẹ

24/02/2022 - 09:00

PNO - Con muốn chúng tôi đón nhận cô ấy như một vị khách, xem như con có bạn đến ở nhờ. Con nói con thật lòng yêu cô ấy và sẽ cưới khi đủ điều kiện.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 50 tuổi sống ở Đồng Nai. Con trai tôi 27 tuổi, đi làm công nhân ở Sài Gòn.

Trước tết hai tháng, cháu bỏ thành phố về quê làm ăn, dắt theo cô bạn gái. Gia đình tôi cởi mở xem cháu gái ấy như con. Tôi cũng mừng khi thấy hai đứa bảo ban nhau tìm việc và chí thú làm ăn. Vợ chồng tôi vài lần nhắc chuyện cưới xin thì hai cháu đều nói “kiếm đủ tiền mới cưới”. 

Thế nhưng, cô bé sống cùng một thời gian thì nảy sinh rất nhiều vấn đề khó xử. Cháu ở trong nhà với tư cách là người yêu của con tôi và hầu như không làm việc nhà. Tết vừa rồi cháu không về quê vì lý do “năm nay khó khăn không tích lũy được nhiều”.

Cháu đi làm về chỉ giặt giũ phần mình, không quét nhà, rửa chén. Cháu ăn riêng, dù sống chung nhà. Thỉnh thoảng ăn chung, cháu cũng như vị khách, chỉ ăn và về phòng riêng.

Chồng tôi rất bực, nhưng không trực tiếp nói với các con. Sau nhiều tình huống vượt quá giới hạn, tôi lên tiếng với con trai về những điều tôi phật ý.

Con tôi xin lỗi và mong tôi xem cô gái kia là bạn gái của con, chứ chưa phải là con dâu của bố mẹ. Con muốn chúng tôi đón nhận cô ấy như một vị khách, xem như con có bạn đến ở nhờ. Con nói con thật lòng yêu cô ấy và sẽ cưới khi đủ điều kiện. 

Tôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Không biết bao giờ các cháu mới cưới nhau để tôi được thẳng thớm làm “mẹ” mà yêu cầu cháu này kia. Đã nói thẳng với con trai mà không được, tôi có nên nói gì với cháu gái ấy không thưa chị?

Hoàng Dung (Đồng Nai)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Hoàng Dung mến,

Khoan hãy nói đến việc cháu gái có phải là con dâu của chị hay không, chỉ việc sống chung dưới một mái nhà cũng đã cần những thống nhất cơ bản về nếp sinh hoạt.

Vợ chồng chị là chủ gia đình. Việc cởi mở đón nhận một vị khách cần bao gồm cả sự cởi mở chia sẻ về những nếp sinh hoạt, để giữ sự ổn định, vui vẻ giữa các thành viên. Nếu trước đây khi đón tiếp cháu ấy, chị chưa trao đổi về những điều này thì có thể nói bây giờ. 

Chị hãy tin sự trao đổi này là để xây dựng, để cháu gái hòa nhập tốt hơn và gia đình chị cũng dễ dàng kết nối với cháu. Khi xác định tâm thế như vậy, cuộc trao đổi sẽ hiệu quả hơn. 

Tiếp theo, chị cần chuẩn bị sẵn những điều muốn chia sẻ với cháu gái - những điều mà chị nghĩ rằng cháu ấy cần biết để sống vui vẻ, phù hợp hơn với gia đình chị.

Khi trao đổi, chị hãy nói với tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ. Cháu ấy còn trẻ, lại sớm xa gia đình nên có thể còn non nớt trong ứng xử. Chị là người lớn, việc chia sẻ và hướng dẫn cháu ấy cũng là việc đáng làm.

Ngoài chia sẻ về nền nếp gia đình, chị có thể khơi gợi để lắng nghe tâm sự của cháu gái, xem cháu có khó khăn, bỡ ngỡ hay ngượng ngập gì khi sống trong nhà không.

Sự thẳng thắn để hỗ trợ, giúp đỡ và sự lắng nghe chân thành sẽ không thể khiến sự việc xấu đi. Khi đã nhiệt tình và tử tế đến thế mà mối quan hệ vẫn không tốt lên, chị cũng dễ chịu, thanh thản hơn vì đã thoát khỏi thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Chúc gia đình chị sớm vui vẻ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI