Chủ tịch Vietravel: 'Khách du lịch đâu thể ngủ suốt 2, 3 tối, họ cần dịch vụ về đêm'

31/07/2018 - 15:00

PNO - Chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel cho rằng, Việt Nam là cường quốc về du lịch nhưng hiện tại đang có xu hướng đầu tư ngược lại sự phát triển của du lịch.

Theo ông Kỳ, tài nguyên du lịch Việt Nam đứng vị trí thứ 26 trên thế giới. Tuy nhiên, khi “sánh vai” với các nước châu Á thì Việt Nam lại ngậm ngùi nằm ngoài top 50; chính sách du lịch đứng vị trí 113 và rõ ràng - Việt Nam đứng cuối bảng.

“Lượng khách du lịch Việt Nam 2017 chỉ bằng Thái Lan năm 2004”

Cũng theo ông Kỳ, nếu nói về cường quốc du lịch thì Việt Nam đáng tự hào khi có tiềm lực du lịch rất lớn, nhiều quốc gia trên khu vực và thế giới đang nhìn vào. Nhưng đáng tiếc, biến tiềm lực đó thành thực tế thì nó lại trở thành một bài toán chưa có lời giải.

Bằng chứng là nhìn sang quốc gia bên cạnh, lượng khách du lịch của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng Thái Lan năm 2004 (năm 2017 Thái Lan đạt 29,6 triệu khách quốc tế, riêng năm nay có thể đạt 37 triệu lượt khách). Chưa kể, tốc độ phát triển du lịch của Việt Nam là 4 lần nhưng khoảng cách so với Thái Lan đang bị bỏ xa.

Chu tich Vietravel: 'Khach du lich dau the ngu suot 2, 3 toi, ho can dich vu ve dem'
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và nhà sáng lập Vietravel. Ảnh: Forbes.

Cũng theo lãnh đạo Vietravel, cơ sở hạ tầng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút khách vào Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp làm bất động sản du lịch, nhiều tỉnh thành coi du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ toàn đi sâu vào xây dựng bất động sản mà “bỏ chợ” dịch vụ.

“30% là thu cứng từ công ty du lịch như chúng tôi, 70% thu từ dịch vụ du lịch. Từ đó mới thu hút được khách du lịch và lan tỏa được tiềm lực của vùng và kinh tế địa phương mới được hưởng nhờ từ 70% dịch vụ trên.

Nhưng chúng ta đầu tư là đầu tư ngược khi chỉ tập trung sản phẩm từ 7h sáng đến 5h chiều nhưng chỉ mang lại 30% doanh thu dịch vụ, trong khi nhóm dịch vụ từ 7h tối đến 2h sáng là khung giờ tạo ra 70% doanh thu. Khách du lịch đâu thể ôm nhau ngủ 2, 3 buổi tối được? Họ cần dịch vụ về đêm”, ông Kỳ phân tích.

Đại diện Vietravel cho biết, thông qua Nghị quyết 08 của Chính phủ về phát triển du lịch, tầm nhìn 2020 đạt toàn bộ tiêu chí trên 20 triệu khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 37 tỷ USD, với mức độ thu hút lao động trong ngành phải hơn 4 triệu USD.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam nhìn nhận, các giá trị của dịch vụ du lịch phải lồng ghép với giá trị văn hóa để tôn vinh chính nó.

Theo bà Thanh, khi đi du lịch nước ngoài thì giá trị văn hóa của mỗi nước như Trung Quốc, Thái Lan… đều đậm đà bản sắc và được lồng ghép văn hóa cổ truyền trong dịch vụ. Người nước ngoài sẽ biết đến nhiều hơn và người dân trong nước cũng có thể tự hào.

“Đơn cử như việc những khách du lịch lớn tuổi như chúng tôi, đã quá tuổi để vào các CLB vui chơi mà sau 7, 8 giờ tối lại muốn tìm về các giá trị văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc của từng vùng. Đó là lý do mà giá trị du lịch cần phải lồng ghép với văn hóa cổ truyền để đáp ứng cho phân khúc khách hàng đa dạng”, bà Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, điểm “hụt” của ngành du lịch nước nhà là chưa xác định được chiến lược phát triển ngành.

Chu tich Vietravel: 'Khach du lich dau the ngu suot 2, 3 toi, ho can dich vu ve dem'
Hình ảnh Sapa thành đại công trường mất đi vẻ hoang sơ vốn có. Ảnh: Lao Động.

“Rõ ràng ai cũng thấy, tiềm năng phát triển Việt Nam là rất lớn. Từ tiềm năng biến thành khả năng còn cách một bước. Và từ khả năng thành hiện thực đã tiêu tốn rất nhiều sự cố gắng.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch là đang nhắm tới thị trường 100 triệu dân Việt Nam hay nhắm tới khách du lịch nước ngoài? Và khi xác định được nhắm tới thị trường nào thì doanh nghiệp nào lại đảm nhận phần công việc, đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc thị trường? Điều này tại Việt Nam vẫn còn là một trong những vấn đề cần phải rõ ràng”, bà Thanh phân tích.

Doanh nghiệp Việt trăn trở về việc phát triển bền vững

Hướng tới việc phát triển du lịch bền vững, bà Hà Thu Thanh lấy ví dụ và khẳng định, tăng trưởng cần chú trọng vào các giá trị gia tăng gắn với thân thiện môi trường.

Theo bà Thanh, đừng nên nghĩ rằng chỉ có các ngành sản xuất mới tác động trực tiếp tới môi trường mà chính ngành du lịch cũng phải hiểu phát triển bền vững tức là đi đôi với việc bảo vệ, bảo tồn các di sản, môi trường sống.

“Thực sự ngành du lịch có quá nhiều ưu thế tận dụng môi trường thiên nhiên Việt Nam nhưng vẫn chưa có nhiều ý thức bảo vệ thiên nhiên. Ví dụ cụ thể nhất, 20 năm tôi có thể đi rất nhiều nơi nhưng tìm được nơi an trú thì tôi trở về Sapa. Thế nhưng rõ ràng là chúng ta điều thấy Sapa đang bị biến thành một đại công trường. Có một phóng sự gần đây cho rằng những giá trị đẹp của Sapa đang bị ẩn sâu xuống và lùi sâu vào các làng mạc, rồi ai sẽ đến đấy? Không có chiến lược bảo vệ đã đẩy các giá trị thiên nhiên vào bế tắc”, bà Thanh nói.

Đại diện Vietravel cũng thừa nhận, quy hoạch các khu vực thắng cảnh đang đẩy người dân địa phương ra khỏi nơi sinh sống và nguồn lợi của họ, như thể “bít ngư dân đường xuống biển”.

Và trên hết, việc phát triển bền vững phải được bắt đầu từ hành động của các doanh nghiệp, chứ không thể chỉ trông chờ quy hoạch tổng thể. Tức là khối ngành dịch vụ phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải nguồn lao động giá rẻ như ngành sản xuất.

Ngoài ra, cần thay đổi cách nhìn của từng lãnh đạo doanh nghiệp, nên đặt mục tiêu đầu tư vào con người lên hàng đầu.

“Không có doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà là doanh nghiệp nào đi nhanh hơn để chiếm thị trường. Vấn đề tăng trưởng bền vững luôn tập trung vào sản phẩm đột phá. Thứ hai, các doanh nghiệp phải đi cùng nhau, phát triển vì mục đích chung và dịch vụ tốt. Thứ 3 là làm tốt kinh tế và cân bằng lợi ích xã hội”, ông Kỳ nói thêm.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI