Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Mỗi người dân phải là một chiến sĩ chống dịch

12/05/2021 - 06:06

PNO - Chiều 11/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì phiên họp định kỳ trực tuyến về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách bốn tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021.

Theo báo cáo từ các sở, ngành, dù tình hình dịch COVID-19 kéo dài và phức tạp, nhưng TPHCM đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” với các kết quả đáng khích lệ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong bốn tháng ước đạt khoảng 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ giảm 11,2%); thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 26,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 58,3%). Từ đầu năm đến nay, thành phố có 5.588 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch nội địa bốn tháng đầu năm đạt 6,16 triệu lượt, thu từ du lịch ước đạt 29.710 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đến nay, tổng thu ngân sách TPHCM ước hơn 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2020.

“Càng phấn khởi với các con số tăng trưởng kinh tế cao, càng cho thấy trách nhiệm hết sức nặng nề của chúng ta trong phòng, chống dịch COVID-19. Nếu không, nó sẽ làm gãy đổ hết mọi thành tựu đã đạt được” - ông Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Theo ông Phong, kể từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam xuất hiện sáu chuỗi lây nhiễm tại cộng đồng với hơn 500 ca bệnh, ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành. Hiện tại, TPHCM chưa ghi nhận có ổ dịch cộng đồng, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao bởi thành phố là trung tâm giao thương của cả nước.

Để phòng, chống dịch COVID-19 thành công, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ chống dịch
Để phòng, chống dịch COVID-19 thành công, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ chống dịch

Ông Nguyễn Thành Phong xác định, TPHCM còn phải đối mặt với sáu nguy cơ tại chỗ: nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng; nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng từ những người kết thúc 14 ngày cách ly tập trung và không tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian sau cách ly tập trung; TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối, phải tiếp nhận bệnh nhân cùng thân nhân từ nhiều nơi đến; nguy cơ từ những người nhập cảnh trái phép; nguy cơ xâm nhập từ các địa phương có ca lây nhiễm do mức độ di chuyển của người dân ra vào thành phố quá lớn; TPHCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế với một sân bay quốc tế và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.

“Mỗi người dân ở vị trí của mình đều có trách nhiệm là một chiến sĩ chống dịch. Đây thực sự là một cuộc chiến và chưa có cuộc chiến nào kinh khủng như thế. Chúng ta không thể thụ động. Phải cùng lúc làm những biện pháp quyết liệt nhất” - Chủ tịch UBND TPHCM nói. Ông đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM duy trì lịch họp giao ban trực tuyến hai lần mỗi tuần; thủ trưởng các đơn vị kích hoạt toàn bộ các bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của các phương tiện giao thông công cộng, taxi truyền thống, taxi công nghệ.

Ông nêu yêu cầu: “Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng; triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người mắc COVID-19 theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế, đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và 200-500 người bệnh”. Ông cũng chỉ đạo ngành y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI