Chủ tịch UBND TPHCM: Không giải quyết kịp hồ sơ cho dân phải thông báo, xin lỗi

18/02/2022 - 13:33

PNO - Sáng 18/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2022 trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách do tác động của dịch COVID-19, song với sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và chủ động sáng tạo của chính quyền, thành phố đã kịp thời điều chỉnh, thay đổi phương thức thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19. Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, ổn định đời sống người dân, kết quả kinh tế - xã hội quý IV/2021 và 2 tháng đầu năm 2022 khá tích cực.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn mãi tại hội nghị sáng 18/2
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn mãi tại hội nghị sáng 18/2

Về cải cách hành chính thì địa phương nào, ngành nào cũng thực hiện, song với TPHCM, tính quan trọng không chỉ tác động cho riêng thành phố mà còn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Ông dành lời khen cho những thành tựu đạt được trong cải cách hành chính của từng đơn vị. Cụ thể, đã ghi nhận nhiều chuyển biến về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, điều này cho thấy trong hoàn cảnh khó khăn, thành phố đã nỗ lực và nhận được sự thông cảm, hợp tác của người dân, doanh nghiệp.

“Đây là ý mà chúng tôi mong muốn chúng ta thống nhất để tiếp tục phát huy cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Khi khó khăn thì chúng ta nỗ lực, sáng tạo, cùng nhau làm thì khi vượt qua khó khăn chúng ta vẫn phải tiếp tục” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu.

Dưới tác động dịch bệnh, TPHCM ghi nhận nhiều tiến bộ, kết quả khả quan trong cải cách hành chính, nhận được sự hài lòng cao từ người dân, doanh nghiệp
Dưới tác động của dịch bệnh, TPHCM ghi nhận nhiều tiến bộ, kết quả khả quan trong cải cách hành chính, nhận được sự hài lòng cao từ người dân, doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh nhiều nội dung bộc lộ sau một năm thực hiện cải cách hành chính trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Theo đó, dịch bệnh khiến lưu lượng công việc, giao tiếp giữa TPHCM với bên ngoài và ngay trong thành phố cũng bị tác động. TPHCM dù năng động, sáng tạo nhưng khi “gặp chuyện” đã xuất hiện bất cập. “Trước dịch bệnh, chúng ta rất tự tin về ứng dụng số, chuyển đổi số và nghĩ thành phố là địa phương top đầu, nhưng thực tế khi dịch xảy ra thì từ chuyện mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý để vận hành trên nền tảng số gặp rất nhiều khó khăn, dữ liệu có nhưng rời rạc, khó phối hợp, đặc biệt trong giải quyết hành chính”, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, trong cải cách hành chính, không phải chuyện ứng dụng công nghệ mà là mô hình, quy trình khi ứng dụng, sao cho người dân, doanh nghiệp tin rằng thao tác trực tuyến cũng như trực tiếp.

Nhấn mạnh công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay đây là điểm tắc nghẽn rất lớn của thành phố. “Nếu chưa giải quyết được cái này thì khó mà nói ra bên ngoài với người dân, doanh nghiệp” - ông nói, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải có hành động cải thiện, trước tiên phải có chỉ thị công tác, quy định nhiệm vụ và có quy chế phối hợp cụ thể về thời gian, trách nhiệm, cơ chế giám sát để khen thưởng, phê bình xử lý.

Ông cũng đề nghị các đơn vị tập trung giải quyết đúng hạn hồ sơ, các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; nếu không giải quyết kịp cần thông báo, xin lỗi. Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Tỷ lệ giải quyết hồ sơ của thành phố là rất cao với hơn 90%, nhưng hơn 34 ngàn hồ sơ còn chậm giải quyết là con số rất lớn, tác động đến kinh tế - xã hội của thành phố rất nhiều”.

Dẫn chứng thêm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay, khi nhận công tác tại UBND TP, ông đã thấy có nhiều hồ sơ tồn đọng hàng năm. “Thậm chí có người gửi hồ sơ cho tôi và nói “báo cáo với ông là tôi gửi lần này là lần thứ mấy chục”. Có thể hồ sơ đó nằm trong số hơn 34 ngàn kia nhưng chúng ta phải thấy điểm nghẽn ở đâu để giải quyết” - Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ. Ông kể thêm rằng, liên quan đến bất cập trong con số tỷ lệ cao, vừa qua có địa phương báo cáo việc tiêm chủng vắc xin đạt hơn 100%, nhưng khi rà soát lại chiến dịch bảo vệ người nguy cơ thì có trên 25 ngàn người chưa được tiêm. Ông nói: “Nếu họ mắc COVID-19 diễn biến nặng thì sao? Vậy chúng ta đánh giá làm sao cho đúng, thấy được phần còn lại làm chưa tốt để nỗ lực trong sứ mạng phục vụ”.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, vẫn đang còn tình trạng một bộ phận cán bộ e ngại trách nhiệm đã có sự e dè trong tham mưu xử lý công việc, dẫn đến tiến độ giải quyết chậm. Do đó, người đứng đầu cần động viên để cán bộ cấp dưới làm việc mạnh dạn, phát huy năng lực.

Hội nghị diễn ea sáng 18/2
Hội nghị diễn ra sáng 18/2

Với các nhiệm vụ liên quan cải cách hành chính năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, dự kiến tháng 7/2022, TP sẽ sơ kết một năm về thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Ông yêu cầu các đơn vị phát huy sự năng động, nhanh chóng nhận diện vấn đề tồn đọng để sớm có kiến nghị, tìm giải pháp.

Năm nay, TPHCM tập trung một số đầu việc, trong đó có đề xuất Nghị định thay thế Nghị định số 93 202UND-CP về phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực cho thành phố. Đồng thời, tổng kết việc triển khai Nghị quyết số 54/2017 NOQH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM.

Thông tin thêm về Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Một là tìm hướng đề xuất Quốc hội tiếp tục gia hạn thực hiện Nghị quyết 54, hai là nên chăng nghĩ đến việc có luật cho đô thị đặc biệt để chúng ta có chiếc áo vừa vặn, phù hợp, đẹp với TPHCM”. Đồng thời đề nghị các đơn vị suy nghĩ, đề xuất để có sự tiếp cận phù hợp nhất trong đề xuất khi thành phố tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54. Chủ tịch UBND TP chia sẻ, đã có nhiều chuyên gia, cán bộ hưu trí cho rằng TPHCM không chỉ cần một cơ chế đặc thù mà còn đột phá, vượt trội để phát triển.

Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, chủ đề năm 2022 của thành phố là sự kế thừa của năm 2021, song ở cấp độ cao hơn, đòi hỏi cao hơn trong nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả đồng hành cùng doanh nghiệp… Trước yêu cầu đó, mỗi cấp ngành, địa phương cần sớm nhận diện tồn tại để khắc phục, phát huy và nhân rộng các mô hình hay. Ông đề nghị mỗi đơn vị phải lập tổ công tác giải quyết từng nhóm việc, dựa trên danh sách đầu việc hàng tháng và có sự kiểm tra tiến độ, lượng hóa kết quả.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, công tác giám sát kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố năm 2021 đã tổ chức lấy ý kiến đối với 20 sở, ban, ngành, 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức và 312 xã, phường, thị trấn. Tổng cộng thực hiện 16.692 cuộc gọi để lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về các nội dung như thái độ của công chức trong quá trình phục vụ, chất lượng việc hướng dẫn công dân làm thủ tục hành chính, số lần người dân và doanh nghiệp đi lại để hoàn thành thủ tục hành chính, tính minh bạch về tài chính…

Qua đó, mức độ hài lòng chung đều tăng so với năm 2020, song cũng ghi nhận một vài  người dân và doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng khi cho rằng thủ tục hành chính chưa thật sự tinh gọn, rõ ràng. Phần lớn người dân và doanh nghiệp mong muốn tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, gia hạn đóng thuế... “Qua khảo sát, có thể thấy rằng, người dân và doanh nghiệp đánh giá mức độ tin tưởng vào mô hình chính quyền đô thị rất cao và đặt nhiều kỳ vọng vào bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả trong tương lai” - ông Ngô Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI