Chủ tịch UBND TPHCM: Cần tạo ra sự khác biệt, vượt trội cho học sinh của TP

19/11/2021 - 13:27

PNO - Sáng nay, 19/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc với Sở GD-ĐT và các sở ngành của TP.

Đánh giá đây là một năm học đặc biệt, Chủ tịch UBND TPHCM ghi nhận sự tham gia vào công tác phòng chống dịch của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời gian vừa qua rất tích cực, mang kết quả tốt. Cơ sở giáo dục cũng đem phục vụ hết cho công tác phòng chống dịch. Trong quá trình đó, lực lượng cũng ít nhiều bị tổn thương. Vì vậy, công đoàn ngành cần chăm lo và tiếp tục rà soát để có chính sách chăm lo đối với thầy cô giáo.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng nay
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng nay

Trong những tháng vừa qua, chúng ta tập trung nhiều cho công tác chống dịch nên đề nghị Sở GD-ĐT rà soát lại kế hoạch năm học, xác định lại các nhiệm vụ còn lại để phân giao trách nhiệm cụ thể, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn thực hiện để đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

Đối với việc triển khai nhiệm vụ năm học mới, Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý ngành giáo dục thực hiện 5 trọng tâm:

Thứ nhất, ngành cần bám vào quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và chỉ đạo của UBND để thực hiện. Song, chúng ta rất cần sự chủ động, năng động, sáng tạo của ngành giáo dục TP, phù hợp với vị trí và vai trò của một TP lớn.

Thứ hai, Sở GD-ĐT và toàn ngành GD phải có kế hoạch, nội dung để tạo ra sự khác biệt cho giáo dục của TP trong mặt bằng chung của giáo dục cả nước, theo hướng tiệm cận với trình độ của thế giới.

Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung cho ngoại ngữ, đặt mục tiêu học sinh của TPHCM phải sử dụng thông thạo ít nhất 1 ngoại ngữ. Và trong giao tiếp quốc tế phải trở thành công dân toàn cầu, không bị rào cản ngoại ngữ. Từ đó quay trở lại rà soát kết quả thực hiện, có biện pháp để phát triển khả năng ngoại ngữ cho học sinh.

Kế đến là thực hiện chuyển đổi số, chúng ta phải giáo dục để học sinh từ TPHCM phải là 1 trong những người đầu tiên tiếp cận với công nghệ, chuyển đổi số, có kiến thức có kỹ năng, thích ứng thành công, trở thành nguồn nhân lực trong thời đại số.

Ngành giáo dục phải là một trong những ngành tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động của ngành, tiến tới xây dựng giáo dục thông minh.

Thứ ba là giáo dục để học sinh của TP phải có tư duy đổi mới sáng tạo, thích ứng với đổi mới và phải có tư duy hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu. Một phần là dạy học sinh có tư duy đổi mới sáng tạo, hội nhập bằng nhiều con đường, trong đó có giáo dục STEAM.

Phần còn lại bằng tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần phản biện để rà soát lại tổ chức và hoạt động của ngành để đổi mới hoạt động theo hướng thiết thực, góp phần xây dựng người thầy- người trò thành nguồn nhân lực của đô thị lớn. Cần mạnh dạn loại bỏ các hoạt động không hiệu quả, rườm rà, hình thức ra khỏi ngành.

Thứ tư, phải làm sao bên cạnh kiến thức, kỹ năng phải trang bị cho học sinh trình độ thị dân, văn minh đô thị. Ngành giáo dục cần nghiên cứu các chương trình ngoại khoá, kỹ năng, hợp tác quốc tế, chuẩn bị tâm thế phải nâng trình độ thị dân lên. Trong đó, qua câu chuyện phòng chống dịch có thể thấy nếu mỗi người có ý thức cao hơn thì hiệu quả sẽ tốt hơn, cho nên nếu từng em được giáo dục thì thế hệ sẽ có ý thức cao. Xuất phát từ giáo dục chúng ta trang bị nhận thức mới, ý thức, hành vi, thói quen mới trong điều kiện bình thường mới.

Học sinh TPHCM phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ
Học sinh TPHCM phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ

Thứ năm, đó là văn hoá Hồ Chí Minh, ngành giáo dục cần có sự chắt lọc nội dung để đưa vào giáo dục những nội dung hết sức thực tiễn, thiết thực. TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình cần được tiếp nối, phát huy trong người Sài Gòn- TPHCM thông qua kênh giáo dục.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, đột phá để tạo ra sự vượt trội cho giáo dục của TP, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có trình độ tiên tiến, kỹ năng hội nhập theo chuẩn quốc tế, công dân toàn cầu.

Đồng thời, Chủ tịch TPHCM cũng yêu cầu ngành giáo dục nên có chương trình chăm lo cho giáo viên và hơn 1,7 triệu học sinh, bao gồm cả chăm lo tinh thần và vật chất.

Về vật chất, cần tính toán lại các chế độ chính sách, kịp thời phát hiện  để làm sao không có giáo viên quá khó khăn phải bỏ nghề, học sinh quá khó khăn phải bỏ học. 

Về chăm lo tinh thần, sự căng thẳng áp lực của đô thị cũng tạo ra những căng thẳng tâm lý, ngành giáo dục cần làm cho nội bộ ngành và cho xã hội. "Trong từng trường học phải phát hiện ra thầy cô giáo và học sinh trong trường, mở rộng ra địa bàn dân cư, cho xã hội. Tôi đặt hàng điều này với ngành giáo dục bởi đâu đó chúng ta đã làm nhưng chưa bài bản và đồng bộ. Giờ thì cần làm thật, đồng bộ, có theo dõi đánh giá" - ông Phan Văn Mãi nói.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo các sở cân đối từ nguồn kinh phí chống dịch để thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất, trường học được trưng dụng chống dịch, không lấy kinh phí thường xuyên của ngành để nhanh chóng khắc phục, triển khai nhiệm vụ năm học.

Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI