Chủ tịch TP. Đà Nẵng ra ‘tối hậu thư’ cho hàng loạt dự án ngàn tỷ chậm tiến độ

21/04/2022 - 09:27

PNO - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ra "tối hậu thư" ấn định thời gian hoàn thành đối với các dự án giao thông ngàn tỷ chậm tiến độ gây đội vốn.

Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký quyết định về kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển thành phố, trong đó có các dự án giao thông. Theo đó, Chủ tịch Đà Nẵng ấn định mốc thời gian cụ thể hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan ở những khâu để xảy ra chậm trễ.

Chậm nhất phải kể đến tuyến đường ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan đoạn từ cầu Đỏ đến Quốc lộ 14B. Dự án dài hơn 7km với tổng vốn hơn 526 tỷ đồng, khởi công từ năm 2017 đến nay vẫn thi công dang dở cầm chừng vì vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án ven sông Tuý Loan chậm trễ nhiều năm nay
Dự án ven sông Túy Loan chậm trễ nhiều năm nay

Hiện, giá trị xây lắp dự án này mới đạt hơn 212/316 tỷ đồng, hơn 2km trên tuyến vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Chủ tịch Đà Nẵng ấn định thời gian buộc phải hoàn thành dự án là vào cuối tháng 9/2022.

Tương tự, dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 (chủ yếu ở huyện Hòa Vang) có chiều dài hơn 35km, hiện vẫn còn khoảng 10 km chưa có mặt bằng thi công.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, nguyên nhân thi công chậm tiến độ là do vướng giải phóng mặt bằng từ các hộ dân cũng như phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng thi công đường ống dẫn nước thô DN1400. Ngoài ra còn vướng giải tỏa các hồ sơ lòng hồ đập dâng Nam Mỹ thuộc dự án nhà máy nước Hòa Liên, đường dây điện trên tuyến do Điện lực Đà Nẵng di dời và đường ống nước sinh hoạt xã Hòa Bắc. Hiện khối lượng xây lắp đạt khoảng 173/436 tỷ đồng (gần 40%).

Dự án ĐT601 thi công chậm trễ làm cực khổ người dân bị ảnh hưởng tại xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang
Dự án ĐT601 thi công chậm trễ làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang

Theo đánh giá, dự án ĐT 601 thi công chậm trễ, kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt hiện nay khi cao tốc Hòa Liên - La Sơn đi vào khai thác, không cho xe máy lưu thông, đóng các lối mở, chỉ còn tuyến ĐT 601 để người dân đi lại. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ấn định, tới 30/9 này dự án buộc phải hoàn thành.

Dự án đội vốn, nhà thầu vừa làm vừa nghỉ

Ở nội thành, dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc (quận Liên Chiểu) có tổng vốn hơn 996 tỷ đồng khởi công từ tháng 3/2020 nhưng đến nay vẫn ì ạch, đơn vị thi công vừa làm vừa nghỉ do nhiều đoạn vẫn chưa có mặt bằng.

Cụ thể, đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A hiện mới giải tỏa 26/164 hồ sơ, trong khi đó theo kế hoạch phải hoàn thành giải tỏa từ tháng 4/2021. Do vướng mặt bằng nên đơn vị thi công mới triển khai được các hạng mục nền đường, bó vỉa, cống thoát nước đạt 24% khối lượng đoạn từ Hồ Tùng Mậu tới đường sắt dài 500m. Riêng đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A dài 1,1 km tổng giá trị gần 80 tỷ đồng dù đã khởi công từ tháng 5/2020, kế hoạch hoàn thành vào tháng 7/2021 nhưng hiện vẫn chưa có mặt bằng để thi công.

Dự án tuyến đường trục I Tây Bắc nhà thầu thi công cầm chừng vì không có mặt bằng
Nhà thầu dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc phải thi công cầm chừng vì không có mặt bằng

Tương tự, nút giao Quốc lộ 1A và trục 1 Tây Bắc hiện mới giải tỏa được 11/20 hồ sơ, đơn vị thi công mới thực hiện được 5,2/37 tỷ đồng gói thầu nhưng buộc phải nghỉ từ tháng 7/2020 đến nay.

Được biết, dự án trục 1 Tây Bắc thi công từ năm 2014 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, tuy nhiên do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng (tăng hơn 273 tỷ đồng).

Chủ tịch Đà Nẵng ra "tối hậu thư" buộc dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý I/2022 và phải hoàn thành vào cuối tháng 6/2023.

Một dự án đội vốn khác là Đường vành đai phía tây 2 do Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án dài gần 15km kéo từ quận Cẩm Lệ qua quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.

Dự án có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu 87 tỷ đồng sau đó đội lên 20 lần, khoảng 1.800 tỷ đồng. Việc đội vốn được lý giải là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng. Tuy vậy, ngay cả khi có đủ vốn để triển khai dự án, thì để giải phóng xong mặt bằng cũng phải mất 4-5 năm.

Dự án đường Vành đai phía Tây 2 vay vốn ODA đang chậm tiến độ và đội vốn khủng
Dự án đường Vành đai phía tây 2 vay vốn ODA đang chậm tiến độ và đội vốn lên nhiều lần

Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đề xuất dự án đường Vành đai phía tây 2 cần điều chỉnh hướng tuyến, tận dụng khai thác chung hạ tầng giao thông hiện hữu để giảm bớt kinh phí đền bù giải tỏa. Theo yêu cầu của TP. Đà Nẵng, trong năm 2022 dự án phải hoàn thành đoạn cuối tuyến đang thi công (dài hơn 4km, từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến nút giao đường tránh Nam Hải Vân).

Một dự án ngàn tỷ khác là Đường vành đai phía tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, dự án chậm tiến độ kéo dài do vướng mặt bằng.

Dự án có tổng chiều dài hơn 19km, khởi công từ năm 2018, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2021. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn dang dở, đã phải điều chỉnh tăng vốn từ hơn 1,1 ngàn tỷ đồng lên gần 1,5 ngàn tỷ đồng.

Dự án Vành đai phía tây chậm tiến độ có một phần nguyên nhân từ năng lực và tài chính của nhà thầu
Dự án Vành đai phía tây chậm tiến độ có một phần nguyên nhân từ năng lực và tài chính của nhà thầu

Theo kết luận của Thanh tra TP. Đà Nẵng, dự án chậm tiến độ có một phần nguyên nhân từ năng lực và tài chính của nhà thầu, đơn cử như nhà thầu Cienco1 triển khai gói thầu chậm, đã bị xử phạt. Ngoài ra, nguyên nhân cơ bản là do vướng mặt bằng, nhiều hộ dân không đồng ý mức giá đền bù cũng như chưa nhận được đất tái định cư vì thế chưa di dời, bàn giao mặt bằng. Hiện còn hơn 3km trên tuyến chưa thể giải phóng mặt bằng.

Theo chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đến cuối tháng 9/2022 dự án này buộc phải hoàn thành.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI