Chống tiêu cực trong giáo dục: Bỏ quên yếu tố con người

25/07/2018 - 06:06

PNO - Không thể chấp nhận những kẻ suốt ngày rao giảng đạo đức nhưng hành động thì vô đạo, vô pháp. Họ chính là nguyên nhân làm cho niềm tin vào sự tốt đẹp của giáo dục cạn dần.

Câu chuyện nâng điểm hàng trăm thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La đang khiến dư luận choáng váng. Tuy nhiên, đó chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tiêu cực trong giáo dục đã có từ rất lâu, tồn tại xuyên suốt và đã trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc đặc trị. 

Chong tieu cuc trong giao duc: Bo quen yeu to con nguoi

Chạy cả… hạnh kiểm! 

Còn nhớ, vào năm 1998, sau khi ông Nguyễn Minh Hiển lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và có sự quan tâm đặc biệt đến vấn nạn bằng đại học (ĐH) giả, thì hàng loạt công chức, kể cả công chức trong ngành GD-ĐT xài bằng giả đã bị phanh phui. Rồi “chuyên đề” bằng giả dần đi vào quên lãng, nhưng chuyện mua bằng bán điểm thì chưa bao giờ chấm dứt, nhất là ở loại hình đào tạo từ xa, tại chức, chuyên tu.

Chuyện “mua bán” được thể hiện qua việc bao vé máy bay đi về cho thầy cô, mời thầy cô đi ăn uống hoặc mua sắm, quà cáp và thậm chí bằng cả những chiếc phong bì trước kỳ thi, trước khi bảo vệ luận văn, luận án. Thỉnh thoảng, các đường dây chạy đầu vào ĐH, chạy điểm thi lại bị phát hiện.

Ai đã tiếp tay cho 
tiêu cực trong giáo dục?

“Quá xem nặng đầu vào, xem nhẹ đầu ra” là nhược điểm rất lớn của nền GD-ĐT Việt Nam. Quan niệm không theo thông lệ quốc tế này từ lâu đã được các chuyên gia cảnh báo là sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như người ta sẽ tìm cách “chạy” đầu vào mà không quan tâm học tập, rèn luyện trong quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra thấp. Thực tế cũng đã diễn ra như thế. Tiếc là những cảnh báo đã không được tiếp thu, thay đổi. 

Ở giáo dục phổ thông, dù không ầm ĩ, nhưng chuyện phụ huynh “chạy” để học bạ của con có điểm “đẹp” trước khi chuyển trường, du học, hay xét tuyển vào các lớp đầu cấp… thì ai cũng biết. 

Mới đây, nhân chuyện nâng điểm ở Hà Giang, ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, kể lại: trong một buổi tiệc, khi nghe tôi tư vấn “muốn thi vào khối ngành công an ngoài việc phải tham gia thi ba chung, thí sinh còn phải được xét cả học lực và đạo đức ba năm cấp III”, một phó chủ tịch huyện đã móc điện thoại gọi ngay cho hiệu trưởng trường cấp III nơi con ông ta đang học và nói: “Năm nay, con anh thi cảnh sát đó, chú coi điều chỉnh học bạ nó cho đẹp chút nhé!”. Anh hiệu trưởng trả lời: “Dạ, em biết rồi”.

Khi áp dụng cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT là điểm trung bình chung của điểm thi THPT quốc gia và điểm trung bình cả năm lớp 12, nhiều trường THPT đã tìm cách nâng điểm tối đa cho học sinh (HS) nhằm đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao nhất. Tại TP.HCM, trước kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, ban giám hiệu một trường THPT đã chỉ đạo cho giáo viên nâng điểm cho toàn bộ HS khối 12. Kết quả là tất cả HS khối 12 đều đạt học lực giỏi và khá.

Nhưng kết quả đó thì trường lại không thể xét hạnh kiểm (vì hạnh kiểm của nhiều HS không tốt). Thế nên nhà trường lại họp và tìm cách hạ điểm học lực xuống. Việc làm gian lận này khiến nhiều giáo viên bức xúc. 

“Gian lận trong thi cử đã ăn sâu, bám rễ từ lâu. Thậm chí, ngay trong kỳ thi chọn HS giỏi cũng có những bất công khiến niềm tin của xã hội bị lung lay, chao đảo vô cùng” - tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - nhận định. 

Loay hoay với giải pháp kỹ thuật 

Chuyện thi cử, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, đã được cải tiến, thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Ban đầu, hai kỳ thi này (có cùng đối tượng, nội dung và cách thức thi) riêng biệt và chỉ diễn ra cách nhau một tháng. Thấy như thế là phiền hà và lãng phí xã hội nên năm 2015, Bộ GD-ĐT đã gộp hai kỳ thi làm một và dùng chung kết quả. 

Tiếp tay cho tiêu cực trong thi cử còn phải kể đến căn “bệnh” trọng bằng cấp (mà không trọng năng lực thực chất), trọng hư danh, háo danh… ngày càng trầm trọng trong xã hội hiện nay, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Nhiều gia đình có tâm lý bằng mọi giá “chạy” cho con có tấm bằng ĐH, mà phải là bằng cấp ở những trường ĐH “xịn”, để sau này tiếp tục “chạy” vào cơ quan nhà nước. Đã có một thế hệ trẻ lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ để làm quan mà không biết làm khoa học và ngại nói chuyện chuyên môn.

Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ - Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam - chỉ ra: “Chính thói hư danh, trọng bằng cấp đang khuyến khích người ta gian lận. Nó khác với các nước, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, thực tài mới là quan trọng”.

Cách thức tổ chức thi cũng được điều chỉnh từ “học đâu thi đó” sang tổ chức thi từng cụm, chấm chéo và có cán bộ các trường ĐH làm nòng cốt trong coi thi. Tưởng như thế sẽ có được kết quả khách quan và nghiêm túc, nào ngờ các địa phương vẫn “đạp chân nhau” trong quá trình chấm điểm, nên năm 2016 khâu tổ chức thi lại được cải tiến chia hai loại cụm thi do sở GD-ĐT địa phương chủ trì (dành cho xét tốt nghiệp) và do các trường ĐH chủ trì (xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH).

Việc chia tách này chứng tỏ sự không nghiêm túc trong thi cử ngay từ trong tư tưởng của các nhà tổ chức và thực tế cũng không đạt mục đích, nên năm 2017 việc thi lại trở về “một cụm” thống nhất nhưng giao cho các sở GD-ĐT địa phương chủ trì, các trường ĐH chỉ phối hợp.  

Về phương thức thi, bộ cũng chuyển dần từ tự luận - chấm bằng tay sang trắc nghiệm - chấm bằng máy đối với tất cả các bài thi (trừ môn văn) với kỳ vọng đem lại sự khách quan, công bằng, chống được tiêu cực. Nhưng sự cố “động trời” ở Hà Giang, Sơn La (và có thể còn ở một số tỉnh khác) vừa qua, một lần nữa cho thấy mọi cố gắng điều chỉnh về kỹ thuật đều vô nghĩa khi ý thức của con người vẫn chưa thay đổi.

Giờ đây, sau sự cố Hà Giang, người ta lại đòi giao việc coi thi, chấm thi về cho các trường ĐH. Thậm chí, có ý kiến còn đòi thực hiện những điều không thể như dán băng keo vào phiếu trả lời trắc nghiệm để chống sửa bài. Nhưng trước kia, khi để các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh thì những tiêu cực như bán đề, nâng điểm cũng đã từng xảy ra. 

Vấn đề đang nằm ở ý thức của con người. Để “giải” tận gốc bài toán gian lận thi cử hiện nay, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, phải bắt đầu từ văn hóa, từ việc xây dựng con người, xây dựng giá trị, tập trung đề cao những giá trị quan trọng nhất để làm thay đổi con người, đó là trung thực và bản lĩnh. Trung thực là để khắc phục căn bệnh giả dối và có bản lĩnh thì mới trung thực. 

Không quá khó, nhưng phải thực sự bắt tay vào việc và cần có thời gian. Đồng thời với biện pháp tổng thể, dài hơi, nhiều ý kiến cũng cho rằng: cần phải nghiêm trị những kẻ có hành vi vi phạm dù đó là ai, đang ở cương vị nào. Không thể chấp nhận những kẻ suốt ngày rao giảng đạo đức nhưng hành động thì vô đạo, vô pháp. Họ chính là nguyên nhân làm cho niềm tin vào sự tốt đẹp của giáo dục cạn dần. 

Vô trách nhiệm: căn bệnh trầm kha của “quan” giáo dục 

Vô trách nhiệm đang là căn bệnh khá phổ biến. Với vụ tiêu cực ở Hà Giang, ban đầu ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang - cho rằng “không có gì quá đặc biệt”. Nhưng sau đó thì mọi chuyện bung bét, các cấp dưới của ông Sử là ông Phó trưởng phòng và Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Giang bị bắt giam.

Cũng thế, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - ban đầu cũng khẳng định: “Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào”.

Nhưng bây giờ có hàng chục bài thi được nâng điểm, cho điểm khống và được sửa bài từ đầu (trước khi chấm); năm cá nhân là cán bộ trong ngành liên quan trách nhiệm. Nhưng sự liên đới trách nhiệm chắc chắn không dừng lại, bởi chẳng lẽ tự dưng mà hai ông cán bộ khảo thí đi làm cái chuyện phạm tội hình sự? Vậy thì ai là người nhờ cậy, sai khiến các ông và mức độ liên đới trách nhiệm của họ đến đâu?

Không chỉ là những công dân, họ còn là cán bộ công chức, lẽ ra thấy chuyện tiêu cực phải lên tiếng. Đằng này, không loại trừ, chính họ đã phạm pháp, góp phần làm băng hoại niềm tin giáo dục. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI