Chồng luôn lo lắng, bất an vì tiền, khiến tôi cũng bị áp lực theo

10/03/2023 - 14:00

PNO - Một mình chịu trách nhiệm về gia đình, khi mà con còn nhỏ với bao nhu cầu, tiền nhà hàng tháng... là một áp lực khá nặng với chồng cháu.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu và chồng cưới nhau được 4 năm. Trước khi cưới, cháu và chồng đã cùng mua một căn hộ chung cư trả góp, thời hạn 20 năm. Ngay sau khi cưới, tụi cháu đã nhận được nhà và có nơi ở mới khang trang, đẹp đẽ.

Kế hoạch của tụi cháu là để vài năm nữa, sống vui vẻ, bình an, hưởng thụ... rồi mới sinh con. Không dè ngay sau đám cưới là cháu có thai. Gia đình hai bên cương quyết không cho bỏ em bé đầu, nên tụi cháu đã sinh con.

Vì có thai và sinh con trong thời gian dịch bệnh, nên cháu bị mất luôn công việc đang làm có thu nhập khá tốt. Điều đó khiến mọi áp lực tài chính của gia đình đều đổ lên vai chồng cháu.

Anh đang làm việc trong một công ty tương đối lớn, với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Bao gồm thu nhập chính và các khoản thưởng, tặng thêm, trả thêm của khách hàng khi họ hài lòng về dịch vụ do anh cung cấp.

Với lương đó, anh phải trả tiền trả góp nhà, tiền mua sữa, tã, khám bệnh... cho con và tiền ăn uống của hai vợ chồng. Nên nghe thì có vẻ nhiều, nhưng thực chất là không nhiều lắm.

Cả năm nay, từ khi con được 1 tuổi, cháu cũng nỗ lực kiếm việc, nhưng vẫn chưa có được công việc nào đúng theo ý muốn. Cháu cũng cố gắng chạy thêm các công việc ngắn hạn, nhưng không được là bao.

Từ khi công ty chồng cháu có đợt giảm bớt người làm, cháu thấy chồng có biểu hiện lo lắng, bất ổn ngày càng lớn. Lúc nào anh cũng sợ bị mất việc. Anh thường tìm đọc những thông tin về tình hình kinh tế khó khăn, và nói rằng cuộc sống hôm nay quá bất an. Mỗi lần nói chuyện, dù đang vui hay buồn, anh cũng quay về chủ đề "Khi nào trả hết nợ nhà cửa, chúng ta sẽ ... như thế này, như thế kia...".

Nhiều lần cháu nói rằng dù chúng cháu đang có nợ nần, nhưng mọi việc vẫn đang trong vòng kiểm soát được. Rằng cháu rồi sẽ kiếm được việc thôi, vì tính chất công việc của cháu, bằng cấp của cháu yêu cầu những vị trí khá cao trong các công ty, nhưng cháu tự tin vào khả năng của mình. Hơn nữa, không phải là cháu ỷ lại, nhưng tụi cháu có bố mẹ hai bên đều thương yêu, quan tâm, và cháu nghĩ nếu có việc gì, chắc chắn cả nhà cháu không bỏ rơi tụi cháu.

Thế nhưng cháu không làm sao giúp anh thoát khỏi nỗi ám ảnh về tiền bạc. Anh bóp chặt mọi chi tiêu, cháu làm gì, mua gì anh cũng khó chịu, nói cháu không biết sợ vì chưa thấy quan tài. Nhiều khi muốn đưa con đi chơi, muốn ra ngoài ăn một bữa ăn nhẹ, anh cũng bảo lãng phí...

Anh nói cháu là đừng trông mong vào ai giúp đỡ, gia đình cũng vậy, phải tự lo chứ ngồi đó mà nghĩ thế này thế kia rồi ỳ ra, lười nhác. Anh làm cho cháu cảm thấy mình là người ăn bám, con là gánh nặng của anh. Cuộc sống này khiến cháu thấy ngột ngạt thật sự.

Vợ chồng cháu ngày càng gần như xa cách vì anh không hề có hứng thú cùng nhau làm gì đó vui vẻ hay thương yêu chiều chuộng nhau. Giờ đây, nhiều lúc cháu thấy hối hận vì mua nhà, sinh con... Cháu thấy giá cứ sống như hồi yêu nhau, quen nhau... vui vẻ, nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Cháu phải làm gì để giúp anh cảm thấy bớt áp lực, vui vẻ, tự tin và mang lại tiếng cười, niềm vui cho gia đình của cháu hả cô? Chứ cứ như thế này hoài, cháu không biết cháu có thể chịu đựng được bao lâu nữa.

Thanh Nga

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu Thanh Nga thân mến,

Người ta thường bảo, trong những điều xui rủi, nếu chịu khó nhìn kỹ, nhìn sâu, nhìn đủ mặt trái, mặt phải... sẽ thấy những điều may mắn, phải không cháu?

Vậy thì trong việc cháu bị áp lực bởi những lo lắng của chồng, có phần thái quá (theo cháu nghĩ), cháu có thể nhìn thấy trong chồng cháu một người đàn ông có trách nhiệm, gánh vác và luôn nỗ lực cho đời sống gia đình.

Có một điều không thể không nhìn thấy là tình hình kinh tế của chúng ta, cũng như của cả thế giới, đang ở vào giai đoạn khó khăn. Điều này cô được nghe mỗi ngày, không chỉ trên báo chí, mạng xã hội, mà đi bất cứ đâu, gặp nhiều người, làm việc trong nhiều lĩnh vực, đều nghe mọi người nói về những khó khăn của mình.

Việc cắt giảm bớt nhân lực khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhìn thấy, nghe thấy điều đó, nhất là chứng kiến cảnh đột nhiên mất việc của đồng nghiệp, chồng cháu cảm thấy lo lắng, bất an cũng là điều bình thường.

Có lẽ chồng cháu không có chủ đích nói cháu lười, hay ỷ lại, coi cháu và con là gánh nặng... Thế nhưng việc một mình phải chịu trách nhiệm về gia đình, khi mà con còn nhỏ với bao nhu cầu, tiền nhà hàng tháng không ít... là một áp lực khá nặng. Chồng cháu lại cảm giác cô đơn chống chỏi một mình, không có ai tiếp sức, nên càng thêm lo âu.

Trong tình hình này, nếu cháu có thể thu xếp càng sớm càng tốt để có thể "chia lửa" với chồng, chính là điều tốt nhất giúp chồng bớt phần lo lắng, bất an, hoảng hốt. Để có thể làm như vậy, cháu cũng nên giảm bớt những yêu cầu cao của mình về công việc. Thứ nhất là nắm bắt thời cơ để làm việc và cho mình thêm thời gian bình tĩnh chờ những cơ hội thật sự tốt hơn. 

Trong khả năng thu nhập của chồng và việc làm thêm của mình, cháu hãy cố gắng cân đối chi tiêu, tìm cách có những khoản tiết kiệm, dự phòng nho nhỏ, để chồng cháu yên tâm là mình có một nội tướng có thể thu xếp, chu toàn được mọi việc. 

Đừng chê trách, khó chịu, bất mãn với những biểu hiện của chồng trong việc tiết kiệm mọi chi phí. Hãy quan sát, lắng nghe và xem xét, xem có phải chồng đang dần sa vào căn bệnh hiện nay người ta gọi là rối loạn lo âu hay không?

Hãy tìm những hoạt động vui vẻ, nhẹ nhàng mà... không tốn tiền để giúp chồng thoát khỏi những lo âu thường trực. Nó có thể là đi dạo cùng nhau buổi tối, cho con ra chơi ở những công viên công cộng, hay cùng chơi những trò chơi gia đình.

Hãy thể hiện với chồng rằng khó khăn là chuyện luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong đời sống. Nhưng tiếng cười, niềm vui là thứ miễn phí mà gia đình cần phải có được, để có thêm sức mạnh, sự đoàn kết mà "chiến đấu".

Dù sao đi nữa, cô nghĩ rằng đây cũng chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời của cả đất nước và từng gia đình. Khi nền kinh tế hồi phục, khi cháu đã có thể giúp chồng làm ra tiền bạc, vật chất, khi cả nhà cùng nỗ lực..., những lo âu hoảng hốt đó sẽ mất đi lúc nào không ai ngờ tới.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI