Chợ “bẩn” vây quanh các chợ đầu mối thực phẩm

21/08/2020 - 11:59

PNO - Bên trong chợ chính bán loại thực phẩm nào thì chợ tạm nằm bên ngoài cũng bán tương tự với giá rẻ hơn và chất lượng thực phẩm thì vô phương kiểm chứng. Tiểu thương trong các chợ đầu mối tại TPHCM nhiều lần kêu cứu vì tình trạng trên.

Cách nhau một dãy rào, giá thịt heo giảm một nửa

Ngay bên chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM), từ lâu, trên các đoạn đường Nguyễn Thị Sóc, đường số 4 và số 10 mọc lên những sạp hàng với đầy đủ chủng loại từ rau củ quả, thịt heo, đến thủy hải sản chẳng khác gì chợ đầu mối Hóc Môn thu nhỏ. Đáng chú ý, những sạp hàng này do không thuộc sự quản lý của chợ nên mọi quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm đều… trôi nổi. 

Chợ thực phẩm bẩn vây quanh các chợ đầu mối thực phẩm
Chợ thực phẩm bẩn vây quanh các chợ đầu mối thực phẩm

Nằm sát chợ đầu mối thịt heo lớn nhất của TPHCM nên đa số quầy của chợ tạm là quầy thịt heo. Có khoảng hơn chục hộ kinh doanh thịt heo tại đây. Nếu như trong chợ chính, các sạp hàng phải có móc treo, mổ xẻ thịt trên bàn inox, vận chuyển thịt bằng xe chuyên dụng thì ở khu chợ tạm, người bán chỉ để một chiếc bàn cũ xiêu vẹo, một mâm nhôm hay tấm bạt trải trên nền đất. Tại một số điểm bán tạm trên đường số 10, mỗi lần người mua yêu cầu, người bán lại mang xương, chân giò đặt lên miếng các-tông dưới đất, vô tư băm chặt. Hai bên đường, nước nhầy nhụa lẫn với đủ thứ rác thải. 

Mới 7g sáng nhưng không ít tảng thịt tại các sạp này đã biến màu, rỉ dịch. Đổi lại, giá bán cực rẻ, có khi chỉ bằng nửa giá so với sản phẩm cùng loại trong chợ chính. Chẳng hạn, giá giò heo trước bên trong chợ bán 85.000 đồng/kg thì bên ngoài chỉ từ 40.000-45.000 đồng/kg; sườn non bên ngoài đắt nhất cũng chỉ 115.000 đồng/kg, rẻ hơn trong chợ 35.000 đồng/kg, thịt nạc ở chợ tạm giá 90.000 đồng/kg, còn trong chợ chính 125.000 đồng/kg…

Cảnh buôn bán diễn ra ngay dưới lòng đường
Cảnh buôn bán diễn ra ngay dưới lòng đường

Chị Yến - chủ sạp thịt heo pha lóc K.T. bên trong chợ đầu mối Hóc Môn - cho hay, các điểm bán lề đường xuất hiện vài năm trở lại đây và với con mắt của người trong nghề, thịt ở các sạp lề đường “nhìn cũng đủ biết không thể làm thực phẩm”, nhưng nhiều người vẫn mua, thậm chí mua nhiều vì giá rẻ. Khi giá thịt heo tăng cao, các sạp trong chợ đầu mối ế ẩm nhưng các sạp thịt bên ngoài vẫn bán tốt. Theo chị Yến, từ khi xuất hiện các sạp thịt heo bên ngoài, lượng thịt bán ra tại sạp của chị giảm 50-60%. 

Theo nhiều tiểu thương trong chợ, họ bán giò heo giá 80.000-90.000 đồng/kg, bên ngoài bán khoảng 40.000 đồng/kg, nên với những quán ăn, bếp ăn tập thể, mỗi ký họ tiết kiệm được 40.000 đồng, tính vào lợi nhuận sẽ không ít. Điều khiến tiểu thương ở đây bức xúc là những người mua về chế biến luôn nhận mua thịt tại chợ Hóc Môn mà không nói là bên trong hay bên ngoài, khiến uy tín của các sạp trong chợ bị ảnh hưởng.

“Bên trong chợ chỉ toàn kinh doanh thịt nóng (thịt heo đưa trực tiếp từ các cơ sở giết mổ về), nếu có thịt đông lạnh thì phải đăng ký và nếu tự ý bán (không đăng ký) sẽ bị phạt rất nặng. Trong khi đó, bên ngoài chợ, thịt đông lạnh không biết còn hạn sử dụng hay hết vẫn được vô tư rã đông, bán như thịt nóng” - một tiểu thương trong chợ than phiền.

Đường Quản Trọng Linh “độc đạo” dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền luôn trong tình trạng bị chợ tự phát chiếm dụng, hàng hóa được bày lấn ra giữa lòng đường - Ảnh: Tam Nguyên
Đường Quản Trọng Linh “độc đạo” dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền luôn trong tình trạng bị chợ tự phát chiếm dụng, hàng hóa được bày lấn ra giữa lòng đường - Ảnh: Tam Nguyên

Chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8, TPHCM) cũng chung cảnh ngộ. Đoạn đường Quản Trọng Linh từ đại lộ Nguyễn Văn Linh dẫn vào chợ đầu mối này cũng tràn ngập các điểm bán hàng tạm bợ ăn theo các mặt hàng nông, thủy hải sản bên trong chợ. Những điểm bán này không thuộc sự quản lý của ai nên không thèm quan tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, trong khi các sạp trong chợ phải chịu hàng loạt quy định về quản lý, thuế, phí nên không thể cạnh tranh nổi. 

“Biết bẩn nhưng khó xử”

Theo đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, chợ “chồm hổm” kinh doanh thịt heo, nông, thủy hải sản quanh chợ chính tồn tại đã lâu, ảnh hưởng đến trật tự, vệ sinh và những hộ kinh doanh bên trong chợ. Các hộ kinh doanh ở vỉa hè, lề đường còn mang rác thải để xung quanh chợ, Ban quản lý chợ phải hằng ngày thuê người dọn dẹp vệ sinh. “Ban quản lý chợ nhiều lần phản ánh lên UBND huyện Hóc Môn và TPHCM nhưng tình hình không thay đổi” - đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho hay.

Ngày 25/5/2020, ông Đỗ Thanh Hòa - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đã ký Kế hoạch số 2201, yêu cầu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, hoạt động kinh doanh tại các điểm kinh doanh ở lề đường xung quanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự lòng, lề đường, xử lý nghiêm các hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với địa điểm, nội dung đăng ký kinh doanh và các điều kiện kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND huyện cũng giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban và yêu cầu đến cuối tháng 7/2020 thực hiện dứt điểm. Tuy nhiên, nay đã gần hết tháng Tám, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban An toàn thực phẩm TPHCM - chợ tạm bợ tồn tại xung quanh chợ là thực trạng không chỉ diễn ra ở các chợ đầu mối mà cả ở các chợ truyền thống khác. Trách nhiệm đã xác định ngay từ đầu là địa phương quản lý. Chính quyền địa phương cần làm tròn trách nhiệm của mình. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI