Chiến dịch tiêm chủng Đức đối mặt nhiều rủi ro

29/12/2020 - 07:52

PNO - Dựa trên số liệu mới của Rosstat công bố, Nga hiện có số người chết vì COVID-19 cao thứ 3 thế giới, sau Hoa Kỳ (333.140 người) và Brazil (191.139 người).

Chiến dịch tiêm chủng của Đức bị lu mờ bởi những rủi ro

Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Đức đã bị lu mờ bởi sự cố quá liều ở miền Bắc và các vấn đề trong việc vận chuyển vắc-xin ở miền Nam dẫn đến 1.000 mũi tiêm đã được gửi lại.

Một số quận ở Bavaria cho biết họ sẽ không sử dụng các mũi tiêm đã nhận được vào cuối tuần, do lo ngại vắc-xin do Pfizer và BioNTech phát triển không được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển.

Một người cao tuổi được chủng ngừa bệnh do coronavirus Pfizer-BioNTech (COVID-19) tại một viện dưỡng lão ở Burgbernheim, Đức
Một người cao tuổi được tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech (COVID-19) tại viện dưỡng lão ở Burgbernheim

“Có những nghi ngờ về việc liệu dây chuyền lạnh có được duy trì mọi lúc không?”, Christian Meissner - phát ngôn viên quận Lichtenfels - nói với Reuters.

Vắc-xin Pfizer và BioNTech, sử dụng công nghệ mRNA mới nên phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp khoảng - 70 độ C (âm 94 độ F) trước khi được chuyển đến các trung tâm phân phối. Sau khi được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, vắc-xin phải được giữ ở 2-8 độ C để duy trì hiệu quả trong tối đa 5 ngày. 

Trong khi BioNTech chịu trách nhiệm vận chuyển đến các trung tâm đông lạnh, chính quyền địa phương có nhiệm vụ cung cấp hệ thống vận chuyển an toàn đến các trung tâm tiêm chủng riêng lẻ.

Sau khi tham khảo ý kiến của Sở Y tế Bavaria, các quận của bang đã quyết định không sử dụng 1.000 mũi tiêm. Nhân viên y tế địa phương nói rằng họ sẽ không cảm thấy thoải mái khi dùng các mũi tiêm không đảm bảo, một lô vắc-xin mới đang được chuyển đến và chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu muộn một ngày.

Nga thừa nhận số người chết thực tế do COVID-19 cao hơn báo cáo

Nga cho biết số người chết vì COVID-19 của họ cao hơn gấp ba lần so với báo cáo trước đó. Cụ thể, cơ quan thống kê Rosstat thông báo số người chết được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 11 đã tăng 229.700 người so với năm trước.

Phó thủ tướng Tatiana Golikova phát biểu: “Hơn 81% tỷ lệ tử vong gia tăng trong giai đoạn này là do COVID-19” - đồng nghĩa với việc hơn 186.000 người Nga đã chết vì COVID-19.

Số người chết vì COVID-19 trên thực tế cao hơn báo cáo ở Nga.
Số người chết vì COVID-19 trên thực tế cao hơn báo cáo ở Nga

Các quan chức y tế Nga đã ghi nhận hơn 3 triệu trường hợp nhiễm virus kể từ khi đại dịch bắt đầu nhưng Nga chỉ báo cáo 55.265 trường hợp tử vong - tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề khác. Một số chuyên gia Nga nói rằng chính phủ đang cố gắng giảm bớt sự bùng phát của đất nước.

Nga đã bị chỉ trích vì chỉ liệt kê các trường hợp tử vong do COVID-19 khi khám nghiệm tử thi xác nhận virus là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết.

Dựa trên số liệu mới của Rosstat công bố, Nga hiện có số người chết vì COVID-19 cao thứ 3 thế giới, sau Hoa Kỳ (333.140 người) và Brazil (191.139 người).

Trong khi các biện pháp nghiêm ngặt đã được chính phủ Nga áp dụng ở một số thành phố lớn, chính quyền địa phương cũng tăng cường yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng và giảm bớt các cuộc tụ tập đông người. 

Nga dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 3,9% trong năm 2020, trong khi Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ còn giảm sâu hơn.

Nam Phi cấm bán rượu

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tái áp dụng lệnh cấm bán rượu và ra lệnh đóng cửa tất cả quán bar như một phần của những hạn chế mới nhằm giúp đất nước chống lại sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh, bao gồm biến thể mới của virus.

Bên cạnh đó, ông Ramaphosa cũng thông báo đóng cửa tất cả các bãi biển và bể bơi công cộng tại các điểm nóng của đất nước, bao gồm Cape Town, Johannesburg, Durban và một số khu vực ven biển. 

Ngoài ra, Nam Phi sẽ kéo dài thời gian giới nghiêm vào ban đêm thêm 4 giờ, yêu cầu tất cả người dân phải ở nhà từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng.

“Hành vi liều lĩnh do say rượu đã góp phần làm gia tăng khả năng lây truyền virus. Các tai nạn liên quan đến rượu và bạo lực đang gây áp lực lên các đơn vị cấp cứu của bệnh viện chúng tôi” - Tổng thống Ramaphosa nói.

Lệnh cấm bán rượu và các hạn chế mới, bao gồm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc bị buộc tội hình sự, sẽ có hiệu lực vào nửa đêm ngày 28/12 (giờ địa phương).

Theo các chuyên gia, các hạn chế này thực sự cần thiết khi các ca nhiễm virus tăng cao đột biến, nâng tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận của Nam Phi lên con số 1 triệu.

“Gần 27.000 người Nam Phi đã chết vì COVID-19. Số ca nhiễm mới đang tăng với tốc độ chưa từng có. Hơn 50.000 trường hợp mới đã được báo cáo kể từ đêm Giáng sinh” - Tổng thống Ramaphosa cho biết.

Chung Thu Hương (theo AFP, Reuters và AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI