Chỉ 20% trẻ tại huyện Hóc Môn được học trường mầm non công lập

16/09/2022 - 11:22

PNO - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, trường công lập trên địa bàn huyện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 20% trẻ trên toàn huyện.

Trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TPHCM về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng thừa nhận, huyện gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT 2018.

Dân số đông, lên đến 600.000 người, mỗi năm tăng khoảng 20.000 dân, tăng thêm trung bình 2.000 học sinh nhưng tốc độ xây dựng trường học, cơ sở vật chất của huyện Hóc Môn không đảm bảo.

"Hiện nay, huyện có 35 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư từ giai đoạn 2015-2020 song mới chỉ có 3 dự án được duy vốn và đang thi công. 32 dự án còn lại chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, do thành phố chưa phân bổ được nguồn vốn. Trong thời gian tới, nếu thành phố không có kinh phí thì khả năng đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn huyện sẽ rất khó khăn, bởi theo tính toán, mỗi năm huyện phải tăng từ 50-60 phòng học", ông Dương Hồng Thắng thông tin. 

các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng được hơn 20% số lượng trẻ trên địa bàn
các trường mầm non công lập ở huyện Hóc Môn mới chỉ đáp ứng được hơn 20% số lượng trẻ trên địa bàn

Ông cho biết thêm, thực tế sĩ số trung bình ở cấp tiểu học là 45 em/lớp, cấp THCS là 47, 48 em song thời gian tới khả năng con số này sẽ tăng, gây khó khăn trong việc sắp xếp. Tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày còn thấp, ở cấp THCS, mới chỉ đạt hơn 50%. Đến thời điểm này, các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng được hơn 20% số lượng trẻ trên địa bàn. 

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn nhận định, có một điều bất cập là có rất ít trường tư thục, dân lập đóng trên địa bàn huyện. Thời gian qua một số nhà đầu tư muốn hợp tác đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhưng không thể thực hiện, vì không phù hợp với quy hoạch, không những vậy, từ đất ở cho thuê, chuyển sang đất giáo dục, đến khi không cho thuê nữa phải chuyển sang đất ở thì rất khó khăn, thậm chí không thể sử dụng vào mục đích khác.

Ngoài ra, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên. Vừa rồi, huyện tuyển dụng gần 1.000 giáo viên nhưng chỉ tuyển được hơn 300. Dự kiến, năm 2022, huyện sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm 700 giáo viên nữa, song khả năng số lượng không đảm bảo. 

"Trung bình, thu nhập mỗi tháng của giáo viên trên địa bàn huyện khoảng 5-6 triệu đồng. Trước đây, các trường không đề xuất tuyển dụng mà ký hợp đồng khoán việc để giáo viên giảng dạy. Việc này rất nguy hiểm, vì khi ký hợp đồng mà không tuyển dụng nếu lỡ xảy ra tình huống liên quan đến việc dạy và học không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo quy định thì hậu quả sẽ rất lớn. UBND huyện đã phải xử lý chấm dứt hợp đồng với gần 300 trường hợp, đồng thời thực hiện tuyển dụng. Như vậy, rất cần có cơ chế chính sách để thu hút giáo viên", Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng nhận định. 

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM - cho hay, theo tìm hiểu, tại huyện Hóc Môn, có một số trường tiểu học tăng sĩ số lên tới 57 học sinh/lớp để học 2 buổi/ngày. Nếu giảm sĩ số, học 1 buổi/ngày thì phải học thêm buổi chiều và thứ Bảy, như vậy sẽ thiếu giáo viên cũng như tăng áp lực cho giáo viên. 

Bà cho biết đoàn sẽ kiến nghị với UBND TP để tăng cường đầu tư với các dự án chưa được duy vốn. Đồng thời, kiến nghị UBND huyện tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp trong giai đoạn mới. Trong đó, quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI