Chênh vênh vợ tiến chồng lùi

24/03/2019 - 06:00

PNO - Tiến để mở mang, hoàn thiện, để cải thiện chất lượng sống của gia đình; nhưng nếu vượt ngoài sự dưỡng nuôi hạnh phúc, gắn kết hôn nhân thì… đường dài và rộng em cứ bước một mình.

Sắp cua xe vô con hẻm về nhà, giọng anh giòn tan: “Bưởi ế hông Tư? Còn mấy trái mua giùm con”. Bà Tư, chủ quán cà phê ngay ngã ba, đáp lại: “Tư mới mua hôm qua. Thôi mang về, mai bán tiếp. Bưởi chứ cá thịt chi đâu mà lo”. Chừng 5 phút sau, vợ anh cũng về. Nhìn chị, khách trong quán, cũng là dân trong xóm, xì xào: “Thằng bán bưởi phải thế nào chứ kiểu này mất vợ như chơi”.

Thôi ta đứng lại

Năm năm trước, vợ chồng anh quyết định bán căn hộ ở trung tâm thành phố, dọn về H.Bình Chánh sinh sống. Nhà mới nằm trong con hẻm nhỏ, không có mặt bằng, anh ra chợ, thuê ki-ốt, mở cửa hàng trái cây. Vài ngày một lần, anh về quê Vĩnh Long, gom mít, sầu riêng, đu đủ vườn… lên bán. Người trong xóm quen thấy anh mang đôi dép xẹp, quần jeans bạc, áo sơ-mi cũng bạc. Gặp ai quen, anh xởi lởi rao hàng: “Có trái mít tố nữ chín cây nè, lấy hông?”. Nắng mưa bươn bả nhuộm da anh đen nhẻm, nhưng nụ cười ít khi tắt trên môi.

Chenh venh vo tien chong lui
 

Hình ảnh chị lại đối nghịch: tươm tất, sang trọng, công việc bận rộn, ít giao du xóm làng. Hồi đầu, biết chị làm thư ký tòa án, khắp xóm rỉ tai nhau, chắc anh tu tám kiếp mới cưới được chị. Ba năm sau, cái thước đo… nghề nghiệp lại được lối xóm đem ra: anh vẫn bán trái cây, chị trở thành thẩm phán. Bà Tư - “bảng tin” của cả xóm - quả quyết: “Ngọc bán bánh tét, sát nhà vợ chồng đó, kể hai đứa đó đổi vai: chồng cơm nước, con cái; vợ kiếm tiền đưa chồng”. Nói đoạn, Tư gãi tai: “Mà khoan, Huyền ve chai bảo, con vợ nhà đó, dù có làm chức gì cũng không dám bỏ chồng. Nghe đâu con vợ có được ngày hôm nay là nhờ ông bác bên chồng làm chức lớn”. Ông khách quen ngồi bên Tư, trề môi: “Kiểu gì thì vợ chồng khập khiễng quá cũng khó lâu dài”.

Có lần, Tư giữ không nổi nỗi băn khoăn, nhân lúc mua đu đủ, đùa anh: “Vợ đẹp, lại giỏi, có sợ mất không mậy?”. Anh hồn nhiên: “Bọn con hạnh phúc lắm Tư ơi”. Anh đi rồi, Tư càng thấy khó hiểu. Cho đến nửa năm trước, anh dẫn con ra mua nước ngọt. Tư níu hỏi anh chuyện làm sao phân biệt bơ sáp với bơ thường. Con bé chờ lâu, cầm tay anh lắc lắc: “Ba về nhanh, mẹ chờ ba về đọc án cùng kìa”. Tư trố mắt, anh gãi đầu phân bua: “Xưa con cũng học luật mà Tư”. “Rồi sao mầy không đi làm luật, lại đi bán trái cây” - Tư hỏi. “Vợ con làm rồi thì con nghỉ, kiếm việc khác thôi Tư” - anh cười tươi rói.

Hóa ra Ngọc bánh tét quả quyết vợ chồng anh đổi vai là đúng. Nhưng, Tư trăn trở, đàn ông đàn ang lùi về “hậu cứ”, liệu vợ có khinh không; rồi hạnh phúc ấy liệu có được lâu dài?

“Chòi đạp” mấy khi được ấm êm?

Hôn nhân chưa bao giờ là một cuộc so bì hoặc chạy đua xem ai “rạng rỡ” hơn trên thước đo công việc, thu nhập, học thức hay chỗ đứng trong xã hội. Nhưng cũng chẳng phải ngẫu nhiên, xóm của Tư hay miệng đời nói chung lại thấy lạ lẫm, bất an cho những đôi vợ chồng với cái hơn nghiêng về người vợ. Tư kể, cách nhà Tư mấy căn, có vợ chồng Dũng thợ sắt: “Cái thằng, suốt ngày hàn đục, để bụi sắt bám đen hết cả mặt; trong khi vợ nó làm giáo viên, sạch sẽ, xinh xắn. Ngày con vợ học xong thạc sĩ là tụi nó… khó nói chuyện. Con bé chê chồng hèn mọn, không còn tìm thấy tiếng nói chung, khác biệt quan điểm, lối sống gì đó, nên sắp ra tòa ly hôn rồi”.

Chenh venh vo tien chong lui
Ảnh minh họa

Con gái bà Tư phụ má bán cà phê, chậc lưỡi: “Nhiều khi do mấy ông gia trưởng, hay tự ái, mặc cảm vì quen nghĩ vợ nhất định không thể hơn chồng. Như con nè! Má có nhớ hồi học xong trung cấp, con thèm liên thông lên đại học y mà chồng con quyết liệt cấm. Ổng kêu con học cao hơn là ổng bỏ”. Cô chùng giọng: “Hồi đó mà con kiên quyết, biết đâu giờ thành bác sĩ chứ đâu phải bán thuốc tây thuê hoài”.

Nhờ công việc, tôi quen thân vợ chồng anh, nghe chị tâm tình: “Ảnh bỏ nghề chứ kiến thức nghề vẫn đó, cùng nghiên cứu với chị hoài đó em. Bạn bè nói ảnh đứng yên, tức là đang lùi, nhưng thực ra ảnh còn giỏi hơn chị”. Tôi ái ngại hỏi lý do anh bỏ nghề luật sư, chị tình thật: anh thẳng tính, nhiều vụ việc thân chủ sai, anh từ chối bào chữa.

Đặc biệt, anh bị chứng đau đầu, chữa không hết. Nhiều đêm, chị khổ sở chứng kiến anh vốc cạn nắm thuốc để đẩy lùi cơn đau. Có khi đau quá, anh nhăn nhó, vợ con lãnh đủ. Mấy năm trời anh đeo lên mình bộ mặt đăm đăm, khó gần, con nhìn cha cũng sợ. Anh bỏ nghề, để tìm sự thư thả. Không còn cáu gắt, ít đau đầu, gia đình vui vẻ hơn. “Theo em, ảnh như vậy là đang tiến hay lùi?” - chị hỏi mà không cần tôi đáp.

Thường, ngày về chung nhà, vợ chồng xuất phát ít chênh nhau. Nhưng đặc thù công việc, lắm khi người vợ “buộc” phải tiến. Tốt nghiệp đại học, bạn tôi được giữ lại giảng dạy, rồi học lên thạc sĩ đến tiến sĩ. Chồng bạn vẫn làm nhập liệu cho công ty chuyên thiết kế website. Ai chê chênh mặc kệ, họ cứ nắm tay trên đường hạnh phúc.

Suy cho cùng, cuộc đời ai chẳng muốn tiến lên, nhưng bằng tâm thế nào mới là quan trọng. Các bà nghênh ngang: “Chồng làm sếp, mắc gì tôi lùi về hậu phương; nhất định tôi phải sánh ngang chồng mới không lo mất chồng”. Sự “chòi đạp” đó, đôi khi chẳng đến kết quả ấm êm. Tiến để mở mang, hoàn thiện, để cải thiện chất lượng sống của gia đình; nhưng nếu vượt ngoài sự dưỡng nuôi hạnh phúc, gắn kết hôn nhân thì… đường dài và rộng em cứ bước một mình. Còn ông chồng nào ngăn bước bạn tiến vì tư duy hẹp hòi, sợ thua kém, có lẽ cho vỡ luôn là vừa. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI