Chạy nạn lở đất ở vùng cao Nghệ An

29/09/2022 - 06:05

PNO - Mưa lớn kéo dài gần một tháng khiến đất sạt lở khắp nơi, vùi lấp nhiều nhà cửa và tuyến đường ở xã Bảo Nam, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Lo sợ nhà cửa bị vùi lấp, hàng chục hộ dân phải tháo dỡ nhà cửa, tài sản mang đến nơi an toàn, dựng lán trại sống tạm.

Chạy nạn về thì không thấy nhà nữa

Hơn nửa tháng sau trận lũ quét càn qua, người dân xã Bảo Nam vẫn đang khổ sở tìm cách bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Người dân lần lượt tháo dỡ những căn nhà sàn nằm sát vách núi, mép suối để tránh bị núi lở vùi lấp. 

Người dân giúp đỡ nhau dựng lán tạm để ở
Người dân giúp đỡ nhau dựng lán tạm để ở

Ông Cụt Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam - cho biết mưa lớn kéo dài gần một tháng qua khiến đất sạt lở khắp nơi. Phần lớn ngọn núi ở đây đều đã ngấm sũng nước, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. 

Chỉ tay về phía vạt núi loang lổ sau trận lũ quét ở bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, chị Ven Thị Hồng nói: “Nhà tui trước ở chỗ đó, giờ không còn chi nữa”. Người phụ nữ 30 tuổi này kể, khuya 4/9, trời mưa to, nước lũ dâng cao, vợ chồng chị cùng ba người con phải chạy sang nhà người thân để tránh lũ. Hơn 1g sáng 5/9, lũ quét bắt đầu ập tới, vùi nhiều căn nhà trong bùn đất, trong đó có nhà chị. Chị ngậm ngùi: “Quay về thì không thấy nhà mô (đâu) nữa, tài sản cũng bị bùn đất vùi hết”. 

Anh Cụt Văn Tuyền nhớ lại, lúc lũ quét ập về, cả gia đình anh vẫn đang ngủ. May là vợ anh kịp tỉnh giấc, kêu cả nhà dậy tháo chạy khi ngọn núi sau nhà bắt đầu đổ ập xuống. “Lúc đó là 2g sáng, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng ào ào sau núi. Chúng tôi chỉ kịp chạy ra ngoài rồi đứng nhìn nhà sập chứ không kịp lấy được gì. Lúc đó, trời mưa như trút nước” - anh Tuyền kể.

Bản Nam Tiến 2 có 52 hộ người dân tộc Khơ Mú. Họ dựng nhà sống san sát nhau dọc tuyến đường vào xã, một bên là núi cao, bên kia là sông sâu. Tranh thủ những ngày nắng lên, họ giúp nhau dọn dẹp, khắc phục hậu quả của trận lũ quét. Nhưng khi chưa kịp dọn hết bùn đất thì họ thấy một vết nứt dài hơn 500m, có những đoạn sâu gần 1m, rộng hơn 20cm, kéo dài từ đầu đến cuối bản, chạy qua nhiều ngôi nhà. Thế là, họ buộc phải bỏ nhà đi tìm nơi lánh nạn. 

Ông Moong Văn Chăn - Chủ tịch UBND xã Bảo Nam - nói: “Nhà nào ở ghép được với người thân thì tạm thời ở nhờ. Nhà nào không ghép được thì ở tạm trong trường mầm non của xã. Chỗ ở chật chội, các cháu mầm non cũng bị mất phòng học nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn - cho biết bản Nam Tiến 2 có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn bởi các vết nứt trong bản đang ngày càng lan rộng. Riêng vết nứt chạy giữa bản vừa to vừa sâu khiến những ngôi nhà kiên cố cũng bị nứt toác, có nguy cơ đổ sập. Ông nói: “Chỉ riêng vết nứt giữa núi chạy xuyên qua bản cũng có thể kéo cả quả núi đổ xuống, vùi lấp toàn bộ khu vực này. Đó là chưa kể những vết nứt ở dưới và trên núi”. Ông cho hay, chính quyền địa phương đã yêu cầu toàn bộ người dân bản Nam Tiến 2 phải di dời để đảm bảo an toàn.

Sống chật vật trong lán trại

“Giờ trắng tay rồi, không còn chi nữa” - anh Cụt Văn Tuyền mếu máo. Anh kể, vợ chồng anh phải tích cóp, vay mượn mãi mới dựng được căn nhà sàn hai gian để ở. Nhưng chỉ sau một đêm, nhà bị trôi, lấp, những cây cột trụ cũng bị gãy đôi, không thể tận dụng để dựng lại nhà. Anh đành mót số cây, gỗ còn lại trong đống đổ nát, kéo đến một miếng đất trống cách nhà chừng 50m, dựng một chiếc lán 4m2 để ở tạm. 

Lực lượng chức năng lội suối mang nhu yếu phẩm vào tiếp tế người dân vùng có lũ quét
Lực lượng chức năng lội suối mang nhu yếu phẩm vào tiếp tế người dân vùng có lũ quét

“Anh em thương, cho mượn vài tấm tôn để lợp mái. Chính quyền cũng hỗ trợ gạo, mì tôm nên bữa giờ không phải đói. Nhưng chúng tôi không biết sẽ bám trụ được đến khi nào” - anh Tuyền lo lắng.

Cách đó không xa, lán của gia đình chị Ven Thị Hồng, rộng chừng 5m2. Hơn nửa tháng qua, gia đình năm người này phải nấu ăn, ngủ nghỉ trong cái lán bé xíu. Bên trong lán, ngoài mấy chiếc chiếu, chăn để ngủ, tài sản của gia đình này chỉ còn lại mấy cái nồi cũ để nấu ăn hằng ngày. Vách lán là những tấm gỗ lấm lem bùn đất, hở toác, không thể ngăn gió, ngăn mưa. 

“Ban ngày còn đỡ chứ ban đêm, nước mưa cứ hắt vào, không thể nằm được, phải dậy cuốn chăn chiếu để tránh bị ướt” - chị Hồng kể. Thương cảnh vợ con không ngủ được, anh Ven Phò Hồng - chồng chị Ven Thị Hồng - tìm ni-lông để che chắn. Do dầm mưa nhiều, anh bị sốt cao, phải nhập viện.

Ông Cụt Phò Thương - ở bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam - cho biết mỗi đêm mưa lớn, cả nhà ông không dám ngủ trên sàn mà kéo nhau xuống gầm sàn ngủ. Không thể trì hoãn thêm, ông đành nhờ người thân, hàng xóm hỗ trợ tháo dỡ ngôi nhà sàn ba gian. Phải mất gần một ngày, hơn chục người chung tay mới có thể tháo xong nhà, đưa gỗ đến một nơi an toàn.

Ông Cụt Văn Thắng cho biết đến nay, chính quyền địa phương cùng người dân đã hỗ trợ 19 gia đình dựng lán tạm để ở, tránh sạt lở đất. Hiện vẫn còn 20 gia đình chưa có lán tạm, vẫn đang phải ở nhờ trong trường mầm non. Hơn nửa tháng qua, do mưa to liên tục nên UBND xã phải cắt cử người trực 24/24g mỗi ngày để khắc phục hậu quả mưa lũ, theo dõi tình hình sạt lở đất, hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa.

Theo ông, việc dựng lán trại chỉ là phương án tạm thời. Để người dân ổn định cuộc sống, UBND xã đã kiến nghị cấp trên sớm có dự án tái định cư cho người dân. Trong khi chờ dự án, chính quyền, đoàn thể xã nỗ lực quyên góp nhu yếu phẩm, nước sạch cho bà con vùng bị sạt lở. “Sạt lở đất khiến các đường ống dẫn nước bị hư hỏng hết. Để có nước sạch dùng, người dân phải đi rất xa, đến khu vực sạt lở nên rất nguy hiểm” - 
ông nói.

Ông Thò Bá Rê cho hay, đợt mưa lũ từ đầu tháng đến nay đã gây thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng, cao gấp năm lần mức thu ngân sách của huyện trong một năm. Dự kiến, mức thiệt hại sẽ còn tăng do tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp diễn. Trước mắt, UBND huyện đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhu yếu phẩm để tiếp tế cho dân. Riêng kinh phí để khắc phục hậu quả mưa lũ thì UBND huyện không xoay xở được. 

Ông nói: “Mỗi năm, cả huyện thu ngân sách chưa được 20 tỷ đồng. Chúng tôi đã lên kế hoạch tái định cư cho bà con bản Nam Tiến 2 từ ba năm trước nhưng do không có tiền nên chưa làm được. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND tỉnh để sớm có kinh phí triển khai dự án tái định cư dân”.

Gửi thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ dân dựng lại nhà

Ông Quang Văn Coóng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Chiêu Lưu, H.Kỳ Sơn - cho biết đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 15 gia đình phải di dời khẩn cấp. Đến nay, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hai gia đình dựng lán tạm để ở, những hộ khác đang phải ở nhờ nhà người thân, hàng xóm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Chiêu Lưu đã ra thư ngỏ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân.

Ông nói: “Ngoài gạo, mì tôm, chúng tôi cũng nhận được một ít tiền. Nếu được ủng hộ nhiều tiền, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân dựng lại nhà; nếu ít tiền, chúng tôi sẽ giúp họ dựng lán tạm”.

Bài và ảnh: Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI