Người miền Trung lại lo đất lở, nhà trôi

22/08/2022 - 06:34

PNO - Năm nào, miền Trung cũng xảy ra hiện tượng mưa lớn dồn dập, bão chồng bão. Trước mùa mưa bão năm nay, người dân khu vực này lại thấp thỏm lo đất lở, nhà trôi, mùa màng mất trắng.

Nước sông cứ chực nuốt nhà

Giữa tháng 8/2022 chúng tôi tìm về thôn Xuân Lộc, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ở đây, cứ đến mùa mưa, bà con ở ven sông lại phải tìm nơi tản cư vì lo bờ sông bị sạt lở. Tại tổ 2, thôn Xuân Lộc, những đám ruộng gần bờ sông Ô Lâu đã bị nước ngoạm vào từng mảng. Trước đây, con đường làng ven sông có một hàng tre lâu năm chắn giữ nhưng nay đã bị đổ ụp xuống sông nên nhà dân rất dễ bị cuốn trôi. Ở thôn Xuân Lộc, hiện có khoảng tám điểm sạt lở, có điểm thụt sâu vào đất liền gần 20m. 

Cứ đến mùa mưa lũ, người dân thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại di tản vì lo sợ mưa bão, sạt lở bờ sông ẢNH: THUẬN HÓA
Cứ đến mùa mưa lũ, người dân thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại di tản vì lo sợ mưa bão, sạt lở bờ sông - Ảnh: Thuận Hóa

Bà Dương Thị Muốn - 78 tuổi, ở xã Hải Chánh - cho biết, đoạn sông Ô Lâu chảy qua xã đã sạt lở nhiều năm nay, bãi bồi rộng khoảng 5.000m2 giữa sông cũng biến mất. Bờ hai bên sông đều bị nước ngoạm sâu vào khoảng 15 - 20m. Bà so sánh: “Hồi trước, chúng tôi còn trồng hoa màu trên bãi bồi ở giữa sông; vào mùa khô, nước sông cạn lắm, trẻ con lội qua được. Bây giờ thì bãi bồi không còn, nước sông sâu như không có đáy”. Theo bà con, một số đoạn bờ sông đã được xây kè, nhưng do bờ kè quá thấp so với đất liền nên mỗi khi có lũ, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn. 

Ông Hồ Lữ - 60 tuổi, ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - cho biết, những năm qua, đoạn sông Thạch Hãn chảy qua thôn này lấn vào đất liền mấy chục mét. Nhà ông xây cách đây hơn 20 năm, cách bờ sông khá xa nhưng nay chỉ còn cách mép sông 3m.

Chạy lũ do sạt lở bờ sông là cảnh mà người dân thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn rùng mình nghĩ tới khi mà sông Gianh đang lấn dần vào đất liền. Ông Nguyễn Xuân Triền - Trưởng thôn Lạc Sơn - nói: “Cứ tới mùa mưa lũ là thôn Lạc Sơn lọt thỏm giữa dòng chảy của sông Gianh. Hễ nước sông dâng cao, người dân phải mang theo áo quần, lương thực, bỏ nhà lên các lèn đá để tránh lũ. Vì vậy, người làng gọi Lạc Sơn là “thôn chạy lũ”. Chị Lê Thị Hồng Phước nói: “Mười năm qua, bà con thôn Lạc Sơn đã viết đơn cầu cứu, xin di dời nhưng chưa được bố trí nơi tái định cư. Bây giờ, dân phải tranh thủ làm kè trước mùa mưa, tự cứu lấy mình”. 

Kè chống sạt lở bờ biển tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi đang trong giai đoạn hoàn thiện - ẢNH: THANH VẠN
Kè chống sạt lở bờ biển tại thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi đang trong giai đoạn hoàn thiện - Ảnh: Thanh Vạn

Ở tỉnh Quảng Ngãi, hai khu tái định cư cho gần 120 hộ dân ở huyện Sơn Tây khó hoàn thành được trong mùa mưa bão năm nay. Hai khu này rộng gần 8ha, tổng vốn đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Sau những trận mưa lớn năm 2020, nhà cửa của người dân thôn Ra Pân, xã Sơn Long bị nước bùn nhấn chìm. Tới nay, 56 hộ dân vẫn chưa được cấp đất tái định cư, phải dựng nhà ở tạm, được chính quyền cấp điện miễn phí. Đó cũng là cảnh ngộ của hơn 60 hộ dân xã Sơn Bua.

Xây kè kiên cố ngăn sóng biển

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, hiện tượng sạt lở diễn ra liên tục hai bên bờ các sông chính như Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma, Ô Lâu… Tùy theo địa chất, tốc độ sạt lở bờ khác nhau, có nơi 1 - 2m/năm, có nơi 10 - 15m/năm.

Cứ đến mùa mưa lũ, người dân thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại di tản  vì lo sợ mưa bão, sạt lở bờ sông - ẢNH: THUẬN HÓA
Cứ đến mùa mưa lũ, người dân thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại di tản vì lo sợ mưa bão, sạt lở bờ sông - Ảnh: Thuận Hóa

Sạt lở bờ sông làm mất đất thổ cư, đất canh tác, khiến người dân một số nơi của huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị phải di dời nhà ở. Sạt lở xảy ra ở 110 thôn, khu phố của 65 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng hơn 4.520 hộ dân. Trong đó, 800 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm (cách mép sông gần 20m). Trong vòng 11 năm (2010 - 2021), khoảng 385ha đất sản xuất ở tỉnh Quảng Trị đã bị nước sông cuốn trôi, gần 50km đường, 75km đê điều hư hỏng.

Trước mùa mưa lũ, nhiều người dân sống ven biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lo bị biển nuốt nhà. Theo thống kê, có hơn 12,4km bờ biển bị sạt lở nặng, tập trung tại các xã của hai huyện Phú Lộc, Phú Vang. Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang - cho biết, xã có tổng chiều dài bờ biển khoảng 5,2km. Trung bình mỗi năm, biển lấn vào đất liền khoảng từ 5 - 7m. Hiện nay, xã có khoảng 21 hộ bị ảnh hưởng nặng nề do sạt lở bờ biển, cần được di dời đến nơi ở mới an toàn. 

Theo ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - chính quyền tỉnh đã đầu tư xây kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 6,5km; trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang và ven biển. Về lâu dài, phải xây kè kiên cố, di dời các hộ sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Nhiều khả năng xảy ra bão chồng bão, lũ chồng lũ

Ông Phạm Văn Chiến - Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ - cho biết, dự báo từ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có thể đón 9 cơn bão, trong đó khoảng 4 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Để chủ động ứng phó với mưa bão, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ và các đài tỉnh đã chủ động xây dựng phương án chi tiết hóa các bản tin cảnh báo thiên tai, đưa ra các khuyến cáo phù hợp với hiện trạng tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dự báo. 

Mùa bão năm nay được dự báo đến muộn nhưng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của hiện tượng La Nina. Do đó, người dân cần đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, có nhiều khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, diễn biến bất thường. Cũng do tác động của La Nina, từ tháng 10 - 11/2022, khu vực ven biển Trung bộ có khả năng xảy ra mưa lớn dồn dập. Tình trạng bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ như năm 2020 có thể tái diễn, kéo theo đó là nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Dự báo, tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở Bắc Trung bộ cao hơn từ 10 - 25% so với mức trung bình của các năm trước; tháng 11/2022, lượng mưa xấp xỉ mức trung bình các năm.

Thuận Hóa

Quảng Ngãi: Xây xong hai tuyến kè trước mùa mưa bão

Tại tỉnh Quảng Ngãi, dự án đầu tư xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi đang được các nhà thầu thi công, hy vọng sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão 2022, với kinh phí 85 tỷ đồng. Công trình kè chống sạt lở bờ biển các thôn Thanh Thủy, Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, xã Bình Hải, H.Bình Sơn với tổng chiều dài 563,6m cũng đang được xây. Ông Phạm Cầu - Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải - cho biết, việc thi công đã đạt hơn 50% khối lượng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão tới.

Nhóm phóng viên miền Trung

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI