Châu Âu "vỡ trận": Thư Luân Đôn

11/03/2020 - 11:56

PNO - Những gì xảy ra ở Việt Nam vài tuần trước giờ đang dần diễn ra ở Anh: trường học đóng cửa, giấy vệ sinh và thực phẩm sạch bách trong siêu thị...

Người dân Luân Đôn đeo khẩu trang phòng dịch - Ảnh: Reuters
Người dân Luân Đôn đeo khẩu trang phòng dịch - Ảnh: Reuters

Khoảng ba tuần trước, chai nước rửa tay lúc nào tôi cũng để sẵn trong túi xách chỉ còn một phần ba, tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi ra Boots, chuỗi cửa hàng bán dược phẩm và sản phẩm làm đẹp lớn ở Anh để mua chai thay thế.

Nhân viên cửa hàng bảo hết hàng rồi. Linh cảm tình hình sẽ giống như những gì nghe thấy đã xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc trước đó, tôi vội nhắn tin cho chồng mua vài chai ở khu vực trung tâm gần nơi anh làm việc. Cuối ngày, anh về tay không, bảo đã đi thử vài cửa hàng, nhưng đều hết. Lúc ấy, ở Anh chỉ mới có hai ca nhiễm.

Từ sau tết Nguyên đán, tôi thường xuyên xem báo trong nước để theo dõi tình hình dịch vì lo lắng cho người thân và bạn bè ở quê nhà. Những tin tức như khẩu trang hết hàng đội giá, nước rửa tay khan hiếm, những kệ hàng trong siêu thị trống rỗng, trẻ con phải nghỉ học vô thời hạn, làng xã, thành phố bị phong tỏa làm tôi thêm bồn chồn.

Đã định mua một ít nước rửa tay để gửi về cho gia đình, nhưng gia đình bảo không cần đâu, chỉ là khan hiếm giả tạo, ở nhà vẫn ổn. Đến khi tình hình dịu lại, Trung Quốc có vẻ đã kiềm chế được số ca lây nhiễm, tình hình ở Việt Nam xem ra đã ổn định, có lẽ người dân đã dần quen và hiểu rằng căn bệnh tuy có mức độ lây nhiễm nhanh, nhưng không phải nan y và có thể được chữa trị, thì lúc này gió đã đổi chiều.

Tôi và mọi người trong văn phòng hơi bất ngờ khi nghe tin Ý đã trở thành ổ dịch chỉ trong vài tuần. Tin tức về dịch xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí và ti vi tại Anh.

Những gì đã xảy ra ở Việt Nam vài tuần trước, giờ đang dần dần diễn ra ở Anh: trường học đóng cửa, giấy vệ sinh và một số thực phẩm sạch bách trên kệ trong siêu thị, cách ly bắt buộc và tự nguyện. Mới đây, em trai tôi đã hỏi vợ chồng tôi có cần nước rửa tay không, em sẽ gửi từ Việt Nam sang!

Theo nhận định cá nhân, chính phủ Anh đã có những biện pháp khá kịp thời để ngăn chặn dịch lây lan ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát. Số người về từ vùng dịch được chở ngay đến vùng cách ly. Phòng ốc khá sạch sẽ và đầy đủ thức ăn.

Tuy nhiên, khi dịch lây lan nhanh ở châu Âu, tình hình có vẻ ngoài tầm kiểm soát. Giám đốc công ty tôi kể rằng, hôm ông từ Tây Ban Nha về lại Anh cách đây một tuần, ở sân bay, không một ai đeo khẩu trang, cũng chẳng ai kiểm soát thân nhiệt gia đình ông cả. 

Những ngày đầu, chính phủ cũng cam kết Bộ Y tế Anh sẽ chuẩn bị đầy đủ nhân lực và thiết bị để đối phó với tình hình dịch bệnh. Nhưng gần đây, thay vì cách ly tập trung, nhà nước và Bộ Y tế khuyến khích người có triệu chứng bệnh nên tự cách ly tại nhà, không nên đến bệnh viện mà chỉ gọi số khẩn để được hướng dẫn qua điện thoại và phát thuốc tại nhà. 

Khi tôi đang viết những dòng này, báo chí đăng tin chính phủ Anh vẫn ra những quyết định nghe có vẻ nghịch lý và phật lòng nhiều người, ví dụ như người về từ vùng dịch như Ý chẳng hạn không cần phải kiểm tra thân nhiệt, vì mỗi chuyến bay chỉ từ 2 đến 3 tiếng, trong khi thời gian ủ bệnh là 120 tiếng, nên việc kiểm tra tại sân bay sẽ để “sổng” hầu hết các ca nhiễm; bên cạnh đó tiếp viên đã và sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của khách hàng trên chuyến bay nên việc kiểm tra tại sân bay là không cần thiết. 

Trong khi Bộ Ngoại giao Anh ra khuyến cáo mọi người không nên đến các vùng dịch trừ khi thật sự cần thiết, họ không có những hạn chế hay quy định cụ thể cho công dân Anh và Ý đi về giữa hai nơi. Sắc lệnh này gây hoang mang diện rộng vì tại sao người Ý bị phong tỏa trong nước, nhưng lại được tự do di chuyển đến nước khác? 

Đọc hai dòng báo trong nước và tại Anh, tôi nhận thấy nỗ lực triệt để của cả hai nước đang làm để ngăn chặn bệnh dịch đang lan truyền nhanh chóng. Có biện pháp mang lại hiệu quả trước mắt, có biện pháp nghe có vẻ trái tai và gây nhiều tranh cãi, nhưng có thể những cái đầu lãnh đạo cũng đã trăn trở rất nhiều để đưa ra quyết định.

Điều quan trọng lúc này, theo tôi là ý thức của mỗi người, vì cho dù nhà nước có cố gắng hết sức để ra những quyết định đúng đắn, nhưng chỉ cần một số người cố lách luật, thì quy trình cũng sẽ bị phá vỡ và hậu quả sẽ khôn lường.

Phan Quỳnh Dao

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Dương Thắng 13-03-2020 18:17:49

    " Cười người chớ vội cười lâu - Cười người hôm trước hôm sau người cười ). Ông bà tôi nói thế vậy, chỉ tiếc rằng người Anh không có ai biết dịch câu này

  • Nguyễn Thị Loan 11-03-2020 16:30:04

    Rất đúng đó bạn. và ai đi vào siêu thị, của hàng dọc đường nên đề nghị mọi người đeo khẩu trang và sát khuẩn rồi hãy vào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI